Bảo hộ sở hữu trí tuệ

Trong kinh doanh, dù quy mô của bạn lớn hay nhỏ, bạn sản xuất sản phẩm hay cung cấp dịch vụ thì bạn đều có thể tạo ra hoặc sở hữu các tài sản trí tuệ, hay còn được gọi là sở hữu trí tuệ hay tài sản vô hình. Đôi khi, tài sản trí tuệ này đem lại cho bạn lợi nhuận, tăng cao giá trị trong kinh doanh hơn cả những tài sản hữu hình.

Vậy, bạn có biết hết các đối tượng sở hữu trí tuệ? Và bạn đã bảo vệ tài sản trí tuệ của mình chưa?

Trong bài viết này, Công ty Luật CIS mời các bạn tìm hiểu về Sở hữu trí tuệ và cách bảo vệ tài sản trí tuệ.

1. Sở hữu trí tuệ là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019) thì:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ là quyền đối với các tài sản trí tuệ, sản phẩm sáng tạo như là quyền tác giả (hay còn gọi là bản quyền) đối với các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, v..v…

Đồng thời, quyền sở hữu trí tuệ hay tài sản trí tuệ không chỉ là quyền của Công ty, doanh nghiệp, mà cả cá nhân cũng có thể sở hữu tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ.

2. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Với định nghĩa về sở hữu trí tuệ nêu trên, thì bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể hiểu là việc bạn thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn đối với các tài sản trí tuệ, sản phẩm sáng tạo mà bạn đã tạo ra, bằng việc đăng ký bảo hộ, nhằm ngăn chặn người khác xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ hay xử lý người khác khi họ xâm phạm tài sản trí tuệ của bạn.

3. Quy định của pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ?

Căn cứ pháp lý:

  • Luật sở hữu trí tuệ 50/2005/QH11 do Quốc hội ban hành ngày 29/11/2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019;
  • Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan;
  • Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan;
  • Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
  • Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
  • Nghị định 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
  • Nghị định 119/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

4. Các loại quyền sở hữu trí tuệ

bao-ho-so-huu-tri-tue

Không phải bất cứ sản phẩm sáng tạo nào cũng được bảo hộ sở hữu trí tuệ, mà phải là các đối tượng được quy định trong pháp luật sở hữu trí tuệ mới được bảo hộ.

Theo quy định tại Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019) thì:

Điều 3. Đối tượng quyền sở hữu trí tu

1. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

3. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì quyền sở hữu trí tuệ bao gồm 3 nhóm quyền là:

  • Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả (hay còn gọi là bản quyền);
  • Quyền sở hữu công nghiệp;
  • Quyền đối với giống cây trồng.

5. Ý nghĩa của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ được tạo ra bởi một quá trình dài đầu tư về trí tuệ, thời gian, công sức, tiền bạc, …. Nhiều thống kê cho thấy tài sản trí tuệ có thể chiếm tới hơn 80% giá trị của doanh nghiệp. Vì vậy, sở hữu trí tuệ cần được bảo hộ để:

  • Bảo vệ những kết quả mà mình đã đầu tư, sáng tạo;
  • Độc quyền sử dụng tài sản trí tuệ;
  • Về khía cạnh xã hội: khuyến khích việc sáng tạo, thúc đẩy nỗ lực cống hiến để tạo ra các tài sản trí tuệ, tạo ra các sản phẩm đóng góp về mặt vật chất hay tinh thần cho xã hội;
  • Ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như làm hàng giả, hàng nhái;
  • Đa dạng sản phẩm/dịch vụ vật chất và tinh thần phục vụ con người.

6. Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ

Theo quy định tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019) thì:

Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ

1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

2. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chư­ơng trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây ph­ương hại đến quyền tác giả.

3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:

a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;

c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;

d) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.

4. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ được chia ra làm 02 nhóm:

  • Nhóm 1: Các quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ mà không cần phải đăng ký bao gồm: quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, nhãn hiệu nổi tiếng, bí mật kinh doanh, tên thương mại;
  • Nhóm 2: Các quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ phải thông qua thủ tục đăng ký bao gồm: với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng.

7. Thời hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ

Tùy thuộc vào từng đối tượng sở hữu trí tuệ thì sẽ có thời hạn bảo hộ tương ứng.

bao-ho-so-huu-tri-tue

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019):

Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.

2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Thời hạn bảo hộ quyền liên quan được quy định tại Điều 34 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019):

Điều 34. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan

1. Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình.

2. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố.

3. Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.

4. Thời hạn bảo hộ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.

Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019):

Điều 93. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

1. Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

2. Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

3. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

4. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.

5. Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

a) Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;

b) Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

c) Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

6. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

7. Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

Thời hạn bảo hộ giống cây trồng được quy định tại Điều 169 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019):

Điều 169. Hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng

1. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

2. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm đối với giống cây thân gỗ và cây nho; đến hết hai mươi năm đối với các giống cây trồng khác.

3. Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực theo quy định tại Điều 170 và Điều 171 của Luật này.

8. Những lưu ý khi đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ

Không phải tất cả các sản phẩm sáng tạo nào cũng được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, mà sản phẩm sáng tạo đó phải đáp ứng tất cả các điều kiện theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Ví dụ: Đối với sáng chế thì cần đáp ứng các điều kiện về tính mới, có trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp, được quy định cụ thể tại Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019):

Điều 58. Điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ

1. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tính mới;

b) Có trình độ sáng tạo;

c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

2. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tính mới;

b) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Hay Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019) quy định về điều kiện chung đối với bảo hộ nhãn hiệu như sau:

Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Việc kiểm tra và đánh giá sản phẩm sáng tạo có được bảo hộ sở hữu trí tuệ hay không thì  cần được thực hiện bởi Tổ chức chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong đánh giá và lên phương án giải quyết nếu phát hiện sản phẩm sáng tạo không đáp ứng điều kiện.

9. Dịch vụ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của Công ty Luật CIS

bao-ho-so-huu-tri-tue

Công ty Luật Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm)tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Luật sư và chuyên viên của Công ty Luật Bản quyền Quốc tế đã được đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:

  • Tư vấn về khả năng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ;
  • Tư vấn hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ;
  • Gia hạn hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ;
  • Ghi nhận những thay đổi liên quan đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ;
  • Tư vấn đăng ký chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;
  • Quản lý hồ sơ đăng ký đến khi có kết quả cuối cùng, chủ động cập nhật tình trạng xử lý hồ sơ và kịp thời phúc đáp ý kiến của Cơ quan đăng ký.

 Nếu bạn muốn tư vấn hoặc muốn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Bạn vui lòng liên hệ thông tin bên dưới đây:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580
Email: info@cis.vnsohuutritue@cis.vn