Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của doanh nghiệp Việt. Để quá trình xuất khẩu và lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng thực hiện đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc càng sớm càng tốt, đây được xem là bước đi chiến lược quan trọng mà doanh nghiệp không thể bỏ qua nếu đã kinh doanh trên thực tế hoặc đang có kế hoạch gia nhập thị trường tiềm năng này.
Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật CIS sẽ giới thiệu đến bạn đọc chủ đề đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc, xin mời theo dõi.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
1. Đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc là gì?
Đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc là việc nộp đơn đăng ký đến Cơ quan Quản lý Sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc – China National Intellectual Property Administration (CNIPA) để được xem xét cấp độc quyền cho nhãn hiệu tại thị trường Trung Quốc.
CNIPA tiếp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu với bất kỳ dấu hiệu nào, bao gồm từ ngữ, đồ họa, chữ cái, chữ số, dấu hiệu ba chiều, sự kết hợp màu sắc, âm thanh hoặc bất kỳ sự kết hợp nào trong số đó, miễn chúng có khả năng phân biệt hàng hóa/dịch vụ của người này so với hàng hóa của người khác thì đều có thể được đăng ký làm nhãn hiệu tại Trung Quốc.
Tương tự như đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, nếu được CNIPA chấp thuận bảo hộ, nhãn hiệu của bạn sẽ được bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm, bạn có thể gia hạn liên tiếp thêm nhiều lần sau đó (mỗi lần thêm 10 năm nữa).
Việc nhãn hiệu được CNIPA cấp bảo hộ tại Trung Quốc còn mang lại cho bạn các lợi ích to lớn sau đây: – Độc quyền sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký trên toàn lãnh thổ Trung Quốc trong phạm vi hàng hóa/dịch vụ được ghi trong Giấy chứng nhận do CNIPA cấp; – Quyền ngăn cấm hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại từ bên xâm phạm nhãn hiệu tại Trung Quốc; – Chuyển nhượng các quyền độc quyền nêu trên cho một bên khác thông qua việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu; – Cấp quyền sử dụng cho một hoặc nhiều bên khác dưới hình thức cấp li-xăng nhãn hiệu. |
Tuy nhiên, không phải đơn đăng ký nhãn hiệu nào nộp tại Trung Quốc cũng mặc nhiên được bảo hộ mà cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bảo hộ, điều kiện bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc được Công ty Luật CIS trình bày tại Mục 2 dưới đây.

2. Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc
Trung Quốc yêu cầu người nước ngoài/công ty nước ngoài khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại nước này phải thông qua Đại diện/Luật sư nhãn hiệu đã được cấp phép hành nghề.
Riêng đối với người nước ngoài có nơi cư trú thường xuyên hoặc công ty nước ngoài có địa điểm kinh doanh tại Trung Quốc, nước này cho phép họ được nộp đơn đăng ký nhãn hiệu online tại địa chỉ: https://sbj.cnipa.gov.cn/sbj/wssq/
Theo Luật Nhãn hiệu Trung Quốc, một nhãn hiệu muốn được cấp bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc cần đáp ứng các điều kiện chung sau đây:
(1) Nhãn hiệu xin đăng ký phải thuộc các trường hợp cho phép đăng ký làm nhãn hiệu đã nêu ở Mục 1 bài viết;
(2) Nhãn hiệu xin đăng ký không rơi vào một trong các trường hợp không được sử dụng làm nhãn hiệu, chẳng hạn như: dấu hiệu trùng/tương tự với tên quốc gia, quốc kỳ, quốc ca, cờ quân đội, biểu tượng hoặc huy chương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Tên địa lý của các đơn vị hành chính từ cấp huyện trở lên hoặc tên địa lý nước ngoài được công chúng biết đến; Dấu hiệu trùng/tương tự với biểu tượng/tên của Hội Chữ thập đỏ hoặc Trăng lưỡi liềm đỏ, v.v…
(3) Nhãn hiệu phải có khả năng giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nó và của người khác (không đơn thuần là tên gọi chung, thiết kế của hàng hóa liên quan; không trực tiếp chỉ ra chất lượng, nguyên liệu, chức năng, công dụng… của hàng hóa;…)
Ví dụ:
(4) Nhãn hiệu không được xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được xác lập trước, nhãn hiệu nổi tiếng.
Ví dụ: Nhãn hiệu bị từ chối với lý do tương tự với nhãn hiệu đã có trước tại CNIPA (tương tự về dấu hiệu và tương tự về hàng hóa đăng ký).
(5) Nhãn hiệu không được xung đột với các quyền sở hữu trí tuệ khác đã được xác lập trước của người khác.
Điều kiện số (3) và (4) thường là những điều kiện mà hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thường không đáp ứng được và cũng là những nguyên nhân từ chối phổ biến nhất khi đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc.
3. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc
Bạn có hai lựa chọn để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc, tùy thuộc vào ngân sách và kế hoạch mở rộng thị trường của bạn tại quốc gia này, đó là: (1) đăng ký trực tiếp hoặc (2) đăng ký qua hệ thống Madrid. Chi tiết về quy trình đăng ký sẽ được chúng tôi hướng dẫn trong Mục 4 dưới đây.
Mỗi phương thức đăng ký yêu cầu hồ sơ khác nhau, cụ thể như sau:
∗ Nếu nộp đơn đăng ký trực tiếp tại Trung Quốc, bạn cần chuẩn bị các tài liệu sau:
– Đơn đăng ký nhãn hiệu theo mẫu của CNIPA (bằng tiếng Trung Quốc), trong đó khai rõ: tên và địa chỉ của người nộp đơn (bằng tiếng Trung và tiếng Anh); Quốc tịch; Mẫu nhãn hiệu; Danh mục hàng hóa, dịch vụ đăng ký;
– Bản dịch tiếng Trung hộ chiếu của người nộp đơn (nếu là cá nhân);
– Bản dịch tiếng Trung Giấy phép đăng ký kinh doanh tại Việt Nam (nếu là Công ty);
– Tài liệu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên cùng bản dịch tiếng Trung (nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên);
– Giấy ủy quyền (không cần công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự).

∗ Nếu nộp đơn qua hệ thống Madrid, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chỉ định Trung Quốc bao gồm:
– Tờ khai đăng ký nhãn hiệu quốc tế có nguồn gốc từ Việt Nam (theo mẫu);
– Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu (MM2);
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam (nếu đơn nộp theo Thỏa ước Madrid);
– Bản sao đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam (nếu đơn nộp theo Nghị định thư Madrid);
– Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn qua Tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp như Công ty Luật CIS);
– Bản sao chứng từ nộp phí/lệ phí (nếu phí được nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc qua dịch vụ bưu chính).
Quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc diễn ra trung bình khoảng từ 9-12 tháng đối vớn đơn đăng ký suôn sẻ (không có từ chối, phản đối) và trải qua các bước như sơ đồ dưới đây:
4. Cách thức đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc
Để đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc, người nộp đơn có hai lựa chọn: (1) đăng ký trực tiếp, hoặc (2) sử dụng hệ thống Madrid để đăng ký. Cụ thể như sau:
a) Đăng ký trực tiếp:
Đăng ký trực tiếp là cách thức nộp đơn đăng ký tại CNIPA thông qua sự hỗ trợ của Luật sư hoặc Đại diện nhãn hiệu tại Trung Quốc đã được cấp phép hành nghề. Cá nhân và doanh nghiệp Việt thường chọn cách thức này khi:
– Không thể đăng ký nhãn hiệu online theo Mục 2 bài viết vì không có nơi cư trú thường xuyên hoặc không có địa điểm kinh doanh tại Trung Quốc;
– Đã tìm được Luật sư/Đại diện nhãn hiệu uy tín tại Trung Quốc hỗ trợ đăng ký.
– Chỉ muốn bảo vệ nhãn hiệu riêng lẻ tại Trung Quốc và chưa có kế hoạch đăng ký đồng thời tại các nước khác;
– Chưa đủ điều kiện để sử dụng hệ thống Madrid vì nhãn hiệu chưa được đăng ký/chưa cấp bằng tại Việt Nam.

b) Đăng ký qua hệ thống Madrid:
Hệ thống Madrid cho phép bạn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua một đơn đăng ký duy nhất, được quản lý bởi Văn phòng quốc tế thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO). Khi lựa chọn cách thức này, trước hết bạn cần có một đơn đăng ký nhãn hiệu đang được xử lý tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc một nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Văn bằng nhãn hiệu). Cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam thường lựa chọn cách này khi:
– Cần bảo vệ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia thuộc hệ thống Madrid, trong đó có Trung Quốc.
– Muốn tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc đăng ký trực tiếp.
– Gặp khó khăn trong việc tự tìm kiếm Luật sư địa phương/Đại diện nhãn hiệu tại Trung Quốc để đại diện cho mình trước CNIPA.
5. Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc
Công ty Luật CIS là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được cấp giấy phép hoạt động bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, với bề dày kinh nghiệm của mình cùng đội ngũ Luật sư và Chuyên viên được đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Chúng tôi hoàn toàn có đủ uy tín, năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:
– Tư vấn lựa chọn cách thức tối ưu đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc phù hợp với nhu cầu và ngân sách của bạn; – Tư vấn hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc; – Tiến hành các thủ tục phản đối, khiếu nại và hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc; – Gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc; – Ghi nhận những thay đổi liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc; – Tư vấn đăng ký chuyển giao quyền đối với nhãn hiệu tại Trung Quốc; – Quản lý hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc đến khi có kết quả cuối cùng, chủ động cập nhật tình trạng xử lý hồ sơ và kịp thời phúc đáp ý kiến của Cơ quan đăng ký. |
Trên đây là những thông tin về đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc. Nếu có thắc mắc nội dung hay cần giải đáp vấn đề nào, hãy liên hệ chúng tôi để nhận được hỗ trợ và tư vấn pháp lý theo thông tin sau:
PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580
Email: info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn