Đăng ký bảo hộ phần mềm, chương trình máy tính như thế nào?

Trong thời đại công nghệ 4.0, ngày càng nhiều hoạt động của con người đều gắn liền với máy móc, thiết bị hiện đại, thông minh.

Từ những việc giản đơn nhất là ăn uống, mọi người ngồi ở nhà cũng có thể đặt hàng qua ứng dụng điện thoại để có người mang thức ăn đến tận nhà.

Hay những việc phức tạp hơn như theo dõi, quản lý, vận hành, thậm chí là điều khiển từ xa các hoạt động ở các nhà máy sản xuất, chuỗi cửa hàng, quán ăn, công ty, trường học.

Rõ ràng là tất cả đều phải hoạt động dưới sự hỗ trợ của phần mềm, chương trình máy tính và với sự tài ba, trí tuệ của các kỹ sư, lập trình viên mà phần mềm ngày càng thông minh hơn, hữu ích hơn, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp hơn trong đời sống, kéo theo đó, số lượng và chất lượng của phần mềm, chương trình máy tính ngày càng tăng lên nhằm đáp ứng kịp nhu cầu của con người.

Vậy:

  • Phần mềm, ứng dụng, chương trình máy tính có được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không?
  • Đăng ký quyền SHTT đối với phần mềm, chương trình máy tính được thực hiện như thế nào?
  • Và tại sao cần nhanh chóng đăng ký phần mềm, chương trình máy tính?

Hãy cũng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!

1. Phần mềm/ Chương trình máy tính được bảo hộ bản quyền

– Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể, bao gồm các loại sau đây:

+ Phần mềm hệ thống;

+ Phần mềm ứng dụng;

+ Phần mềm điều khiển, tự động hóa và các sản phẩm tương tự khác.

– Các chương trình máy tính phổ biến hiện nay như:

+ Chương trình ứng dụng chạy được trên máy vi tính (PC, laptop);

+ Ứng dụng (application/apps) chạy trên thiết bị di động (smartphone, tablet) sử dụng hệ điều hành Android, iOS;

+ Ứng dụng hệ thống sử dụng cho các thiết bị số khác như hệ thống máy móc điều khiển tự động, máy định vị GPS, máy POS, v.v…

– Theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, phần mềm/chương trình máy tính là một đối tượng được bảo hộ bản quyền, hay còn gọi là quyền tác giả. Theo đó, tác giả thiết kế, chủ sở hữu phần mềm/chương trình máy tính có các quyền nhân thân và quyền tài sản theo quy định pháp luật, bao gồm những quyền quan trọng như:

+ Độc quyền sao chép phần mềm/chương trình máy tính;

+ Phân phối bản sao phần mềm/chương trình máy tính ra thị trường;

+ Cho thuê, cấp li-xăng sử dụng phần mềm/chương trình máy tính có thời hạn.

2. Đăng ký bản quyền phần mềm/chương trình máy tính

– Đăng ký bản quyền phần mềm/chương trình máy tính là việc tác giả, chủ sở hữu bản quyền nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, chủ sở hữu bản quyền của phần mềm/chương trình máy tính đó.

– Việc nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm/chương trình máy tính mặc dù không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả nhưng khi tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì được đặc quyền không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp bên kia có chứng cứ ngược lại.

– Để đăng ký bản quyền phần mềm/chương trình máy tính, tác giả, chủ sở hữu có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn đăng ký quyền tác giả, hồ sơ gồm:

+ Tờ khai đăng ký quyền tác giả;

+ Bản sao phần mềm/chương trình máy tính đăng ký quyền tác giả;

+ Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;

+ Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu có đồng tác giả;

+ Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung

+ Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền.

– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối, thì phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn biết.

3. Tại sao cần nhanh chóng đăng ký phần mềm, chương trình máy tính?

– Phần mềm, chương trình máy tính là một đối tượng có giá trị khai thác thương mại rất lớn

– Thời gian để các kỹ sư code một phần mềm, chương trình máy tính là rất lâu và phải trải qua rất nhiều lần hoàn thiện nhưng thời gian để người khác copy, bắt chước ý tưởng hoặc crack/bẻ khóa phần mềm để sử dụng trái phép lại rất nhanh chóng và dễ dàng.

– Phần mềm, chương trình máy tính chỉ có thể đăng ký bảo hộ dưới hình thức “bản quyền tác giả”, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả, chủ sở hữu chương trình máy tính cần thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

– Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả là một bằng chứng hữu hiệucó giá trị nhất khi cần yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm. Luật Sở hữu trí tuệ có quy định:

“Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại”.

Công ty Luật HD Bản Quyền Quốc Tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ nêu trên, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 028 3911 8581
Email: info@cis.vn