Bảo hộ nhãn hiệu (hay còn gọi là thương hiệu) là một trong những chiến lược quan trọng và quyết định sự phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Việc đăng ký độc quyền nhãn hiệu sẽ giúp công ty xây dựng tính nhận diện ổn định và nâng cao tính cạnh tranh đối với doanh nghiệp khác.
Bài viết dưới đây của Công ty Luật CIS sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty mới nhất năm 2024.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- 1. Nhãn hiệu là gì?
- 2. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là gì?
- 3. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty năm 2024 như thế nào?
- 4. Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty
- 5. Tại sao công ty cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
- 6. Nhãn hiệu của công ty được bảo hộ bao nhiêu năm?
- 7. Phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty năm 2024
- 8. Những lưu ý khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty
- 9. Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu cho công ty năm 2024 của Công ty Luật CIS
1. Nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu là logo hoặc tên gọi mà chúng ta gắn lên hàng hoá, bao bì hàng hóa, bảng hiệu, website, facebook, hóa đơn, chứng từ… trong hoạt động kinh doanh dùng để nhận diện, phân biệt hàng hóa, dịch vụ gắn logo, tên này là của chúng ta so với hàng hóa, dịch vụ của người khác.
Nhãn hiệu được định nghĩa trong pháp luật về Sở hữu trí tuệ, cụ thể tại Khoản 16 Điều 4 Luật SHTT 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022:
Điều 4. Giải thích từ ngữ
16. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau |
Theo quy định tại Điều 72 Luật SHTT, Nhãn hiệu được bảo hộ khi đáp ứng những điều kiện sau:
– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;
– Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Như vậy, nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được và phải có khả năng phân biệt. Cùng một loại sản phẩm nhưng mỗi doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh sẽ có những nhãn hiệu riêng biệt cho loại hàng hóa kinh doanh của họ để phân biệt với vô vàn các mặt hàng cùng loại trên thị trường. Ví dụ:
– Sữa có các nhãn hiệu như: Vinamilk, TH true MILK, Dalat Milk, Long Thanh Milk, Ba Vi milk, …
– Mì, phở ăn liền có các nhãn hiệu như: Hảo Hảo, Omachi, Gấu Đỏ, Koreno, Acecook, …
2. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là gì?
Đăng ký nhãn hiệu cho công ty hay còn được biết với tên gọi đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hay đăng ký độc quyền thương hiệu. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là một thủ tục hành chính để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ nhất định.
Để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chúng ta cần chuẩn bị hồ sơ như hướng dẫn ở Mục 4 bên dưới và phải được thực hiện theo quy trình chúng tôi hướng dẫn ở Mục 3 trong bài viết này.
Nếu nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện bảo hộ, chúng ta sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ, giấy này gọi là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Chủ nhãn hiệu khi được cấp văn bằng bảo hộ sẽ được độc quyền sử dụng, tiếp thị và kinh doanh nhãn hiệu đó, ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình hoặc một hành vi cạnh tranh bất hợp pháp nào khác. Đồng thời, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu khi xảy ra những tranh chấp hay vi phạm từ bên khác.
3. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty năm 2024 như thế nào?
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho công ty sẽ trải qua 03 giai đoạn, cụ thể:
∗ Giai đoạn 1: Nộp hồ sơ
Công ty đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu và nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các Văn phòng đại diện của Cục.
Công ty đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có thể tự nộp hồ sơ hoặc uỷ quyền cho Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ để nộp thay.
Xem thêm Các dịch vụ mà Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp – Công ty Luật CIS cung cấp.(Mục 9)
∗ Giai đoạn 2: Cục Sở hữu trí tuệ xử lý hồ sơ
Sau khi hồ sơ được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ, hồ sơ sẽ được xử lý qua 03 bước, cụ thể:
1) Thẩm định hình thức đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Trong giai đoạn này, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.
– Khi đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.
– Khi đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Lưu ý: Trước khi ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, Cục SHTT ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Thời hạn thẩm định hình thức: 01 tháng.
2) Công bố đơn đăng ký trên Công báo sở hữu công nghiệp
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ ở Bước 1, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Tất cả những thông tin về nhãn hiệu đăng ký sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu đăng ký và ai cũng có thể tiếp cận được.
Thời hạn công bố đơn: 02 tháng kể từ ngày đơn có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.
3) Thẩm định nội dung đơn
Trường hợp nhãn hiệu đăng ký đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, như là không bị trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với bất kỳ nhãn hiệu nào khác đã được đăng ký trước đó, Cục SHTT ra thông báo dự định cấp Văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp ngược lại, Cục SHTT ra thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Thời gian thẩm định nội dung đơn trong vòng không quá 9 tháng kể từ khi kết thúc Bước 2. Tuy nhiên, trên thực tế giai đoạn này diễn ra trong khoảng 1,5 năm – 2 năm.
∗ Giai đoạn 3: Ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ
– Trường hợp người nộp đơn nhận được Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn cần hoàn tất việc đóng phí cấp bằng cho Cục SHTT đầy đủ, đúng hạn. Sau khi nhận được phí cấp bằng, Cục sẽ cấp Văn bằng bảo hộ chính thức cho chủ thương hiệu, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
– Trường hợp người nộp đơn nhận được Thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn cần có văn bản phản hồi ý kiến từ chối của Cục. Trường hợp phản hồi được sự chấp thuận của Cục thì Cục sẽ cấp Văn bằng bảo hộ, ngược lại phản hồi không được chấp thuận thì Cục sẽ chính thức từ chối cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu.
Công ty Luật CIS là một trong những Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ, có nhiều năm kinh nghiệm với rất nhiều bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ.
Quý khách hàng có thể sử dụng dịch vụ tại Công ty Luật CIS để theo dõi và xử lý hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty. Chúng tôi sẽ giải quyết kịp thời, tiết kiệm và hiệu quả hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi có vấn đề phát sinh như hồ sơ đăng ký không đầy đủ, không hợp lệ, hồ sơ bị dự định từ chối …
4. Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty
Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gồm:
♦ Tài liệu tối thiểu:
– Tờ khai đăng ký theo mẫu (Tải về);
– Mẫu nhãn hiệu;
– Chứng từ nộp phí, lệ phí;
♦ Các tài liệu khác (nếu có):
– Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn đăng ký thông qua các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
– Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ có chứa các biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế …);
– Tài liệu xác nhận quyền đăng ký;
– Tài liệu xác nhận thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
Tổ chức, cá nhân kinh doanh muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty có thể ủy quyền cho Công ty Luật CIS – Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp (Mã đại diện 231) thực hiện bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty. Trường hợp bạn ủy quyền cho Công ty Luật CIS ngay từ Giai đoạn 1 thì chỉ cần cung cấp:
– Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Mẫu nhãn hiệu;
Công ty Luật CIS sẽ soạn hồ sơ đăng ký, đại diện nộp đơn đăng ký, giải trình với Cục Sở hữu trí tuệ khi có công văn và theo dõi hồ sơ đăng ký cho đến khi có kết quả cuối cùng.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho công ty có thể được nộp trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường bưu điện đến một trong 3 địa điểm sau:
– Tại TP. Hà Nội: Số 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội (Trụ sở chính của Cục Sở hữu trí tuệ).
– Tại TP. HCM: Số 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
– Tại TP. Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng (Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ).
Ngoài ra, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể nộp hồ sơ thông qua Công ty Luật CIS – Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp.
5. Tại sao công ty cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Nhãn hiệu gắn liền với sản phẩm/hàng hóa/dịch vụ và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phân phối, lưu thông sản phẩm/dịch vụ. Nhãn hiệu ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, lâu dài của công ty trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điển hình một số lợi ích khi công ty tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu như sau:
– Tăng tính nhận diện cho công ty, giúp khách hàng nhận biết/phân biệt được sản phẩm của công ty.
– Ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại.
– Phòng ngừa sự xâm phạm, các hành vi sao chép, sử dụng nhãn hiệu của công ty, tổ chức, cá nhân khác nhằm mục đích thu lợi.
– Bảo vệ thành quả đầu tư và uy tín của công ty trong lòng khách hàng.
6. Nhãn hiệu của công ty được bảo hộ bao nhiêu năm?
Khi đủ điều kiện và được cấp văn bằng bảo hộ, nhãn hiệu của chủ sở hữu sẽ được bảo hộ độc quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam với thời gian bảo hộ lên đến 10 năm và có thể gia hạn nhiều lần sau đó.
Về vấn đề thời hạn và gia hạn thời hạn bảo hộ nhãn hiệu, mời bạn theo dõi tại đây Thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới nhất 2023
7. Phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty năm 2024
Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty tại Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phát sinh các khoản phí, lệ phí sau:
- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng.
- Phí công bố đơn: 120.000 đồng.
- Phí tra cứu phục vụ thẩm định nội dung: 180.000 đồng đối với mỗi nhóm sản phẩm, dịch vụ.
- Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000 đồng đối với mỗi sản phẩm, dịch vụ.
- Phí thẩm định nội dung: 550.000 đồng đối với mỗi nhóm sản phẩm, dịch vụ.
- Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000 đồng cho mỗi sản phẩm, dịch vụ.
8. Những lưu ý khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty
Đơn đăng ký nhãn hiệu cho công ty có thể bị từ chối khi nhãn hiệu đăng ký không đáp ứng các điều kiện theo luật định. Trong đó, khi thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cần lưu ý những vấn đề sau:
– Nhãn hiệu không chứa những dấu hiệu mà pháp luật cấm như: quốc kỳ, quốc huy của các nước, biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép …
– Nhãn hiệu phải có yếu tố tạo được tính phân biệt.
– Nhãn hiệu không được TRÙNG LẶP hoặc TƯƠNG TỰ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã đăng ký trước đó.
– Phải kê khai thông tin chủ đơn đăng ký chính xác theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Cần theo dõi và cập nhật tình trạng hồ sơ thường xuyên, lưu ý các thông báo của Cục SHTT để kịp thời trả lời, giải trình các yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ.
Đã có rất nhiều trường hợp bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ do không trả lời thông báo đúng hạn của Cục Sở hữu trí tuệ. Mời bạn đọc xem thêm vấn đề này tại đây Nhãn hiệu bị từ chối vì không trả lời / đóng phí đúng hạn?
Việc kiểm tra các yếu tố khiến nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ cần được thực hiện bởi đội ngũ chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm và lên các phương án dự phòng để giải quyết các trường hợp có khả năng TƯƠNG TỰ với các nhãn hiệu đã đăng ký trước. Mời bạn tham khảo thêm bài viết: Nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ vì mang tính mô tả
9. Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu cho công ty năm 2024 của Công ty Luật CIS
Công ty Luật Bản quyền quốc tế (Công ty Luật CIS) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Luật sư và chuyên viên của Chúng tôi đã được đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:
– Tra cứu thông tin liên quan đến nhãn hiệu, thương hiệu, logo;
– Tư vấn về khả năng đăng ký và sử dụng nhãn hiệu; – Tư vấn hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ logo; – Tiến hành các thủ tục phản đối, khiếu nại và hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; – Gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; – Ghi nhận những thay đổi liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; – Tư vấn đăng ký chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu; – Quản lý hồ sơ đăng ký đến khi có kết quả cuối cùng, chủ động cập nhật tình trạng xử lý hồ sơ và kịp thời phúc đáp ý kiến của Cơ quan đăng ký. |
Trên đây là những nội dung liên quan đến “Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho công ty mới nhất năm 2024”. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề nêu trên hoặc tư vấn về sở hữu trí tuệ, Bạn vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:
PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580
Email: info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn