Nếu một người chết đi nhưng không để lại di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực pháp luật thì tài sản của họ sẽ được phân chia như thế nào? Theo quy định pháp luật, nếu không chia thừa kế theo di chúc thì tài sản của người chết để lại sẽ được chia theo pháp luật. Vậy thừa kế theo pháp luật là gì? Quy định của pháp luật về thừa kế theo pháp luật như thế nào?
Công ty Luật CIS mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
1. Thừa kế là gì? Thừa kế theo pháp luật là gì?
Thừa kế là việc hưởng tài sản do người chết để lại (thuật ngữ pháp lý gọi là di sản) dựa trên nguyện vọng của người đó (bằng di chúc) hoặc theo quy định pháp luật (khi không có di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực pháp luật).
Thừa kế được chia thành 02 loại là: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Trong đó, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do Bộ luật dân sự quy định (Điều 649 Bộ luật dân sự năm 2015).
2. Trường hợp nào thừa kế theo pháp luật?
Theo Điều 650 Bộ luật dân sự, nếu toàn bộ di sản hoặc một phần di sản không thể phân chia theo di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật sẽ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất: người mất không để lại di chúc;
Trường hợp thứ hai: di chúc không hợp pháp;
Trường hợp thứ ba: không có người thừa kế theo di chúc còn sống tại thời điểm mở thừa kế (những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc); cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế (ví dụ: bị giải thể, phá sản…);
Trường hợp thứ tư: những người được thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng khi các phần di sản không thể chia theo di chúc, cụ thể:
– Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
– Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
3. Các hàng thừa kế theo pháp luật
Khi chia thừa kế theo pháp luật, chúng ta dựa vào hàng thừa kế để xác định thứ tự phân chia di sản của những người hưởng thừa kế.
Hàng thừa kế theo pháp luật gồm 03 hàng như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, hàng thừa kế dựa trên ba mối quan hệ gồm: quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng để phân ra thứ bậc từ gần nhất đến xa nhất. Càng ở các hàng thừa kế sau thì sự ưu tiên được hưởng thừa kế càng giảm đi.
4. Phân chia di sản thừa kế theo pháp luật
Nguyên tắc chia di sản theo hàng thừa kế được áp dụng như sau:
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau (khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự).
– Trong trường hợp có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra đời thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản (khoản 3 Điều 651 Bộ luật dân sự).
Như vậy, phân chia di sản thừa kế theo pháp luật là chia di sản thành các phần bằng nhau cho những người ở cùng một hàng thừa kế. Tính từ hàng thừa kế thứ nhất đến hàng thừa kế thứ ba, hàng thừa kế sau được hưởng di sản khi không còn ai có thể hưởng ở hàng thừa kế trước.
Người thừa kế có thể đưa ra yêu cầu chia thừa kế theo hiện vật hoặc thoả thuận với nhau nhau định giá và chia theo giá trị của hiện vật, trường hợp không thoả thuận được thì hiện vật sẽ được bán ra để chia.
5. Thừa kế thế vị
Theo Điều 652 Bộ luật dân sự, thừa kế kế vị được quy định như sau:
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống |
Như vậy, thừa kế thế vị hiểu đơn giản là cháu hoặc chắt của người chết thế vào vị trí của cha mẹ hoặc ông bà của mình để hưởng thừa kế thay khi họ không may chết trước hoặc chết cùng lúc với người để lại di sản thừa kế.
Chúng ta cần lưu ý, thừa kế thế vị chỉ áp dụng đối với việc thừa kế theo pháp luật và không áp dụng nếu chia thừa kế theo di chúc vì nguyên tắc thế vị mang tính tuần tự theo từng thứ bậc trong gia đình, cụ thể: từ cháu rồi mới đến chắt. Thừa kế thế vị mang ý nghĩa nhân văn, giúp di sản của người chết được chuyển giao một cách nối tiếp không gián đoạn cho con, cháu trong dòng họ.
Trên đây là những thông tin cơ bản liên quan đến “Thừa kế theo pháp luật”. Hy vọng bạn đọc đã có được các thông tin pháp lý hữu ích về việc chia thừa kế theo pháp luật.