Nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ vì mang tính mô tả

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp mình được nhiều người tiêu dùng biết đến và sử dụng. Hiện nay, trên thị trường đang ngày càng có nhiều hơn hàng hóa hoặc dịch vụ cùng loại, tương tự thì nhãn hiệu chính là một dấu hiệu thiết yếu để phân biệt sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau, tăng hiệu quả marketing cũng như thu hút người tiêu dùng.

Khi đã tạo nên một logo, thương hiệu mà người tiêu dùng nhìn/nghe thấy sẽ nhận biết được logo, thương hiệu đó liên quan đến loại sản phẩm/ dịch vụ nào, các doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định pháp luật để mà độc quyền sử dụng và ngăn cấm người khác vi phạm thương hiệu của mình.

Một điều cần lưu ý là nhãn hiệu chỉ được độc quyền khi đơn đăng ký đã trải qua các giai đoạn thẩm định và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký (Văn bằng bảo hộ):

tinh-mo-ta-cua-nhan-hieu

Một trong các trường hợp phổ biến làm cho đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ là nhãn hiệu có tính mô tả sản phẩm/dịch vụ.

Liên quan đến tính mô tả của nhãn hiệu, Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định như sau:

“Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụtrừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;

d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lýlĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;”

Cụ thể hóa nội dung trên, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi năm 2016 cũng có quy định về những dấu hiệu chữ, dấu hiệu hình sau đây bị coi là không có khả năng phân biệt:

  • Một từ hoặc một tập hợp từ mang nội dung mô tả chính hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu như dấu hiệu chỉ dẫn về thời gian, địa điểm, nguồn gốc địa lý (trừ trường hợp nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của hàng hoá hoặc nhãn hiệu tập thể, ví dụ: đào Nhật Tân, xoài cát Hòa Lộc,… ), phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất (trừ trường hợp nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của hàng hoá, dịch vụ, ví dụ: Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhãn hiệu chứng nhận rau Đà Lạt,…), thành phần, công dụng, giá trị của hàng hoá, dịch vụ;
  • Một từ hoặc một tập hợp từ có ý nghĩa mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ nhãn hiệu.
  • Hình vẽ, hình ảnh mang tính mô tả chính hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; địa điểm, phương pháp sản xuất, nguồn gốc địa lý, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Khi thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu, các nhãn hiệu chỉ bao gồm yếu tố mô tả thường sẽ bị cơ quan đăng ký ra thông báo từ chối bảo hộ.

Sau đây là những ví dụ và phân tích để làm rõ các quy định pháp luật trên:

1. Nhãn hiệu là dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ:

Ví dụ:

a) Logo “CHÁO ẾCH – CAM KẾT TƯƠI SẠCH HỢP VỆ SINH, hình” đăng ký cho Dịch vụ quán ăn uống, quán cháo ếch:

tinh-mo-ta-cua-nhan-hieu

Logo này bao gồm phần hình và phần chữ. Trong đó phần chữ gồm: “CHÁO ẾCH” là tên gọi của món ăn, “CAM KẾT TƯƠI SẠCH HỢP VỆ SINH” có ý nghĩa mô tả về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ cung cấp. Do đó, nội dung chữ “CHÁO ẾCH – CAM KẾT TƯƠI SẠCH HỢP VỆ SINH” có thể bị coi là mang tính mô tả, không được bảo hộ.

b) Chữ “DỪA ĐỦ XÀI” đăng ký cho “Dầu dừa, nước cốt dừa, dừa, bánh dừa, kẹo dừa”:

tinh-mo-ta-cua-nhan-hieu

Nhãn hiệu đăng ký chỉ là chữ cơ bản: “Dừa đủ xài”, trong đó “Dừa” là tên gọi sản phẩm có trong danh mục đăng ký bảo hộ, “đủ xài” có nghĩa là “vừa đủ nhu cầu sử dụng” có thể bị coi là mang tính mô tả về số lượng hoặc đặc tính của sản phẩm. Do đó, “Dừa đủ xài” vẫn có khả năng bị coi là mang tính mô tả, không được bảo hộ.

c) “Đá Thiên Nhiên, hình” cho dịch vụ “mua bán đá hoa cương, vật liệu xây dựng không bằng kim loại”:

tinh-mo-ta-nhan-hieu

Logo đăng ký bao gồm hai phần: phần hình và phần chữ, trong đó phần chữ là “ĐÁ THIÊN NHIÊN” và trong danh mục sản phẩm, dịch vụ đăng ký có bao gồm sản phẩm “đá hoa cương, vật liệu xây dựng không bằng kim loại (có thể bao gồm đá)”, do đó, phần chữ là tên gọi dùng cho sản phẩm trong danh mục đăng ký nên bị coi là mang tính mô tả, không được bảo hộ.

Trên đây là những dấu hiệu chung mô tả cho loại hàng hóa/dịch vụ, cho nên, không có khả năng phân biệt giữa các chủ thể cùng kinh doanh loại hàng hóa/dịch vụ đó với nhau.

2. Nhãn hiệu là dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh

Các dấu hiệu đó là: công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, tập đoàn, quỹ tín dụng, bệnh viện, ngân hàng,(hình thức pháp lý); xây dựng, đầu tư, bảo hiểm, luật, tư vấn, thương mại, bất động sản, vận tải,… (lĩnh vực kinh doanh).

Ví dụ:

tinh-mo-ta-nhan-hieu

=> Chỉ được bảo hộ chữ “Nhà Rồng (Bảo Long)” và “NHARONG, BAOLONG”.

tinh-mo-ta-nhan-hieu

=> Chỉ được bảo hộ chữ “Đức Thịnh” và DTS.

* Trường hợp ngoại lệ – nhãn hiệu mang tính mô tả nhưng vẫn được bảo hộ:

Mặc dù đã quy định rõ tại Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ về các trường hợp bị coi là không có tính phân biệt, nhưng nhãn hiệu mang tính mô tả vẫn có thể được bảo hộ nếu “dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu” nhờ sự đầu tư tiếp thị và truyền thông của doanh nghiệp.

Để được áp dụng ngoại lệ này, người nộp đơn phải cung cấp hai loại bằng chứng:

  • Bằng chứng về việc sử dụng một cách rộng rãi nhãn hiệu đó (thời gian bắt đầu sử dụng, phạm vi, mức độ sử dụng hiện nay…, trong đó nhãn hiệu chỉ được coi là “được sử dụng” khi việc sử dụng đó được tiến hành trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, quảng cáo, tiếp thị hợp pháp)
  • Bằng chứng về khả năng phân biệt của nhãn hiệu đối với hàng hoá, dịch vụ liên quan của chủ nhãn hiệu. Trong trường hợp này, nhãn hiệu đó chỉ được thừa nhận là có khả năng phân biệt khi được thể hiện ở dạng đúng như dạng mà nó được sử dụng liên tục và phổ biến trong thực tế.

Ví dụ: Các nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” hoặc “Vang Đà Lạt” (tên hàng hóa + địa điểm sản xuất),… đã đạt được khả năng phân biệt qua một quá trình sử dụng đến trước thời điểm nộp đơn đăng ký. Do vậy, sẽ được chấp nhận bảo hộ:

tinh-mo-ta-nhan-hieu

tinh-mo-ta-nhan-hieu

Tạm kết:

Từ những phân tích trên cho thấy nếu muốn được pháp luật công nhận bảo hộ thì nhãn hiệu đó không được mang tính mô tả. Để đáp ứng được điều kiện này thì cá nhân, tổ chức cần có sự tư vấn, hỗ trợ cụ thể và kỹ lưỡng từ các tổ chức chuyên nghiệp về Sở hữu trí tuệ để tránh bị mất thời gian, công sức, tiền bạc vì dễ bị từ chối cấp văn bằng.

Công ty Luật HD Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ nêu trên, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581

Email: info@cis.vn

(Tác giả: Bảo Hân, Trúc Thi, Hòa Diễm, Thu Phương – CIS)