Cha mẹ bán đất có phải xin chữ ký của con?

Nhiều cô chú, anh chị khi muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hay còn gọi là bán đất, thì thực tế khi làm thủ tục bán, có trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu chữ ký con cái của họ, nhưng có trường hợp lại không cần.

Vậy nếu bán đất thì cha mẹ có phải xin chữ ký của con không?

Mời các bạn xem câu trả lời trong bài viết dưới đây.

cha-me-ban-dat-co-can-xin-chu-ky-cua-con
Hình ảnh: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Khoản 1 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 quy định như sau:

Điều 64. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

1. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.

Quy định trên được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT ngày 27 tháng 01 năm 2015 như sau:

Điều 14. Quy định bổ sung về nộp hồ sơ, thủ tục khi đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

5. Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, nếu giấy tờ nhà đất ghi nhận là cấp cho Hộ gia đình thì khi bán đất phải có chữ ký của tất cả các thành viên trong hộ gia đình đó.

Tuy nhiên không phải cứ có chung hộ khẩu là có chung quyền sử dụng đất.

Hộ gia đình sử dụng đất được quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Như vậy, Hộ gia đình sử dụng đất phải là những người có quan hệ hôn nhân (ví dụ vợ chồng), huyết thống (ví dụ cha mẹ với con cái), nuôi dưỡng (cha mẹ nuôi với con nuôi), đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Như vậy có thể hiểu:

– Tại thời điểm Hộ gia đình được nhận đất, nếu trong Hộ gia đình gồm có cha mẹ và các con, thì phải có chữ ký của cả cha mẹ và các con nếu muốn bán đất.

– Nếu con sinh ra sau thời điểm nhận đất thì cho dù là đất cấp cho Hộ gia đình thì cũng không có quyền sử dụng đất chung, khi đó trong trường hợp này cha mẹ sẽ không cần chữ ký của con nếu muốn bán đất.

Ngoài ra, trường hợp con chưa thành niên thì khi ký giấy tờ liên quan đến đất đai phải thông qua cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp theo quy định pháp luật dân sự, cụ thể như sau:

Điều 21. Người chưa thành niên (Bộ luật Dân sự 2015)

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân (Bộ luật Dân sự 2015)

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 38257196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn