Thủ tục đăng ký thương hiệu quốc tế

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang dần tiếp cận đến các thị trường quốc tế như Mỹ, Anh, Pháp, … Để đảm bảo việc vận hành hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả tại các thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam luôn ưu tiên hoàn thiện quy trình bán hàng, chất lượng sản phẩm, giấy tờ pháp lý, … Theo đó, một trong những công việc mà doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang quan tâm nhiều nhất đó là hoàn thành thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường quốc tế sau khi xảy ra nhiều trường hợp bị chiếm đoạt thương hiệu vô cớ, như điển hình là Gạo ST25 bị 4 doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu tại quốc gia của họ.

Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn về Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế.

1. Thương hiệu là gì?

Theo Wikipedia, Thương hiệu là tên gọi, thuật ngữ, thiết kế, hình tượng hoặc các dấu hiệu khác giúp phân biệt một tổ chức hoặc một sản phẩm với đối thủ trong mắt của người tiêu dùng. Các dấu hiệu có thể là những ký hiệubiểu trưng (logo), thiết kế (như trường hợp chai Coca-Cola, phần lưới chắn các khe hút gió ở mũi xe ô tô BMW hay Mercedes), từ ngữ mang tính khẩu hiệu (slogan), … được gắn vào bao bì sản phẩm, mác sản phẩm, hay bản thân sản phẩm. Vì để giúp phân biệt các doanh nghiệp, thương hiệu hay được in trên các tờ giới thiệu doanh nghiệp, trụ sở doanh nghiệp, danh thiếp của cán bộ nhân viên doanh nghiệp, website của doanh nghiệp…

Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới_ WIPO (World Intellectual Property Organization): Mặc dù thuật ngữ “thương hiệu” đôi khi được sử dụng như một từ đồng nghĩa của “nhãn hiệu” trong lĩnh vực thương mại, nhưng nó thường được sử dụng theo nghĩa rộng hơn bao gồm sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và vô hình, chẳng hạn như một nhãn hiệu, một thiết kế, biểu tượng, hình ảnh thương mại, khái niệm, ảnh và danh tiếng mà các yếu tố đó liên quan tới các sản phẩm dịch vụ cụ thể. Một số chuyên gia coi bản thân hàng hóa hoặc dịch vụ là một phần của thương hiệu. (Nguyên gốc: Although the term “brand” is sometimes used as a synonym for a “trademark”, in commercial circles the term “brand” is frequently used in a much wider sense to refer to a combination of tangible and intangible elements, such as a trademark, design, logo and trade dress, and the concept, image and reputation which those elements transmit with respect to specified products and/or services. Some experts consider the goods or services themselves as a component of the brand).

Như vậy, thương hiệu được hiểu là dấu hiệu, theo đó:

  • Dấu hiệu này có thể là tên gọi, thiết kế (logo), ký hiệu, slogan hay bất cứ dấu hiệu nào khác.
  • Dấu hiệu này dùng để nhận diện một sản phẩm, một dịch vụ hay nhận diện nhiều sản phẩm, nhiều dịch vụ của Doanh nghiệp, Công ty;
  • Dấu hiệu này thường được gắn lên hàng hoá, bảng hiệu, bao bì, giấy tờ giao dịch, website, fanpage, các phương tiện kinh doanh…

Như vậy, mục đích cuối cùng của Thương hiệu là sự phân biệt, theo đó, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để Người tiêu dùng có thể nhận ra sản phẩm, dịch vụ của mình, đồng thời, giữ chân họ luôn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.

thu-tuc-dang-ky-thuong-hieu-quoc-te

2. Đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế là gì?

Đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế là một thủ tục mà theo đó, bạn đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nhiều quốc gia để thương hiệu của bạn được bảo hộ ở các quốc gia đó, phục vụ cho việc mở rộng thị trường cung cấp sản phẩm/dịch vụ của Công ty bạn. Điều đó có nghĩa, Công ty bạn có thể mở rộng phạm vi quyền độc quyền thương hiệu, không cho ai có thể sử dụng thương hiệu giống hoặc tương tự với thương hiệu của bạn tại một hoặc nhiều quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó. Đồng thời với việc mở rộng phạm vi quyền độc quyền thương hiệu, bạn sẽ mở rộng được phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp và những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu đó sẽ tiếp cận được đa dạng khách hàng hơn.

3. Tại sao cần đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế?

– Đăng ký bảo hộ thương hiệu là một thủ tục đặc thù mang tính quốc gia, có nghĩa là, khi bạn đăng ký và được bảo hộ độc quyền thương hiệu tại quốc gia nào thì thương hiệu của bạn chỉ có hiệu lực độc quyền tại quốc gia đó, không hiển nhiên được độc quyền tại các quốc gia khác trên thế giới. Chính vì vậy, nếu bạn muốn quốc gia nào bảo hộ thương hiệu cho bạn thì bạn phải tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu tại quốc gia đó;

– Nếu thương hiệu bạn sử dụng mà không đăng ký tại các quốc gia mà bạn đang hoạt động, thì bạn có quyền sử dụng và tất cả mọi người ở quốc gia đó cũng có quyền sử dụng;

– Khi bạn đăng ký và được cấp Văn bằng bảo hộ thương hiệu tại các quốc gia mà bạn muốn, chỉ có một mình bạn được độc quyền sử dụng thương hiệu đó, và bạn có quyền ngăn cấm người khác sử dụng thương hiệu tương tự, nhầm lẫn với thương hiệu của bạn trong phạm vi quốc gia đó;

– Nếu bạn không đăng ký bảo hộ thương hiệu, mà có người khác đăng ký độc quyền thương hiệu tại quốc gia đó, thì họ sẽ cấm bạn sử dụng, điều này dẫn đến bạn sẽ bị chiếm đoạt thương hiệu tại thị trường quốc tế, gia tăng rủi ro và tốn kém chi phí cho các hoạt động giải quyết tranh chấp.

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn hoạt động kinh doanh của công ty được phát triển, thị trường kinh doanh ngày càng mở rộng, và khi quyết định mở rộng thị trường ra phạm vi quốc tế, một trong những công việc quan trọng cần phải thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các quốc gia đang và sẽ đầu tư, phân phối, cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

4. Cách thức đăng ký bảo hộ quốc tế (trực tiếp, qua NĐT)

Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu từ Việt Nam ra nước ngoài tương đối phức tạp, do đó tùy từng trường hợp cụ thể, bạn có thể lựa chọn các cách thức đăng ký như sau:

Cách 1: Bạn đăng ký bảo hộ thương hiệu thông qua các Công ty dịch vụ hoặc Luật sư ở nước sở tại nơi mà bạn muốn thương hiệu của bạn được bảo hộ.

Bạn chỉ nên lựa chọn cách này khi quốc gia bạn muốn được bảo hộ không phải là thành viên của Nghị định thư Madrid và Thoả ước Madrid hoặc là thành viên rồi nhưng bạn muốn nộp đơn trực tiếp do bạn có người quen hoặc bạn đang có công ty làm dịch vụ cho bạn.

Cách 2: Bạn nộp hồ sơ đăng ký theo Nghị định thư Madrid hoặc Thoả ước Madird.

Trong trường hợp bạn muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu tại nhiều quốc gia, thì đây là cách rất phù hợp. Theo cách thức này, Bạn chỉ cần nộp một hồ sơ duy nhất đến Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) để được bảo hộ cùng lúc tại nhiều quốc gia, giúp bạn tiết kiệm được cả về thời gian và chi phí. Tuy nhiên, để lựa chọn cách này, bạn cần lưu ý các quốc gia bạn muốn được bảo hộ phải đang là thành viên của Nghị định thư Madrid hoặc Thỏa ước Madrid. Ngoài ra, bạn cần lưu ý thêm:

+ Nếu quốc gia bạn muốn được bảo hộ là thành viên của Thỏa ước Madrid thì bạn cần phải có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó, tức là đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam trước khi tiến hành đăng ký lên Cơ quan WIPO.

+ Nếu quốc gia bạn muốn được bảo hộ là thành viên của Nghị định thư Madrid thì bạn chỉ cần có Quyết định chấp nhận hợp lệ hình thức về việc nộp đơn đăng ký thương hiệu tại Việt Nam để đáp ứng điều kiện hồ sơ tối thiểu cho việc đăng ký thương hiệu lên Cơ quan WIPO.

5. Thành phần hồ sơ đăng ký thương hiệu quốc tế gồm những gì?

Hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế sẽ phụ thuộc vào việc bạn lựa chọn hình thức đăng ký. Với cách thức nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp tại các quốc gia bạn muốn được bảo hộ, bạn cần phải đáp ứng các quy định về hồ sơ mà pháp luật các quốc gia đó quy định. Đối với cách thức nộp hồ sơ đăng ký qua Nghị định thư Madrid và Thoả ước Madrid, bạn cần chuẩn bị hồ sơ như sau:

  1. Tờ khai đăng ký (tải về)
  2. Tờ khai MM2 (tải về)
  3. 05 mẫu thương hiệu cần đăng ký (kích thước 80 x 80 mm).
  4. Bản sao đơn đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia của mình hoặc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  5. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ);
  6. Giấy ủy quyền (nếu nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
  7. Bản MM18 trong trường hợp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định vào Hoa Kỳ (tải về);
  8. Các tài liệu khác (tùy trường hợp bạn cần bổ sung thêm tài liệu như Tuyên bố sử dụng nhãn hiệu, …).

thu-tuc-dang-ky-thuong-hieu-quoc-te

6. Nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu quốc tế ở đâu?

Như đã đề cập tại Mục 4, tuỳ lựa chọn của bạn chọn đăng ký theo cách thức nào thì sẽ nộp hồ sơ ở đó:

– Đối với cách thức đăng ký trực tiếp tại các quốc gia bạn muốn bảo hộ, bạn sẽ nộp hồ sơ tại các cơ quan nhãn hiệu của quốc gia đó.

– Đối với cách thức đăng ký theo Nghị định thư Madrid và Thoả ước Madrid, bạn sẽ nộp hồ sơ tại các Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký quốc tế, nếu không có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo nộp phí để người nộp đơn chuyển phí cho WIPO qua ngân hàng và nộp lại chứng từ nộp phí cho Cục Sở hữu trí tuệ, sau đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ kiểm tra và chuyển đơn đăng ký cho Cơ quan WIPO. Trường hợp có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra công văn yêu cầu người nộp đơn khắc phục thiếu sót.

7. Phí đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế bao nhiêu?

Cũng như đã đề cập tại Mục 4, tuỳ từng trường hợp mà bạn lựa chọn cách thức đăng ký tương ứng. Theo đó, đối với từng cách thức đăng ký sẽ có chi phí đăng ký khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, phí đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế sẽ phụ thuộc vào các yếu tố:

  1. Số lượng thương hiệu đăng ký;
  2. Số lượng sản phẩm, dịch vụ đăng ký;
  3. Số lượng quốc gia yêu cầu bảo hộ;
  4. Màu sắc thương hiệu của bạn là trắng đen hay có màu.

Đối với trường hợp bạn đăng ký trực tiếp tại các quốc gia bạn muốn được bảo hộ, bạn sẽ nộp phí theo quy định của quốc gia đó.

Đối với trường hợp bạn đăng ký theo Nghị định thư Madrid và Thoả ước Madrid, bạn cần nộp 2 khoản phí:

– Một là phí thẩm định sơ bộ hình thức nộp đơn đăng ký cho Cục Sở hữu trí tuệ: 2.000.000VNĐ;

– Hai là phí nộp cho Cơ quan WIPO, bạn có thể tự kiểm tra phí, lệ phí theo đường link: https://madrid.wipo.int/feecalcapp/

8. Những lưu ý khi đăng ký thương hiệu quốc tế

Thứ nhất, khi thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế, bạn cần phải chỉ định rõ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà bạn muốn được bảo hộ.

Thứ hai, nguyên tắc cơ bản khi đăng ký nhãn hiệu đang được áp dụng phần lớn các quốc gia đó là nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”, nghĩa là ai nộp đơn đăng ký trước thì được xem xét bảo hộ. Tuy nhiên, có một số ít quốc gia như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Singapore… có quy định đặc thù, họ áp dụng nguyên tắc “sử dụng trước”, nghĩa là người nào chứng minh được mình đã sử dụng thương hiệu đó tại lãnh thổ quốc gia đăng ký trước thì người đó có quyền đăng ký và được xem xét bảo hộ trước.

Thứ ba, như tại lưu ý thứ hai có đề cập, thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu là một thủ tục đặc thù mang tính quốc gia, cho nên khi đăng ký, bạn cần đáp ứng nhiều điều kiện mà pháp luật tại các quốc gia đó quy định. Quan trọng nhất là thương hiệu bạn đăng ký phải không được TRÙNG hoặc TƯƠNG TỰ gây nhầm lẫn với bất kỳ Thương hiệu nào của người khác đã nộp đơn trước hoặc đã sử dụng trước (xét về phát âm, cấu trúc, ý nghĩa, hình thức thể hiện) trong phạm vi quốc gia đó.

Vì vậy, bạn cần kiểm tra trước thương hiệu của bạn dự định đăng ký có đáp ứng các điều kiện cơ bản tại quốc gia bạn muốn được bảo hộ hay không. Tuy nhiên, việc kiểm tra này không đơn giản và rất khó, bạn phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thì mới có thể thực hiện được. Do vậy, chúng tôi khuyên bạn nên tìm một Công ty luật hoặc một Tổ chức chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm để họ đánh giá.

Thứ tư, thời gian để các quốc gia xem xét bảo hộ thương hiệu cho bạn thường kéo dài khá lâu, tối thiểu là 12 tháng. Và trong suốt thời gian này, bạn phải theo dõi các thông báo của Cơ quan WIPO (không phải là Cục Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam nữa), nếu không, việc nộp đơn đăng ký sẽ không mang lại kết quả gì. Nếu bạn nhờ một Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp thì họ sẽ làm việc này cho bạn.

9. Dịch vụ đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế của Công ty Luật CIS

Công ty Luật Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Luật sư và chuyên viên của Chúng tôi đã được đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:

  • Tra cứu thông tin liên quan đến thương hiệu quốc tế;
  • Tư vấn hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế;
  • Tiến hành các thủ tục phản đối, khiếu nại và hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế;
  • Gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế;
  • Ghi nhận những thay đổi liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu quốc tế;
  • Tư vấn đăng ký chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu quốc tế;
  • Quản lý hồ sơ đăng ký thương hiệu quốc tế đến khi có kết quả cuối cùng, chủ động cập nhật tình trạng xử lý hồ sơ và kịp thời phúc đáp ý kiến của Cơ quan đăng ký.

Để giải đáp thắc mắc về vấn đề thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế, Bạn vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580
Email: info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn