10 căn cứ xác nhận đất sử dụng ổn định để cấp sổ đỏ từ 01/08/2024

Khi hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà muốn được cấp Sổ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì phải làm thủ tục “đăng ký đất đai”. Trong hồ sơ “đăng ký đất đai”, người sử dụng đất cần cung cấp một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của mình được quy định cụ thể tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 để được xem xét cấp Sổ. Mặc dù pháp luật đã tạo điều kiện tối đa bằng việc quy định rất nhiều loại giấy tờ mà người dân có thể cung cấp để làm thủ tục cấp Sổ mới, như: chấp nhận các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp; hoặc giấy tờ ghi tên người khác nhưng có kèm theo giấy tờ mua bán, v.v…, nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp đất KHÔNG CÓ hoặc KHÔNG ĐỦ giấy tờ.

Để giải quyết các trường hợp này, Luật Đất đai hiện hành quy định nếu người đang sử dụng đất mà không có giấy tờ vẫn có thể được xem xét cấp Sổ nếu được Ủy ban cấp xã nơi có đất xác nhận là đất đã được sử dụng ổn định, không có tranh chấp.

Vậy, đất sử dụng ổn định là gì? Căn cứ nào để xác định đất được sử dụng ổn định? Trong bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ giải đáp chi tiết.

1. Đất sử dụng ổn định là gì?

Theo quy định, đất được sử dụng ổn định là việc sử dụng đất vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sử dụng đất ổn định.

Luật Đất đai 2024

Điều 3. Giải thích từ ngữ

38. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sử dụng đất ổn định.

2. Căn cứ xác định đất được sử dụng ổn định

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 34 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, thì có 10 CĂN CỨ để xác định đất được sử dụng ổn định trong trường hợp đất KHÔNG CÓ giấy tờ, cụ thể như sau:

Thứ nhất là biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;

Thứ hai là biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất;

Thứ ba là Quyết định hoặc Bản án của Tòa đã có hiệu lực thi hành, quyết định về thi hành án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành;

Thứ tư là Giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có địa chỉ thuộc thửa đất phải xác định;

Thứ năm là Giấy tờ về giao đất không đúng thẩm quyền hoặc giấy tờ về việc sử dụng đất do mua, nhận thanh lý, hóa giá, phân phối nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định tại Điều 140 của Luật Đất đai;

Thứ sáu là Giấy tờ mua bán nhà đất hoặc giấy tờ về mua bán đất có chữ ký của các bên liên quan từ ngày 15/10/1993 trở về sau;

Thứ bảy là Bản đồ, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai; sổ mục kê, sổ kiến điền được lập từ ngày 18/12/1980 trở về sau;

Thứ tám là Giấy tờ về việc kê khai, đăng ký nhà đất có xác nhận của ủy ban các cấp tại thời điểm kê khai từ ngày 15/10/1993 trở về sau;

Thứ chín là Giấy tờ về việc đăng ký thường trú, tạm trú tại nhà ở gắn với đất ở do cơ quan có thẩm quyền cấp;

Và cuối cùng, nếu không có 1 trong 9 căn cứ vừa nêu, hoặc trên giấy tờ không ghi rõ ngày, không ghi rõ mục đích sử dụng đất, thì sẽ căn cứ vào Biên bản ghi nhận kết quả của Hội đồng đăng ký đất đai để xác định.

Nghị định 101/2024/NĐ-CP

Điều 34. Căn cứ để xác nhận các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Nghị định này

4. Việc xác nhận sử dụng đất ổn định đối với các trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai được căn cứ vào thời gian và mục đích sử dụng đất tại một trong các giấy tờ sau đây:

a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;

b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;

c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định về thi hành án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;

d) Giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có địa chỉ thuộc thửa đất phải xác định;

đ) Giấy tờ về giao đất không đúng thẩm quyền hoặc giấy tờ về việc mua, nhận thanh lý, hóa giá, phân phối nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định tại Điều 140 của Luật Đất đai;

e) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 trở về sau;

g) Bản đồ, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai; sổ mục kê, sổ kiến điền được lập từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 trở về sau;

h) Giấy tờ về việc kê khai, đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh tại thời điểm kê khai kể từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 trở về sau;

i) Giấy tờ về việc đăng ký thường trú, tạm trú tại nhà ở gắn với đất ở do cơ quan có thẩm quyền cấp;

k) Biên bản ghi nhận kết quả của Hội đồng đăng ký đất đai trong trường hợp không có một trong các thông tin, giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản này hoặc trên giấy tờ, thông tin đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ, thời điểm xác lập thông tin và mục đích sử dụng đất.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

3. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu

Đối với người đang sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu gồm:

– Đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này;

– Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137, khoản 1, khoản 5 Điều 148, khoản 1, khoản 5 Điều 149 của Luật Đất đai, sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (nếu có).

– Trường hợp thửa đất gốc có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai mà có phần diện tích đất tăng thêm đã được cấp Giấy chứng nhận thì nộp giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận đã cấp cho phần diện tích tăng thêm;

– Giấy tờ về việc nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về dân sự đối với trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định pháp luật về đất đai;

– Giấy tờ về việc nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về dân sự và giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 45 của Luật Đất đai;

– Giấy tờ về giao đất không đúng thẩm quyền hoặc giấy tờ về việc mua, nhận thanh lý, hóa giá, phân phối nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định tại Điều 140 của Luật Đất đai (nếu có);

– Giấy tờ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với trường hợp có vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

– Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền đối với thửa đất liền kề kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế đối với trường hợp có đăng ký quyền đối với thửa đất liền kề;

– Văn bản xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình đang sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình đang sử dụng đất;

– Mảnh trích đo bản đồ địa chính thửa đất (nếu có);

– Hồ sơ thiết kế xây dựng công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định hoặc đã có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất nông nghiệp mà chủ sở hữu công trình không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 149 của Luật Đất đai hoặc công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

– Trường hợp quy định tại điểm a khoản 6 Điều 25 của Nghị định này thì nộp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó có thể hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký đất đai; chứng từ nộp phạt của người sử dụng đất;

– Chứng từ đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);

– Trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng mà chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định của pháp luật thì nộp giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có chữ ký của bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền;

– Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với nhà ở, công trình xây dựng thuộc trường hợp phải xin phép xây dựng quy định tại khoản 3 Điều 148, khoản 3 Điều 149 của Luật Đất đai thì nộp giấy xác nhận của cơ quan có chức năng quản lý về xây dựng cấp huyện về đủ điều kiện tồn tại nhà ở, công trình xây dựng đó theo quy định của pháp luật về xây dựng (nếu có).

4. Thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với cá nhân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình đang sử dụng đất được quy định tại Điều 31 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Bước 1: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định nêu tại Mục 3 bài viết này, đến Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Bước 2: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ và chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết:

Bước 3: Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các công việc quy định tại Điều 33 của Nghị định 101/2024/NĐ-CP (Xác nhận hiện trạng sử dụng đất, xác nhận đất sử dụng ổn định, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất…)

Bước 4: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện thực hiện các công việc sau:

+ Trích lục bản đồ địa chính đối với nơi đã có bản đồ địa chính;

+ Đối với nơi chưa có bản đồ địa chính và trong hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có mảnh trích đo bản đồ địa chính thì đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, ký duyệt mảnh trích đo bản đồ địa chính.

+ Trường hợp trong hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất chưa có mảnh trích đo bản đồ địa chính thì đề nghị cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc trích đo bản đồ địa chính.

+ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra, ký duyệt mảnh trích đo bản đồ địa chính hoặc thực hiện trích đo bản đồ địa chính trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện, người sử dụng đất phải trả chi phí theo quy định;

+ Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng mà không có giấy tờ thì gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan có chức năng quản lý về xây dựng cấp huyện về đủ điều kiện tồn tại nhà ở, công trình xây dựng đó. Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc cơ quan có chức năng quản lý về xây dựng cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai;

+ Kiểm tra việc đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

+ Chuyển Thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai theo Mẫu số 03/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này đến nơi nộp hồ sơ để trả cho người yêu cầu đăng ký đối với trường hợp không có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai để lập, cập nhật thông tin đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;

+ Trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Mẫu số 12/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan thuế để cơ quan thuế xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai để lập, cập nhật thông tin đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

Như vậy, kể từ ngày 01/8/2024, khi làm thủ tục đăng ký đất đai để cấp Sổ cho đất không có hoặc không đủ giấy tờ theo quy định của Luật Đất đai mới, thì người đang sử dụng đất cần quan tâm và biết rõ những căn cứ để chứng minh đất sử dụng ổn định như chúng tôi vừa nêu trong bài viết.

Nếu bạn đọc rơi vào trường hợp nêu trong bài viết này và gặp khó khăn trong vấn đề xác định, cung cấp giấy tờ để cấp Sổ, thì bạn đọc nên liên hệ với Luật sư nơi gần nhất của mình để được tư vấn và hỗ trợ thực hiện thủ tục.

Như vậy, Công ty Luật CIS vừa giải đáp về 10 căn cứ xác định đất được sử dụng ổn định. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc.

Link video: