Mở gian hàng Shopee, Lazada, Tiki cần giấy đăng ký nhãn hiệu?

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, hầu như hoạt động nào của con người đều gắn liền với thiết bị thông minh và mạng internet. Các giao dịch có xu hướng chuyển sang online, đặc biệt là hoạt động mua bán hàng hóa qua mạng đang ngày càng phát triển và là xu hướng tất yếu trong nền công nghiệp 4.0 mà cả thế giới đều đang hướng tới.

Trước đây, các nhà bán hàng thường chỉ có thể bán hàng thông qua website của chính mình, điều này đã gặp nhiều khó khăn như ít người biết tới, chi phí vận hành, duy trì, bảo mật website, đặc biệt là khâu đặt hàng, vận chuyển, giao nhận… Sau này, với sự ra đời của các Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), những vấn đề này đã dần được khắc phục, cả người bán và người mua đều dễ dàng thực hiện được giao dịch của mình. Một số sàn giao dịch TMĐT phổ biến nhất ở Việt Nam như: Shopee, Lazada, Tiki… Và số lượng người bán hàng có nhu cầu gia nhập và đưa hàng lên các sàn giao dịch TMĐT này ngày càng tăng.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều người bán hàng gửi câu hỏi cho Luật sư Công ty Luật CIS hỏi rằng: vì sao khi đăng ký mở gian hàng thì các sàn TMĐT này đòi hỏi giấy tờ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu?

Hãy cũng xem giải đáp trong bài viết dưới đây nhé.

Thông tin giấy tờ đăng ký nhãn hiệu mà các sàn giao dịch TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki yêu cầu các người bán hàng cung cấp khi mở gian hàng là gì?

Trước tiên, việc yêu cầu bên tham gia sàn giao dịch TMĐT phải cung cấp thông tin gì và phải đáp ứng những điều kiện nào để được tham gia sàn là quy định riêng của sàn đó. Tham khảo chính sách của một số sàn giao dịch TMĐT phổ biến hiện nay có quy định: để đưa sản phẩm vào danh mục bán hàng, thì ngoài việc cung cấp các giấy tờ về đăng ký kinh doanh thì các nhà bán hàng CHÍNH HÃNG còn cần cung cấp các chứng từ chứng nhận về nhãn hiệu.

Ví dụ: Các yêu cầu chứng từ cần nộp để trở thành Nhà bán hàng LazMall, bao gồm:

– Thông tin thương hiệu;

– Logo cửa hàng;

– Bản mẫu Banner;

Giấy chứng nhận nhãn hiệu (đối với Chủ thương hiệu) hoặc Thư ủy quyền (đối với Nhà phân phối).

thuong-mai-dien-tu

Đối với Shopee Mall thì cần cung cấp: Giấy đăng ký thương hiệu hoặc Giấy xác nhận hồ sơ đăng ký thương hiệu hợp lệ của Cơ quan Nhà nước”.

thuong-mai-dien-tu

Trong đó, đối với nhà bán hàng là chủ sở hữu thương hiệu thì Giấy chứng nhận nhãn hiệu theo quy định pháp luật được gọi là “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu” hay còn gọi là Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, đây là một giấy tờ do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho tên gọi, logo đã tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu và đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ như là: không bị trùng/tương tự với bất kỳ tên gọi, logo nào của người khác đã đăng ký trước, không mang tính mô tả v.v…

Đối với nhà phân phối, tức là bán hàng do người khác sản xuất thì cũng phải có tài liệu chứng minh mình có quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu đó, ở sàn Lazada thì cho dùng tài liệu là Thư ủy quyền để chứng minh, ngoài ra, theo quy định pháp luật thì còn có thể là Hợp đồng chuyển quyền sử dụng độc quyền hoặc không độc quyền, Giấy xác nhận đồng ý của chủ sở hữu quyền v.v..

Pháp luật có quy định bắt buộc khi bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT thì phải đăng ký nhãn hiệu không?

Pháp luật không quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân phải đăng ký nhãn hiệu, tuy nhiên khi nhãn hiệu sử dụng bị trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký bảo hộ thì tổ chức, cá nhân đó có thể bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và sẽ bị xử lý theo quy định, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm hành chính, hoặc khởi kiện ra Tòa, hoặc nghiêm trọng nhất là khởi tố hình sự. Gần đây nhất chắc các bạn cũng đã biết một công ty đã bị khởi tố hình sự vì xâm phạm nhãn hiệu bia Sài Gòn.

Như vậy, việc đăng ký nhãn hiệu là không bắt buộc, vậy tại sao các sàn giao dịch TMĐT lại yêu cầu nhà bán hàng phải cung cấp giấy tờ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu?

Hoạt động TMĐT sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật TMĐT, theo đó, hành vi “Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ” là hành vi bị nghiêm cấm theo điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về thương mại điện tử.

Ngoài ra, khoản 6 Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP có quy định các trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, cụ thể: chủ sàn giao dịch TMĐT phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT.

Khoản 4 Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT hướng dẫn chi tiết rằng: “Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.

Do đó, nếu nhà bán hàng không có tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hàng thì rủi ro hàng hóa được đưa lên sàn giao dịch TMĐT đó xâm phạm quyền SHTT của người khác là có thể xảy ra. Cho nên, việc sàn giao dịch TMĐT đề nghị bên bán hàng phải cung cấp giấy tờ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là có cơ sở và hợp lý.

Vậy thủ tục đăng ký nhãn hiệu được tiến hành như thế nào?

Đầu tiên, chủ thương hiệu cần xác định lĩnh vực dự định sử dụng thương hiệu, ví dụ: thương hiệu mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm, sách/văn phòng phẩm …

Sau đó tiến hành kiểm tra trong những lĩnh vực đó thì có ai đã đăng ký thương hiệu trùng hoặc tương tự với mình hay chưa. Khâu này đặc biệt quan trọng, quyết định hơn 50% khả năng thương hiệu đó có được chấp thuận bảo hộ hay không. Nếu làm tốt khâu này, chủ thương hiệu sẽ không bị mất nhiều thời gian, chi phí theo đuổi một thương hiệu nếu đã bị trùng/tương tự. Các chủ thương hiệu nên tìm những đơn vị là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp đã có chứng chỉ hành nghề của Cục SHTT để tham vấn vì họ là những chuyên gia, có đầy đủ kinh nghiệm và tư cách đại diện để làm việc trực tiếp với cơ quan đăng ký.

Sau giai đoạn tự đánh giá, tra cứu và chủ thương hiệu quyết định tiến hành thủ tục đăng ký thì quy trình, thủ tục đăng ký trải qua các bước sau:

– Nộp hồ sơ;

– Thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn;

– Công bố đơn: đơn hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo SHCN trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày hợp lệ;

– Thẩm định nội dung: 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn. Tuy nhiên, thời gian thực tế thường kéo dài tùy vào số lượng hồ sơ thực tế, thời gian trung bình hiện nay là khoảng 1.5 – 2 năm.

– Cấp Văn bằng bảo hộ nếu nhãn hiệu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bảo hộ và đóng phí, lệ phí cấp Văn bằng đúng hạn.

quy-trinh-dang-ky-nhan-hieu

Như vậy, thương hiệu sản phẩm thuộc các gian hàng chính hãng bao gồm tên gọi hoặc logo được pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam bảo hộ dưới dạng “Nhãn hiệu”.

Quyền sở hữu hợp pháp thương hiệu chỉ được công nhận khi và chỉ khi thương hiệu đó đã được đăng ký tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

tinh-mo-ta-cua-nhan-hieu

Việc được cấp Giấy chứng nhận sẽ đem lại những ý nghĩa như sau:

– Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là một trong những chứng từ, tiêu chí đặc biệt quan trong trong thủ tục đăng ký trở thành nhà bán hàng trên gian hàng chính hãng của các sàn thương mại điện tử;

– Giúp tạo niềm tin từ khách hàng, giúp khách hàng phân biệt được gian hàng chính hãng với những gian hàng giả mạo;

– Giúp chủ sở hữu có cơ sở pháp lý vững chắc xác nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh;

– Đảm bảo chủ sở hữu không bị bất kỳ chủ thể nào khác ngăn cấm sử dụng logo, tên gọi của sản phẩm trong hoạt động kinh doanh;

– Giúp ngăn chặn hành vi sử dụng thương hiệu hoặc logo tương tự hoặc gây nhầm lẫn với thương hiệu đã đăng ký.

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 028 3911 8580 – 0938 548 101
Email: sohuutritue@cis.vn