Xử lý “đạo” nhạc dưới góc nhìn pháp luật

dao-nhac-01

Pháp luật chỉ bảo hộ quyền tác giả khi bài hát đó đã được định hình (VD: nếu giai điệu chỉ mới ở trong đầu, hoặc ngẫu hứng đánh một đoạn nhạc khúc mà không ghi âm, viết lại trên khuông nhạc hoặc bất kỳ hình thức nào lưu trữ lại thì quyền tác giả vẫn chưa được xác lập)

“Đạo” nhạc hiểu đơn giản là sử dụng một phần giai điệu của một bài nhạc trước, sau đó thêm vào các chất liệu âm nhạc khác để thành một bài nhạc mới, trong một số trường hợp, bài nhạc “đạo” sẽ có được danh tiếng và nhanh chóng thành “HIT” do chất lượng bài nhạc gốc đã tốt sẵn mà không cần tốn nhiều công sức để sáng tạo tìm ra giai điệu mới.

dao-nhac-02

Hành vi “đạo” nhạc luôn bị xã hội đánh giá thấp vì đã lợi dụng công sức trí tuệ của người khác nhưng lại lừa dối người nghe rằng bài nhạc đó là một sáng tạo độc lập. Tuy nhiên, giới hạn nào phân biệt giữa một bài nhạc “đạo” và một bài nhạc không “đạo”?

Quy định pháp luật về bản quyền không có khái niệm cụ thể về “đạo” tác phẩm và căn cứ đánh giá thế nào là “đạo” vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, có thể hiểu “đạo” chính là hành vi sao chép một phần nội dung của tác phẩm gốc.

Cơ sở pháp lý:

Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử (Điều 4.10 Luật Sở hữu trí tuệ)

Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. (Điều 3.5 Nghị định 22/2018/NĐ-CP)

– Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trừ trường hợp sao chép nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả (Điều 28.6 Luật SHTT)

Chính vì chưa có quy định cụ thể nên cách hiểu về giới hạn để bị coi là bài nhạc “đạo” hiện nay còn rất cảm tính.

Ví dụ:

  • Nhạc sĩ Vũ Cát Tường từng chia sẻ trên báo rằng: lúc còn học ở trường đại học, trước khi nộp bài luận, cô phải kiểm tra qua mạng xem bài đó có ăn cắp ý tưởng của ai không. Cho đến sau này, mỗi khi viết nhạc, cô đều luôn ghi nhớ một câu để luôn giúp bản thân tỉnh táo: “Chỉ cần mình viết một bài nào bất kì mà bài đó giống một bài khác nhiều hơn hoặc bằng 06 nốt nhạc thì được coi là ăn cắp bản quyền hay còn gọi là “đạo nhạc.
  • Nhạc sĩ Dương Khắc Linh từng chỉ trích một ca sĩ nổi tiếng về việc lấy beat viết nhạc mà không xin phép và lý giải: “Các ca khúc trên thế giới có thể có nhiều bài trùng nhau về vòng hoà thanh, nhưng không thể giống luôn cả hoà âm. Nếu lấy một bản hoà âm có sẵn của một ca khúc đã được ra mắt của một ca sĩ khác và viết một giai điệu mới lên, thì vẫn bị gọi là lấy cắp, vì hiển nhiên chưa được sự đồng ý của tác giả”.

Những vụ kiện đạo “nhạc” sẽ gặp khó khăn gì?

Ngoài trường hợp các đương sự đã tự thoả thuận được với nhau thì tình huống giả định vụ kiện sẽ được tiến hành đến cùng, đó là giải quyết tại Toà án, nếu căn cứ vào quy định pháp luật bản quyền hiện hành thì tác giả bài nhạc gốc có thể gặp những khó khăn sau:

  • Bằng chứng về sở hữu quyền tác giả

Nếu chỉ là bằng chứng đơn phương, ví dụ: file lưu trên máy tính, email, file lưu trên mạng… thì rất khó để thuyết phục Toà án vì bằng chứng này rất dễ bị nguỵ tạo. Một bằng chứng có giá trị hơn và thường được sử dụng hiện nay là “giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả” vì có sự xác nhận đã lưu giữ bản sao tác phẩm của Cục Bản Quyền Tác Giả (Bộ VH-TT-DL). Theo quy định, người đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại (Điều 49.3 Luật SHTT)

dao-nhac-03

  • Chứng minh dấu hiệu vi phạm

Người khởi kiện phải chứng minh đối tượng đó là một bản sao của tác phẩm gốc, điều này càng khó khăn hơn khi đối tượng đó là bài nhạc “đạo” vì chưa có căn cứ nào để đánh giá mức độ “đạo” bị coi là vi phạm và ai là người có thẩm quyền đưa ra đánh giá có tính chuyên môn để thuyết phục Toà án? Thông thường, khi trưng cầu giám định thì Toà án sẽ có công văn đề nghị Cục Bản Quyền tiến hành giám định, nhưng với đối tượng là bài nhạc mix theo phong cách hiện đại như hiện nay (ngoài giai điệu còn có hoà âm, phối khí) thì phải cần các chuyên gia âm nhạc đánh giá, ngoài ra phần lớn các nhạc sĩ cũng không đăng ký bản quyền nên Cục Bản Quyền sẽ càng gặp khó khăn hơn trong việc đối chiếu, so sánh. Để hạn chế tình trạng này, mặc dù Bộ VH-TT-DL cũng đã thành lập Trung tâm giám định quyền tác giả, quyền liên quan vào ngày 03/6/2016, nhưng hiện Trung tâm vẫn chưa có website hoặc kênh thông tin nào để hướng dẫn chi tiết cho người có nhu cầu giám định.

dao-nhac-04

  • Tác giả bài hát gốc có thực sự đảm bảo không sao chép của người khác?

Không có ngân hàng hay cơ sở dữ liệu nào có thể lưu trữ toàn bộ giai điệu của tất cả bài nhạc để nhạc sĩ vào tra cứu xem có vi phạm bản quyền của người khác hay không.

Việc đăng ký ở Cục Bản Quyền chỉ nhằm lưu giữ bản sao tác phẩm ở một cơ quan quản lý nhà nước, Cục Bản Quyền cũng không thể thẩm định nội dung tác phẩm đăng ký có vi phạm bản quyền của người trước đó được mà sẽ dựa vào “Lời cam kết” của tác giả để cấp giấy chứng nhận đăng ký. Do đó, khi có bất kỳ khiếu nại nào của bên thứ ba và chứng minh được tác phẩm đăng ký là sao chép thì Cục Bản Quyền hoàn toàn có quyền huỷ bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký đó.

© Phòng Sở hữu trí tuệ – CIS Law Firm

(*) Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ