Bảo hộ thương hiệu – Vấn đề pháp lý Start-up phải biết!

Trước thị trường khởi nghiệp ngày càng sôi động, chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam – thương vụ bạc tỷ đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các Start-up đầy nhiệt huyết và những nhà đầu tư mạo hiểm nhiều kinh nghiệm.

Đến với Game Show ẩn chứa rất nhiều “cơ hội” nhưng cũng không ít “cạm bẫy”, các Start-up vẫn còn dành nhiều mối quan tâm cho việc phát triển sản phẩm, kêu gọi vốn đầu tư, tỷ suất lợi nhuận … mà chưa có sự quan tâm đúng mực cho việc xây dựng và bảo hộ “đứa con tinh thần” của mình.

Vốn dĩ, thương hiệu “xây khó, mất dễ, nhưng doanh nghiệp vẫn lơ là”. Điều gì xảy ra khi dự án phình to phát triển mà thương hiệu không được bảo hộ? Liệu thương hiệu đã được bảo hộ khi chỉ mới nộp hồ sơ đăng ký?

Đã đến lúc Start-up cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về sự đóng góp của bảo hộ thương hiệu trong giá trị sản phẩm.

I. Vì sao phải cần bảo hộ thương hiệu:

– Đã có không ít thương hiệu lớn của các doanh nghiệp Việt Nam bị các công ty của nước ngoài đăng ký bảo hộ tại nước ngoài như: Cà phê Đăk Lăk (năm 1997), kẹo dừa Bến Tre (năm 1998), Vifon (năm 2001), thuốc lá Vinataba và Petro (năm 2002), cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc (năm 2011).

– Nhìn dưới góc độ giá trị vật chất của thương hiệu, để được quyền bán gà rán KFC, hằng năm mỗi cửa hàng phải trả cho Công ty KFC 85.000 USD. Hiện, KFC có hơn 13.000 cửa hàng trên toàn cầu, số tiền mà thương hiệu mang lại lớn theo cấp số nhân. Một ví dụ khác, Công ty Cổ phần Diana Unicharm hiện có tổng giá trị 185 triệu USD, trong đó tài sản hữu hình chỉ chiếm 20 triệu USD, số còn lại là tài sản sở hữu trí tuệ.

– Nghiêm trọng hơn, tại Hội thảo Những biện pháp phòng vệ thương mại liên quan đến SHTT do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức đã có một doanh nghiệp Start-up (xin giấu tên) chia sẻ về việc suýt bị đánh cắp thương hiệu khi chưa kịp đăng ký bảo hộ cho sản phẩm công nghệ tự động đo nồng độ khí độc trong các đường ống, hầm lò,… Mặc dù, ý tưởng khởi nghiệp này khá độc đáo và dành được nhiều giải thưởng lớn ở các cuộc thi khởi nghiệp, thế nhưng khi sản phẩm được hoàn thiện, đến giai đoạn kêu gọi đầu tư và thành lập doanh nghiệp, nhóm mới “ngỡ ngàng” nhận ra một nhóm khác làm lại giống y hệt và đã nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu.

– Hay quay lại câu chuyện của một Start-up tham gia gameshow Shark Tank có trình bày ý tưởng kinh doanh khá độc đáo với mô hình trồng cà chua nhưng lại ngọt như trái cây. Trong quá trình tranh luận gay cấn giữa anh CEO Start-up với các Sharks, anh có đề cập đến việc đã đăng ký sử dụng độc quyền thương hiệu cho dòng sản phẩm này.

  • Theo cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, thương hiệu của Start-up này đã được Cục ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ vào ngày 18/05/2017.
  • Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, liệu việc có quyết định chấp nhận đơn đã đương nhiên xác lập quyền sở hữu của Start-up này với thương hiệu đó hay chưa?
  • Câu trả lời là Chưa! Theo quy định luật Sở hữu Trí tuệ, quyền được sử dụng độc quyền thương hiệu chỉ được xác lập khi chủ đơn có quyết định cấp Văn bằng bảo hộ Thương hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ.
 Lưu ý: Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ chỉ có ý nghĩa xác nhận hồ sơ đăng ký đã đáp ứng yêu cầu về hình thức. Để có thể sử dụng độc quyền thương hiệu, đơn đăng ký còn phải trải qua giai đoạn Thẩm định nội dung (mất tổng cộng thời gian ít nhất là 12 tháng). 

sharktank

II. Đã đến lúc Start-up cần đặt nhiều quan tâm đến vấn đề bảo hộ thương hiệu:

– Thương hiệu là cái tên, là linh hồn của công ty từ khi công ty vẫn còn là “một con cá bé giữa đại dương”, điều này đồng nghĩa với việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cần được chú trọng từ lúc các công ty vẫn còn ở giai đoạn khởi nghiệp để xây cho mình một “lá chắn phòng thủ” trước một cuộc cạnh tranh khắc nghiệt hơn.

– Hiện tại ở Việt Nam, các startup chưa quan tâm nhiều về vấn đề bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ. Sau khi sản phẩm thành công (1, 2 năm), hoặc khi xảy ra tranh chấp, xuất hiện hàng nhái trên thị trường, họ mới quay lại tìm hiểu thì có khi đã bị mất quyền bảo hộ. Đã đến lúc Start-up Việt Nam cần nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu ngay từ khi lập kế hoạch kinh doanh, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

  • Ông Trần Lê Hồng – Chánh Văn phòng Cục SHTTcho rằng, sự độc quyền dựa trên quyền SHTT sẽ làm tăng tính cạnh tranh và nâng giá trị của startup. Các startup rất dễ bị tổn thương khi sớm phải đương đầu với việc tranh chấp, kiện tụng. Vì vậy, quyền này sẽ bảo đảm hoạt động kinh doanh suôn sẻ cho họ. Tuy nhiên, trên thực tế, có quá ít startup chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ SHTT cũng như biết cách quản trị thương hiệu của mình.
  • Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)– nhấn mạnh: Về nguyên tắc, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, việc đầu tiên doanh nghiệp phải làm là tiến hành các thủ tục về xác lập quyền SHTT. Khi sản phẩm được luật pháp bảo hộ, sẽ tránh được các phiền phức về tranh chấp nhãn hiệu, thương hiệu, quyền tác giả, bản quyền sản phẩm. Đây là con đường bảo đảm cho việc kinh doanh bền vững.

Để tìm hiểu thêm về quy trình, điều kiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, vui lòng tham khảo: Tại đây

Hoặc đường dẫn :http://www.cis.vn/services-dich-vu/intellectual-property-so-huu-tri-tue/

Để nhận được hướng dẫn và tư vấn trực tiếp về vấn đề Sở hữu trí tuệ, vui lòng liên hệ Cis Law Firm:

CIS Law Firm
Hotline : 84.028.3911 85 81

Email: info@cis.vn

Địa chỉ: 109 Hoàng Sa, Phường Đa kao, Quận 1, TPHCM

Tác giả: Hồ Thị Thủy Tú