Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được sở hữu nhà, đất tại Việt Nam không?

Gần đây, với chính sách mở cửa của Nhà nước Việt Nam, có rất nhiều người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có nhu cầu sở hữu nhà và đất tại Việt Nam, tuy nhiên họ vẫn có nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề này. Để hiểu rõ hơn về các quy định này, mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Thế nào là người VN định cư ở nước ngoài? 

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo Luật Quốc tịch hiện hành là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài, trong đó Luật cũng nêu rõ:

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

viet-kieu-mua-nha-dat-viet-nam

2. Khi nào người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam?

Để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần thỏa mãn điều kiện về Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo Điều 5 Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Cụ thể:

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam;

– Hoặc Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài còn giá trị có dấu xuất nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam thì kèm giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp.

– Giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam bao gồm một trong các loại giấy tờ như: Giấy khai sinh, CMND của người đó trước khi sang nước ngoài định cư, …

Nếu đủ giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì được sở hữu nhà ở dưới 3 hình thức sau:

♦ Hình thức thứ nhất: Mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản.

♦ Hình thức thứ hai: Là mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân.

♦ Hình thức thứ ba: Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp nào người Việt Nam định cư ở ngoài được sở hữu đất ở Việt Nam?

Pháp luật đất đai hiện hành chỉ cho phép người VN định cư ở nước ngoài được sở hữu đất trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể là:

♦ Trường hợp 1: Nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

♦ Trường hợp 2: Nếu là Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì sẽ được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.

Như vậy, Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không được nhận chuyển nhượng mỗi quyền sử dụng đất (không được mua riêng đất), trừ trường hợp thửa đất đó nằm trong các dự án phát triển nhà ở. Khi nhận thừa kế là quyền sử dụng đất mà không gắn với nhà ở, hay nói dễ hiểu là nhận thừa kế đất riêng, thì Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được hưởng phần giá trị của đất.

4. Giải pháp cho người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có thể sở hữu nhà, đất

Để người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà, đất, đứng tên trên sổ đỏ, sổ hồng như 1 công dân Việt Nam là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể thực hiện thủ tục đăng ký song tịch, đăng ký thường trú để được nhập hộ khẩu và cấp Căn cước công dân Việt Nam. Sau khi hoàn tất thủ tục này, người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có thể đứng tên trên sổ đỏ như các công dân Việt Nam khác mà không bị bất cứ một giới hạn nào.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 38257196 – 0938 548 101
Email: 
info@cis.vn