Cách kiểm tra nhà đất nằm trong quy hoạch

Trước khi mua nhà đất, một việc vô cùng quan trọng mà nhiều người quan tâm là nhà đất mình dự định mua có nằm trong quy hoạch hay không.

Vậy Đất quy hoạch là gì? Cách kiểm tra đất quy hoạch như thế nào?

Mời các bạn cùng xem câu trả lời trong bài viết dưới đây.

1. Đất quy hoạch là gì?

Khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

2. Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu đất quy hoạch là vùng đất nằm trong kế hoạch sử dụng đất ở từng địa phương, phân theo từng mục đích sử dụng và được chia thành từng kỳ trong một khoảng thời gian nhất định. Một số quy hoạch đất đai phổ biến như là: quy hoạch xây dựng khu dân cư, quy hoạch đường sắt, quy hoạch làm đường giao thông…

Khi mua bán nhà đất trong quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến giá trị của mảnh đất, cũng như khó khăn trong việc xây dựng, cải tạo, sữa chữa nhà ở, xây dựng các công trình, trồng cây lâu năm theo mong muốn của chủ đất.

2. Cách kiểm tra nhà đất có nằm trong quy hoạch

Để tra cứu nhà đất có nằm trong quy hoạch hay không, bạn có thể thực hiện theo các cách sau:

Cách thứ nhất: Xem quy hoạch sử dụng đất trực tiếp tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã /phường/thị trấn hoặc UB quận/huyện nơi có đất.

Các bạn có thể xem thông tin quy hoạch tại Bảng thông báo của trụ sở Ủy ban nhân dân xã /phường/thị trấn hoặc UB quận/huyện nơi có đất, hoặc liên hệ trực tiếp cán bộ của Ủy ban để được hướng dẫn chi tiết.

Cách thứ hai: Xem quy hoạch thông qua cổng thông tin điện tử của từng tỉnh/thành phố nơi có nhà đất.

cach-tra-cuu-thong-tin-quy-hoach

Mỗi tỉnh/thành phố xây dựng một ứng dụng hoặc website quy hoạch riêng để tra cứu thông tin quy hoạch, các bạn có thể tải ứng dụng về điện thoại và đăng ký tài khoản để tra cứu thông tin.

Ví dụ:

  • Ứng dụng “DNAI.LIS” để tra cứu thông tin quy hoạch tại Đồng Nai.
  • Ở TPHCM, bạn có thể xem tại thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn.

Cách thứ ba: Xem quy hoạch sử dụng đất bằng cách gửi yêu cầu đến Văn phòng đăng ký đất đai nơi có nhà đất.

Nếu bạn sử dụng cách này thì thực hiện theo các bước như sau:

– Bước 1: Bạn nộp phiếu yêu cầu theo mẫu đến Văn phòng đăng ký đất đai theo các hình thức sau:

Mẫu yêu cầu: (Tải về phiếu yêu cầu)

+ Nộp trực tiếp hoặc gửi bưu điện đến Văn phòng đăng ký đất đai nơi có nhà đất;

+ Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.

– Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận, xử lý. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho người dân biết.

– Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin quy hoạch sử dụng đất theo yêu cầu.

Cách thức này được quy định chi tiết tại Điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 như sau:

Điều 12. Trình tự, thủ tục cung cấp dữ liệu đất đai

1. Việc nộp văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện theo một trong các phương thức sau:

a) Nộp trực tiếp tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;

b) Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện;

c) Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.

2. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính (trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính) cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.

3. Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.

4. Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định sau:

a) Trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo;

b) Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức tổng hợp thông tin thì thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và người có yêu cầu bằng hình thức hợp đồng.

Cách thứ 4: Xem thông tin quy hoạch tại mục “Ghi chú” trong Sổ đỏ.

Tại mục Ghi chú sẽ thể hiện thông tin quy hoạch chi tiết của thửa đất, gồm diện tích và chức năng quy hoạch.

cach-tra-cuu-thong-tin-quy-hoach

Như vậy, Công ty Luật đã đưa ra 4 cách để cô chú anh chị có thể tự kiểm tra quy hoạch trước khi giao dịch nhà đất.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngoài việc kiểm tra quy hoạch nhà đất thì còn rất nhiều vấn đề pháp lý khác liên quan đến nhà đất, như: nhà đứng tên 2 vợ chồng nhưng chỉ có chồng đồng ý bán … Nếu như bạn bỏ sót bất kỳ thông tin nào thì có thể phải gánh chịu thiệt hại.

Do đó, trường hợp bạn chưa có nhiều kinh nghiệm để tự kiểm tra các vấn đề pháp lý liên quan đến căn nhà, mảnh đất dự định mua, thì có thể hỏi ý kiến của Luật sư hoặc các chuyên gia để hạn chế thấp nhất rủi ro cho bản thân.

CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 38257196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn