Thủ tục đăng ký Kiểu dáng công nghiệp – Cách làm và những lưu ý

Ngày nay, trên thị trường cạnh tranh khốc liệt, bên cạnh thương hiệu thì mẫu mã, thiết kế bên ngoài của sản phẩm cũng đóng vai trò rất quan trọng để giúp nhận biết và thu hút khách hàng.

Nhiều trường hợp, chúng ta có thể chọn mua sai sản phẩm do chúng có thiết kế bên ngoài quá giống nhau.

Vậy, nếu muốn bảo hộ thiết kế mẫu mã, bao bì, kiểu dáng sản phẩm thì cần làm thủ tục như thế nào?

Mời các bạn cùng xem bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.

1. Bảo hộ kiểu dáng sản phẩm là gì?

Kiểu dáng sản phẩm, hay gọi đúng thuật ngữ pháp lý là kiểu dáng công nghiệp, được định nghĩa là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Các kiểu dáng công nghiệp phổ biến, thường thấy nhất đó là: xe hơi, xe máy, chai, bình trà, điện thoại, bàn ghế, giày dép, thiết kế bao gói sản phẩm v.v…

Trong Luật SHTT mới sửa đổi bổ sung năm 2022 và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2023 thì có mở rộng thêm khái niệm kiểu dáng công nghiệp, theo đó, kiểu dáng công nghiệp còn bao gồm bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp và nhìn thấy được trong quá trình khai thác sử dụng.

Tuy nhiên, để có cơ sở chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với kiểu dáng công nghiệp và có quyền sử dụng độc quyền kiểu dáng đó thì tác giả, chủ sở hữu kiểu dáng phải thực hiện thủ tục “đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp” tại Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Để có thể hiểu hơn về vai trò của việc độc quyền kiểu dáng công nghiệp, các bạn hãy xem các ví dụ dưới đây:

Ví dụ 1: Chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay chiếc xe hình bên trái dưới đây là xe Vespa của hãng Piaggio, tuy nhiên chiếc xe đó là xe máy điện và không phải hiệu Vespa của Piaggio:

thu-tuc-dang-ky-kieu-dang-cong-nghiep

Bởi vì có quá nhiều hãng sản xuất, lắp ráp xe giống thiết kế xe Vespa của Piaggio nên Piaggio cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng xử lý và kết quả là bên vi phạm bị buộc phải tháo gỡ thiết kế vi phạm và bị xử phạt rất nặng:

thu-tuc-dang-ky-kieu-dang-cong-nghiep

Ví dụ 2: Đây là hai gói mì tôm của hai hãng mì khác nhau, nhưng hình dạng thiết kế bao gói sản phẩm như thế này thì có chắc chúng ta có thể dễ dàng phân biệt được gói mì nào là của hãng nào không?

thu-tuc-dang-ky-kieu-dang-cong-nghiep

Bởi vì quá giống nhau nên hai hãng mì này cũng đã đưa nhau ra Tòa vào năm 2015 và Kết quả trưng cầu giám định cũng đã kết luận gói mì Hảo Hạng tương tự gây nhầm lẫn với Hảo Hảo, kết quả là Hảo Hạng bị buộc thay đổi thiết kế, xin lỗi công khai và bồi thường cho Hảo Hảo.

Ví dụ 3: Chắc hẳn không ít người vào quán nước kêu lon “bò húc” nhưng lại bị đem ra lon nước như thế này đúng không? Nhìn sơ qua thì có vẻ giống nhưng không phải thương hiệu Redbull. Vậy, liệu rằng khi để các lon nước này kế bên nhau thì chúng ta có dễ dàng phân biệt được không?

thu-tuc-dang-ky-kieu-dang-cong-nghiep

2. Đăng ký kiểu dáng công nghiệp có phải là thủ tục bắt buộc không? Nếu không làm thì có gặp vấn đề gì?

Việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp là quyền của doanh nghiệp, cá nhân tạo ra, thiết kế ra kiểu dáng công nghiệp đó, tức là pháp luật không bắt buộc đăng ký.

Tuy nhiên, nếu đã có sản phẩm hoặc dự định kinh doanh sản phẩm mà không đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thì có thể gặp các vấn đề lớn như:

– Thứ nhất, nếu không có bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thì không có quyền độc quyền sử dụng kiểu dáng đó, được hiểu là bất kỳ người nào cũng có thể làm nhái sản phẩm và không có quyền cấm cản họ được.

– Thứ hai, nguy hiểm hơn là bất kỳ người nào cũng có thể nhanh tay đi đăng ký kiểu dáng công nghiệp sản phẩm có kiểu dáng giống hệt hoặc tương tự với bạn và họ có quyền làm điều này vì việc xét cấp bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là theo nguyên tắc ai đăng ký trước thì được. Và khi họ được bảo hộ thì họ có quyền cấm ngược lại bạn, không cho bạn kinh doanh sản phẩm vi phạm kiểu dáng công nghiệp mà họ đã đăng ký.

– Thứ ba, đây là tình trạng nhiều người đang gặp phải, nhất là các công ty nhập khẩu hàng từ nước ngoài về bán ở Việt Nam, bỗng dưng một ngày không thông quan được vì có yêu cầu ngăn chặn của chủ sở hữu quyền. Do đó, nếu chuyên nhập hàng của người khác để bán thì bạn nên tìm hiểu kĩ ở Việt Nam có ai đăng ký bảo hộ sản phẩm đó chưa và có liên quan gì tới đại lý/đối tác mà bạn nhập hàng hay không.

3. Thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Để đăng ký kiểu dáng công nghiệp, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

– 02 tờ khai theo mẫu;

– 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, đảm bảo mô tả đầy đủ đặc điểm tạo dáng của sản phẩm cần đăng ký;

– 04 bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp thể hiện đầy đủ các hình chiếu kỹ thuật của sản phẩm.

Sau đó nộp cho Cục SHTT và hồ sơ sẽ được xử lý theo trình tự được hiển thị như hình bên dưới:

thu-tuc-dang-ky-kieu-dang-cong-nghiep

Theo đó, thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sẽ cần trải qua các giai đoạn thẩm định, có thời gian xử lý tương đối dài và không phải mọi trường hợp cứ nộp hồ sơ đăng ký là được chấp thuận.

4. Trường hợp nào thì kiểu dáng công nghiệp bị từ chối?

Một kiểu dáng công nghiệp muốn được chấp thuận bảo hộ phải đáp ứng nhiều điều kiện.

Các trường hợp thông thường bị từ chối là:

– Kiểu dáng thuộc các trường hợp không được coi là kiểu dáng công nghiệp, ví dụ như là kiểu dáng do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có, sản phẩm là công trình xây dựng, sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng…

– Thứ hai Kiểu dáng sản phẩm đã bị mất tính mới từ trước ngày nộp đơn, ví dụ như đã bán sản phẩm ra thị trường hoặc quảng bá sản phẩm trên website, facebook…

– Thứ ba, Kiểu dáng sản phẩm không có tính sáng tạo, ví dụ như kiểu dáng chỉ là mô phỏng lại hình dạng tự nhiên của cây cối, động vật, hoặc lắp ghép từ các bộ phận của kiểu dáng đã có.

– Thứ tư, Kiểu dáng không thể chế tạo hàng loạt thành mẫu đồng nhất được.

Ngoài ra thì còn nhiều điều kiện khác nữa, việc đánh giá này là không đơn giản và chúng tôi khuyên bạn nên tham khảo ý kiến của Luật sư chuyên nghiệp hoặc các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp như Công ty Luật CIS, trước khi nộp hồ sơ đăng ký, để tránh mất thời gian và chi phí theo đuổi đăng ký kiểu dáng công nghiệp mà sau cùng lại bị từ chối.

Như vậy, các bạn có thể thấy, hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp thì có vẻ đơn giản, nhưng cũng sẽ rất khó khăn với những người chưa làm lần nào, ngoài ra, hồ sơ cũng cần trải qua nhiều giai đoạn thẩm định và có nhiều trường hợp làm cho hồ sơ bị từ chối.

Do đó, để được hỗ trợ về đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, Quý vị và các bạn hãy nhanh chóng liên hệ với Luật sư SHTT thông tin liên hệ dưới đây:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn