Cách thức xử lý xâm phạm bản quyền sách

Thực trạng xâm phạm bản quyền sách đã xảy ra từ rất lâu và ngày càng phức tạp, đặc biệt là trên môi trường số, nhiều tác giả cũng chưa biết cách nào để bảo vệ bản quyền của mình.

Vậy, nếu phát hiện ra bản quyền sách đang bị xâm phạm, bạn cần làm gì? Cách thức xử lý như thế nào?

Mời bạn cùng xem hướng dẫn chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Bản quyền sách là gì?

Bản quyền (copyright) hiểu theo nghĩa đen là “quyền sao chép”. Tác giả, chủ sở hữu bản quyền sách có quyền độc quyền đối với tác phẩm của mình. Bất kỳ người nào muốn sao chép, phân phối, truyền đạt, trích dẫn…. từ sách bản quyền thì đều phải xin phép tác giả, chủ sở hữu, trừ một số ngoại lệ đặc biệt.

Bản quyền sách được bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả đối với tác phẩm viết theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, cụ thể như sau:

Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

 1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

Ngoài ra còn có quy định về tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác theo quy định tại Điều 7 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018:

Điều 7. Tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác

Tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể hiện bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà các đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau.

ban-quyen-sach

2. Hành vi xâm phạm bản quyền sách là gì?

Hành vi xâm phạm bản quyền sách là các hành vi sử dụng, sao chép, sửa chữa, xuyên tạc, … mà chưa được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu bản quyền sách.

Một số vụ việc điển hình liên quan đến xâm phạm bản quyền sách có thể kể đến như:

♦ Alphabooks phát hiện Công ty Yeah1 Network thu âm làm sách nói (audio book) thuộc bản quyền của Alphabooks mà chưa được cấp phép;

♦ Nhà xuất bản Trẻ phát hiện trang facebook mang tên Nguyễn Ngọc Hưng đang dịch và chia sẻ trái phép cuốn sách “Marketing 4.0” của Philip Kotler;

♦ First News đã khởi kiện Lazada vì cho rằng sàn thương mại điện tử này có hành vi tiêu thụ sách giả, sách vi phạm bản quyền.

3. Quy định của pháp luật về hành vi xâm phạm bản quyền sách

– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019;

– Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;

– Nghị định 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;

– Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan;

– Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

4. Dấu hiệu nhận biết hành vi xâm phạm bản quyền sách là gì?

Theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, các hành vi sau đây được xem là hành vi xâm phạm bản quyền sách:

Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả

1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2. Mạo danh tác giả.

3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

12. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

13. Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

5. Một số hành vi xâm phạm bản quyền sách phổ biến.

Thực tế hiện nay bạn có thể bắt gặp rất nhiều hành vi xâm phạm bản quyền sách như:

+ Photo sách;

+ Làm sách giả, sách lậu;

+ Thu âm chuyển thành sách nói (audio book) và bán trên mạng;

+ Sao, chụp sách, chuyển thành ebook và đăng tải lên mạng để bán;

6. Làm gì khi phát hiện có hành vi xâm phạm bản quyền sách?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 thì:

Điều 21. Thực hiện quyền tự bảo vệ

3. Việc yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện bằng cách thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.

Như vậy, khi phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền sách, bạn có thể soạn thảo và gửi thông báo bằng văn bản (như Thư khuyến cáo) đến Bên có hành vi xâm phạm để yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm.

Nội dung văn bản này phải có căn cứ phát sinh quyền đối với bản quyền sách của bạn, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, phạm vi bảo hộ và đưa ra thời hạn hợp lý để Bên xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.

xu-ly-xam-pham-ban-quyen-sach
Hình ảnh: Giấy chứng nhận bản quyền sách.

Pháp luật sở hữu trí tuệ có quy định về quyền tự bảo vệ Chủ sở hữu bản quyền sách, cụ thể như sau:

Điều 198. Quyền tự bảo vệ (Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019)

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Theo đó, nếu quá thời hạn trên mà Bên xâm phạm vẫn tiếp tục hành vi xâm phạm bản quyền sách, bạn có thể thực hiện một hoặc cả hai cách sau đây:

+ Gửi đơn yêu cầu xử lý bằng biện pháp hành chính (như hướng dẫn tại Mục 7);

+ Xử lý bằng biện pháp dân sự (như hướng dẫn tại Mục 8).

Lưu ý: Việc xử lý xâm phạm bản quyền sách vô cùng phức tạp và đòi hỏi có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu, vì vậy, bạn nên tham vấn ý kiến từ Luật sư có chuyên môn trong lĩnh vực xử lý xâm phạm bản quyền để tư vấn cụ thể cho bạn trong từng trường hợp.

7. Quy trình yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách bằng biện pháp hành chính.

♦ Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách bằng biện pháp hành chính là gì?

Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách bằng biện pháp hành chính là việc Chủ sở hữu bản quyền sách yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách như lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính như phạt tiền, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả…

Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 quy định về các hành vi xâm phạm bản quyền sách bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

Điều 211. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính (Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019)

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

♦ Cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm bản quyền sách

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm bản quyền sách gồm các cơ quan sau đây:

Điều 200. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019)

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

3. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

♦ Quy trình yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền sách bằng biện pháp hành chính

Theo quy định tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26 và 27 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, để yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền sách, Người yêu cầu phải chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các tài liệu như sau:

Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm, bao gồm đầy đủ các thông tin như:

  • Tên, địa chỉ của Người yêu cầu;
  • Cơ quan nhận yêu cầu;
  • Tên, địa chỉ bên xâm phạm;
  • Tóm tắt về hành vi xâm phạm;
  • Nội dung yêu cầu xử lý …

Người yêu cầu có thể đính kèm theo đơn các tài liệu như:

  • Tài liệu chứng minh chủ thể quyền;
  • Chứng cứ chứng minh có hành vi xâm phạm;
  • Bản sao thông báo văn bản đã gửi cho bên xâm phạm (như đã nêu ở Mục 6);
  • Chứng cứ chứng minh thiệt hại…

Ngoài ra, để tránh lạm dụng việc yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền sách bằng biện pháp hành chính, pháp luật quy định người yêu cầu phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về các thông tin, tài liệu nộp yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền. Nếu lợi dụng việc yêu cầu này với mục đích không lành mạnh, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại, theo quy định tại Điều 26 Nghị định 105/2006/NĐ-CP như sau:

Điều 26. Trách nhiệm của người yêu cầu xử lý xâm phạm (Nghị định 105/2006/NĐ-CP)

1. Người yêu cầu xử lý xâm phạm phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về sự trung thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp.

2. Người yêu cầu xử lý xâm phạm lợi dụng quyền yêu cầu xử lý xâm phạm nhằm mục đích không lành mạnh, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại.

Quy trình yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền sách được quy định tại Điều 27 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định về như sau:

Điều 27. Nộp đơn và giải quyết đơn yêu cầu xử lý xâm phạm

1. Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm được nộp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quy định tại Điều 200 của Luật Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là cơ quan xử lý xâm phạm).

2. Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý xâm phạm, nếu thấy yêu cầu xử lý xâm phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác, thì cơ quan nhận đơn hướng dẫn để người nộp đơn thực hiện việc nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền hoặc chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận đơn.

3. Trong trường hợp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm chưa đủ tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết, thì cơ quan xử lý xâm phạm yêu cầu người nộp đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ và ấn định thời hạn hợp lý nhưng không quá ba mươi ngày để người yêu cầu xử lý xâm phạm bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết.

4. Trong các trường hợp sau đây, cơ quan xử lý xâm phạm từ chối yêu cầu xử lý xâm phạm, có nêu rõ lý do từ chối:

a) Hết thời hạn ấn định quy định tại khoản 3 Điều này mà người yêu cầu xử lý xâm phạm không đáp ứng yêu cầu của cơ quan xử lý xâm phạm về việc bổ sung tài liệu, chứng cứ, hiện vật có liên quan;

b) Hết thời hiệu xử lý xâm phạm theo quy định pháp luật;

c) Kết quả xác minh của cơ quan xử lý xâm phạm hoặc cơ quan công an cho thấy không có xâm phạm như mô tả trong đơn yêu cầu xử lý xâm phạm;

d) Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc không đủ căn cứ xử lý xâm phạm.

5. Trong trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan đã nhận đơn yêu cầu xử lý xâm phạm hướng dẫn người nộp đơn tiến hành thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp, khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh tranh chấp.

♦ Hành vi xâm phạm bản quyền sách bị phạt bao nhiêu tiền?

Tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm và yêu cầu của Bên bị xâm phạm thì Bên có hành vi xâm phạm bản quyền sách có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt như: phạt tiền, các hình thức phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể quy định tại Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 và Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 214. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả (Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019)

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tịch thu hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ;

b) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hóa.

4. Mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Quy định khung phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức (Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013)

1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.

2. Khung phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là khung phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 5; Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.

3. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.

8. Quy trình yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách bằng biện pháp dân sự.

♦ Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách bằng biện pháp dân sự là gì?

Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách bằng biện pháp dân sự là việc Bên bị vi phạm khởi kiện Bên bị nghi ngờ có hành vi xâm phạm bản quyền sách và yêu cầu áp dụng các biện pháp dân sự.

Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 quy định về các biện pháp dân sự để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền như sau:

Điều 202. Các biện pháp dân sự

Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

4. Buộc bồi thường thiệt hại;

5. Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Bên bị vi phạm có thể yêu cầu Tòa án áp dụng một, một số hoặc tất cả các biện pháp dân sự nêu trên để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm bản quyền sách.

♦ Cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm bản quyền sách

Theo quy định tại Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm bản quyền sách bằng biện pháp dân sự là Tòa án. Cụ thể quy định như sau:

Điều 200. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

2. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Tùy vào tính chất, nội dung của từng vụ kiện mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết là khác nhau (như Tòa án cấp tỉnh hay cấp huyện, Tòa án nơi cư trú, nơi đặt trụ sở của bị đơn hoặc nguyên đơn, hoặc nơi xảy ra thiệt hại…).

♦ Hành vi xâm phạm bản quyền sách phải bồi thường bao nhiêu tiền?

Theo quy định, nếu bên bị vi phạm chứng minh được thiệt hại vật chất xảy ra do hành vi xâm phạm bản quyền sách thì có thể được bồi thường số tiền tương ứng. Bên bị vi phạm có thể áp dụng một trong các căn cứ dưới đây để xác định mức bồi thường:

  • Khoản lợi nhuận bị giảm sút do hành vi xâm phạm;
  • Giá chuyển giao quyền sử dụng

Trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại vật chất thì sẽ do Tòa án ấn định mức bồi thường thiệt hại, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá 500.000.000 đồng.

Nếu có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần do hành vi xâm phạm bản quyền sách thì mức yêu cầu bồi thường là từ 5.000.000 – 50.000.000 đồng.

Đặc biệt trong vụ việc khởi kiện về bản quyền, Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên xâm phạm bản quyền sách thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Quy định cụ thể tại Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 như sau:

Điều 205. Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ sau đây:

a) Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất;

b) Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện;

c) Thiệt hại vật chất theo các cách tính khác do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đưa ra phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.

2. Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.

3. Ngoài khoản bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

9. Kinh nghiệm xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách

Khi phát hiện có hành vi xâm phạm bản quyền sách, để có cơ sở yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm thì Người yêu cầu phải chứng minh được tư cách “chủ thể quyền sở hữu trí tuệ” (chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cấp phép).

giay-chung-nhan-ban-quyen-sach
Hình ảnh: Giấy chứng nhận bản quyền tác giả sách

Theo đó, một trong những bằng chứng pháp lý có tính xác thực cao nhất mà nhiều chủ sở hữu quyền lựa chọn đó là Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả – là Văn bằng được cấp thông qua thủ tục đăng ký tại Cục Bản Quyền Tác Giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), bởi vì theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, người đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Điều này được quy định chi tiết tại Khoản 3 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019:

Điều 49. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

3. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách có thể bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ chối, trả hồ sơ nếu hồ sơ không đáp ứng về hình thức, nội dung theo quy định. Vì vậy, khi tiến hành xử lý xâm phạm bản quyền sách, bạn cần chuẩn bị thật kỹ các tài liệu chứng minh quyền, chứng cứ vi phạm, nội dung yêu cầu xử lý…Việc này đòi hỏi kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng, kinh nghiệm thực tế thì mới có thể đánh giá và tiến hành xử lý được. Do vậy, chúng tôi khuyên bạn nên tìm một Công ty luật hoặc một Tổ chức chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm để họ nghiên cứu, tư vấn cho bạn.

10. Dịch vụ yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách của Công ty Luật CIS

Luật sư và chuyên viên của Công ty Luật CIS đã được đào tạo chuyên sâu về bản quyền và Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:

♦ Nghiên cứu, tư vấn tình trạng pháp lý và đề xuất giải pháp liên quan đến xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách;

♦ Tư vấn, đại diện thực hiện xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách bằng biện pháp hành chính;

♦ Tư vấn, đại diện thực hiện xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách bằng biện pháp dân sự (khởi kiện).

Nếu bạn muốn tư vấn về xử lý hành vi xâm phạm bản quyền sách, Bạn vui lòng liên hệ thông tin bên dưới đây:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580
Email: 
info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn