ST25 là tên một giống lúa gạo được sản xuất, lai tạo từ giống lúa thơm nổi tiếng của vùng đất Sóc Trăng. Nhóm các nhà khoa học lai tạo ra giống lúa này là: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sỹ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương.
Trong nhiều năm liền, ST25 được công nhận là gạo ngon nhất trong các hội thi cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia. Đến năm 2019, tại hội nghị Thương mại Gạo thế giới lần thứ 11 ở Manila, Philippines, ST25 được công nhận là giống gạo ngon nhất thế giới.
Thời gian gần đây, có nhiều thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thương hiệu gạo “ST25” bị 4 doanh nghiệp ở Mỹ nộp đơn đăng ký độc quyền dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu được loại gạo “ST25” này vào thị trường Mỹ.
Vậy thực hư câu chuyện này như thế nào? Thương hiệu gạo “ST25” có được cứu hay không? Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để không rơi vào tình huống tương tự?
1. Có đến 4 doanh nghiệp đăng ký thương hiệu gạo “ST25” ở Mỹ
Trên cơ sở dữ liệu đã công bố của Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO), thương hiệu gạo “ST25” được nộp sớm nhất vào ngày 18/06/2020 bởi công ty tên là I&T Enterprise có địa chỉ ở tiểu bang California, Mỹ.
Theo sau đó là các đơn đăng ký nhãn hiệu của các công ty khác như: TTM International Inc, Transworld Foods Inc, Ngon Fish Sauce Inc.
Hiện tại, các đơn này vẫn đang trong giai đoạn xem xét để đánh giá tất cả các điều kiện bảo hộ theo quy định pháp luật của Mỹ, chưa được cấp Văn bằng bảo hộ.
Về nguyên tắc chung của pháp luật sở hữu trí tuệ theo quy định quốc tế và cũng được ghi nhận trong pháp luật ở đa số các quốc gia (trong đó có bao gồm Mỹ) thì việc bảo hộ thương hiệu phải thông qua thủ tục đăng ký và bảo hộ theo nguyên tắc quốc gia, nghĩa là đăng ký ở nước nào, chỉ được bảo hộ ở nước đó.
Bên cạnh đó, khi 1 nhãn hiệu (tên gọi, logo) đã được đăng ký, thì không có nhãn hiệu nào TRÙNG hoặc TƯƠNG TỰ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đó được cấp văn bằng bảo hộ nếu nộp đơn sau.
Như vậy, nếu 1 trong 4 doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký thành công thương hiệu gạo “ST25”, thì phía ông Hồ Quang Cua hay bất kỳ doanh nghiệp nào không được Chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép mà gắn dấu hiệu ST25 lên sản phẩm gạo để đưa vào thị trường Mỹ sẽ có thể bị coi là “vi phạm độc quyền thương hiệu” và sẽ bị chế tài theo quy định pháp luật của Mỹ, những chế tài phổ biến như cấm nhập khẩu, tiêu hủy lô hàng vi phạm, bồi thường thiệt hại,…
2. Tình trạng doanh nghiệp Việt bị chiếm đoạt thương hiệu tại nước ngoài và nguyên nhân?
Việc doanh nghiệp Việt bị mất thương hiệu do không tiến hành đăng ký bảo hộ sớm ở nước ngoài hay thậm chí là tại sân nhà Việt Nam không phải là chuyện hiếm và đang dần trở nên phổ biến hơn.
Năm 1982, Nước mắm Phú Quốc bị công ty Viet Huong Fishsauce ở Mỹ đăng ký sử dụng độc quyền nhãn hiệu, sau đó công ty này đã lần lượt mở rộng đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” ở cộng đồng chung Châu Âu, Úc, Trung Quốc.
Năm 1999, công ty Kim Seng, trụ sở tại California (Mỹ) đăng ký thương hiệu “nước mắm thượng hạng Phan Thiết”
Tháng 7/2000, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tiếp xúc với Công ty Rice Field ở Mỹ với mục đích đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên. Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu này, với chi phí ước tích lên đến hàng trăm nghìn USD và phải thỏa hiệp để Rice Field được làm đại lý phân phối cà phê Trung Nguyên tại Mỹ.
Năm 2002, thương hiệu Vinataba – thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty của Indonesia) chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean
Năm 2010, nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd. tại tỉnh Quảng Đông.
Phát biểu tại hội nghị quốc tế về xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ năm 2020, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ nhận xét ở nước ta, cho đến nay, chỉ có số ít doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel, Viglacera… là có đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế. Còn lại rất nhiều doanh nghiệp, trong đó đa số là vừa và nhỏ chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ hoặc ngại đăng ký. Thống kê cho thấy, hiện chỉ 18% doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu đúng về sở hữu trí tuệ. Thậm chí, rất nhiều DN chưa liệt kê được tài sản thuộc sở hữu trí tuệ của mình.
3. Có cách nào lấy lại được thương hiệu gạo ST25 cho Việt Nam hay không?
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu là một thủ tục rất đặc thù. Để nhãn hiệu đăng ký được công nhận bảo hộ thì sẽ cần trải qua các giai đoạn cần thiết, trong đó có giai đoạn thẩm định đánh giá tất cả các điều kiện bảo hộ theo quy định riêng của quốc gia mà nhãn hiệu đó đăng ký.
Nguyên tắc cơ bản khi đăng ký nhãn hiệu đang được áp dụng phần lớn các quốc gia đó là nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”, nghĩa là ai nộp đơn đăng ký trước thì được. Tuy nhiên, có một số ít quốc gia như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Singapore… có quy định đặc thù, họ áp dụng nguyên tắc “sử dụng trước”, nghĩa là người nào chứng minh được mình đã sử dụng nhãn hiệu tại lãnh thổ nước đăng ký trước thì người đó có quyền đăng ký.
Như vậy, do các nhãn hiệu đăng ký ở Mỹ vẫn còn đang trong giai đoạn thẩm định nên nếu phía ông Hồ Quang Cua có bằng chứng chứng minh được mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 và đã sử dụng thương mại ở Mỹ trước những công ty ở Mỹ thì vẫn có khả năng được USPTO xem xét trước khi ra quyết định cuối cùng. Việc này được đánh giá là không dễ dàng vì theo ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí (doanh nghiệp tư nhân do con trai kỹ sư Hồ Quang Cua làm chủ, ông Hồ Quang Cua là cố vấn), cho biết doanh nghiệp ông không độc quyền về gạo, mà chỉ sở hữu giống lúa ST25. Gia đình nhà ông chuyên cung cấp lúa giống, bắt đầu từ tháng 7 năm 2020, các đơn vị khác mua giống, trồng và cung cấp ra thị trường với nhãn hiệu ST25 gắn với tên doanh nghiệp hay thương hiệu riêng của họ. Do đó, chưa chắc Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí chứng minh được mình là đơn vị đã sử dụng thương hiệu ST25 ở Mỹ trước 4 doanh nghiệp đã nộp đơn đăng ký kia.
Tuy nhiên, “ST25” vẫn còn cơ hội không bị chiếm đoạt vào tay của các doanh nghiệp ở Mỹ vì theo quy định của pháp luật các nước, trong đó có Mỹ, một trong nhiều điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ đó là dấu hiệu đăng ký không được là tên gọi chung của sản phẩm/dịch vụ, được hiểu là: không thể đăng ký độc quyền chữ “Phở” (Noodle) cho sản phẩm bánh phở hay thực phẩm.
Điều này có thể thấy rõ trong thông báo dự định từ chối ngày 20/11/2020 của USPTO đối với nhãn hiệu “VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG” theo đơn đăng ký số 90151727 nộp ngày 01/9/2020 của Công ty Transword Foods. Theo đó, ST25 là tên gọi chung của một loại giống cây trồng (lúa), và không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu theo quy định tại mục 1202.12 của Quy chế thẩm định nhãn hiệu:
Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến tạm thời của USPTO và Công ty Transword Foods vẫn có quyền giải trình để nhãn hiệu đăng ký được chấp thuận.
Được biết, trước đó đơn số 90009521 của Công ty I&T ENTERPRISE nộp ngày 18/6/2020 thì lại không có ý kiến từ chối vì lí do này mà USPTO chỉ yêu cầu Công ty cung cấp bằng chứng sử dụng thương mại nhãn hiệu ST25 ở Mỹ và Công ty này đã hoàn tất trả lời để đơn này được đăng bạ chuẩn bị cấp Văn bằng nếu không có ai phản đối trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 04/05/2021:
4. Lời khuyên dành cho doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp 2 vấn đề lớn:
Một là, Doanh nghiệp sử dụng thương hiệu, dù không cố ý, nhưng vô tình xâm phạm nhãn hiệu của người khác đã đăng ký, vì, việc sử dụng trùng khớp hoàn toàn hay thậm chí là chỉ là tương tự nhau về cấu trúc, phát âm, ý nghĩa, hình thức thể hiện thì vẫn có khả năng bị coi là vi phạm.
Hai là, không thấy ai thưa kiện gì về nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu của mình cũng chưa có người nào đăng ký tại thời điểm này, và do đó, doanh nghiệp chỉ lo tập trung phát triển quy mô kinh doanh mà không để ý đến việc thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Và điều gì đến thì cũng sẽ đến, một người nào đó nhanh tay đăng ký thương hiệu này hoặc cao tay hơn là đăng ký bao vây ở những thương hiệu gần giống và cả những sản phẩm, dịch vụ có liên quan nhằm chiếm đoạt, đầu cơ nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh, buộc doanh nghiệp phải đàm phán mua lại quyền sở hữu nhãn hiệu với giá cao hơn rất nhiều lần so với chi phí bỏ ra đăng ký ngay từ đầu.
Sai lầm thứ hai này cũng chính là tình hình hiện nay ST25 và nhiều doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu đang gặp phải và một khi đã bị người khác chiếm đoạt đăng ký trước nhãn hiệu rồi thì việc đòi lại được nhãn hiệu là không hề dễ dàng, chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí theo đuổi vụ việc và kết quả có thể không được như mong đợi.
Do đó, lời khuyên dành cho các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu nói riêng và doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nói chung đó là: khi đã có kế hoạch kinh doanh và sử dụng tên gọi, logo để nhận diện thương hiệu thì tốt nhất là nên kiểm tra trước thương hiệu đó đã có ai đăng ký hay chưa, nếu chưa thì cần nhanh chóng tiến hành đăng ký càng sớm càng tốt.
Việc kiểm tra này cũng nên được thực hiện bởi các Luật sư, chuyên gia trong ngành Sở hữu trí tuệ đặc biệt là các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp phép hoạt động vì đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong việc tra cứu, đánh giá các điều kiện bảo hộ, phân tích và đề xuất được các giải pháp trong trường hợp nhãn hiệu dự định đăng ký rơi vào tình huống khó như đã có nhãn hiệu tương tự, nhãn hiệu đăng ký thuộc trường hợp mang tính mô tả, nhãn hiệu thuộc sở hữu nhiều người, đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài…
Thủ tục, hồ sơ, quy trình, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu tham khảo ở đây
Công ty Luật HD Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ nêu trên, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:
PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: sohuutritue@cis.vn