Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm mới nhất – Luật Sư giải đáp

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, sức sáng tạo và lao động trí óc của con người ngày càng bộc lộ sức mạnh đáng kinh ngạc: theo đó, mọi nhu cầu trong đời sống đều được thoả mãn và đơn giản hoá nhờ máy móc, thiết bị công nghệ ngày càng hiện đại và thông minh hơn. Và một trong các yếu tố có tính quyết định chính là phần mềm điều khiển, phần mềm ứng dụng vận hành các thiết bị đó.

Chính bởi sự hữu ích và giá trị kinh tế to lớn mà các phần mềm mang lại, các lập trình viên, các nhà phát triển phần mềm hiện nay rất quan tâm đến vấn đề bản quyền, bởi lẽ, các phần mềm hay bị bẻ khoá để sử dụng trái phép, hoặc đối thủ cạnh tranh copy phần mềm và kiếm lợi từ phần mềm đó; hay phần mềm dù là chính chủ bị đánh bản quyền, buộc gỡ app trên các cửa hàng ứng dụng…

Vì thế, nhiều nhà phát triển phần mềm đã quyết định “đăng ký bản quyền” cho phần mềm của mình từ rất sớm nhằm có cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ được bản quyền của mình, đặc biệt là trên môi trường internet.

Vậy, đăng ký bản quyền cho phần mềm là gì? thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm trong năm 2024 thực hiện như thế nào? Cần lưu ý những gì trước khi đăng ký bản quyền cho phần mềm?

Những vấn đề trên sẽ được Luật sư Trần Lê Khanh – Luật sư bản quyền của Công ty Luật CIS giải đáp trong bài viết ngày hôm nay.

1. Đăng ký bản quyền phần mềm là gì?

Luật sư trả lời:

Phần mềm mà chúng ta thường dùng cho máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh hay máy móc thiết bị công nghiệp thì đều được pháp luật gọi chung là “chương trình máy tính”.

Chương trình máy tính được định nghĩa là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác trong ngôn ngữ lập trình để khi gắn vào phương tiện, thiết bị thì có khả năng làm cho chúng thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể nào đó.

Ví dụ: phần mềm Zalo cài trong điện thoại là phần mềm có chức năng gọi điện, nhắn tin; phần mềm Microsoft word cài trong máy tính là phần mềm có chức năng soạn thảo văn bản.

Đăng ký bản quyền phần mềm được hiểu đơn giản là tác giả, tức là người lập trình ra phần mềm đó hoặc người đầu tư tiền bạc để tạo ra phần mềm đó nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm đó ở Cục Bản Quyền tác giả thuộc Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch để được ghi nhận thông tin về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và các thông tin liên quan đến phần mềm đăng ký.

2. Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm hiện nay được quy định thế nào?

Luật sư trả lời:

Vừa qua, Luật Sở hữu trí tuệ đã có thay đổi lớn từ đầu năm 2023 và đến tháng 7/2023 mới có đầy đủ hướng dẫn thi hành, trong đó có nhiều thay đổi liên quan đến thủ tục đăng ký bản quyền.

Công ty Luật CIS đã có nội dung chia sẻ về các thay đổi này, bạn đọc quan tâm có thể xem lại tại đây.

Nhìn chung, thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm sau khi được sửa đổi, bổ sung phức tạp hơn, và thời gian thực tế trả kết quả cũng kéo dài hơn.

Cụ thể khi làm thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm, thì tuỳ vào mối quan hệ giữa tác giả và chủ sở hữu bản quyền, ví dụ như tác giả đồng thời là chủ sở hữu; hay tác giả là nhân viên được Công ty giao nhiệm vụ thiết kế phần mềm; hay tác giả là freelancer, được người khác đặt hàng sáng tạo phần mềm; ngoài ra còn tuỳ thuộc vào chức năng, mục đích sử dụng của phần mềm, v.v…, mà thành phần hồ sơ đăng ký sẽ khác nhau.

Do đó, nếu chúng ta chưa có kinh nghiệm đăng ký bản quyền trước đây thì nên nhờ Luật sư chuyên về lĩnh vực này để tham vấn xây dựng hồ sơ để việc đăng ký diễn ra suôn sẻ và tiết kiệm thời gian.

Khi bạn đọc uỷ quyền cho Công ty Luật CIS, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn đọc cung cấp các thông tin gồm:

– Tên phần mềm;

– Các chức năng chính của phần mềm ;

– Thông tin về thời điểm hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao; thời điểm đưa phần mềm vào sử dụng công khai; nội dung giao diện và hướng dẫn sử dụng phần mềm; ngôn ngữ lập trình được sử dụng;

– Thông tin nhân thân về tác giả, chủ sở hữu và mối quan hệ giữa họ;

– Thông tin về đồng tác giả, đồng chủ sở hữu nếu có, có tác giả/chủ sở hữu nào có yếu tố nước ngoài hay không?

Với thông tin trên, Luật sư của chúng tôi sẽ xây dựng bộ hồ sơ tương ứng và tham vấn cho bạn đọc về các điều kiện bảo hộ, những vấn đề tồn tại trong hồ sơ và hướng khắc phục để khả năng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là cao nhất, tránh bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần.

Dưới đây là sơ đồ minh hoạ ngắn gọn về trình tự, thủ tục xử lý hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm:

so-do-dang-ky-ban-quyen-phan-mem

Sau khi hồ sơ được nộp, Cục Bản Quyền tác giả sẽ kiểm tra về hình thức hồ sơ trong thời gian 1 tháng. Nếu hồ sơ hợp lệ, thì trong thời gian 15 ngày làm việc, Cục bản quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận. Thực tế hiện nay, do hồ sơ đăng ký bản quyền rất nhiều nên hầu như các hồ sơ đều bị chậm tiến độ, thường là khoảng sau 2 – 3 tháng mới có kết quả nếu hồ sơ đơn giản, trôi chảy, suôn sẻ.

Về cách thức nộp hồ sơ, bạn đọc có thể nộp trực tiếp tại Trụ sở của Cục Bản Quyền Tác Giả ở Hà Nội hoặc 1 trong 2 văn phòng Cục ở thành phố Hồ chí Minh và thành phố Đà Nẵng; ngoài ra, chúng ta có thể nộp online thông qua Cổng dịch vụ công của Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch (dichvucong.bvhttdl.gov.vn), tuy nhiên khi nộp online, người đăng ký vẫn phải gửi hồ sơ gốc bản cứng đến Trụ sở của Cục Bản quyền tác giả để hoàn thành thủ tục.

3. Những lỗi thường gặp khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm.

Luật sư trả lời:

Có nhiều vấn đề chúng ta cần lưu ý để tránh bị từ chối tiếp nhận hồ sơ khi đăng ký bản quyền điển hình như: bản quyền cho phần mềm game có tính chất cá cược, ăn thua bằng tiền thì sẽ không đăng ký được; hay phần mềm liên quan tới giáo dục, y tế hay các lĩnh vực chuyên ngành, khi đăng ký phải có ý kiến đồng ý/xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; hay phần mềm kê khai sử dụng mã nguồn mở nhưng khi kiểm tra thì không đúng nội dung giấy phép sử dụng mã nguồn mở; hay phần mềm có quá nhiều tác giả tham gia lập trình (đồng tác giả), hay có tác giả là người nước ngoài, v.v…

Sau đây là 4 lỗi thường gặp khi đăng ký bản quyền phần mềm:

♦ Thứ nhất là phần mềm chứa nội dung có bản quyền của người khác, ví dụ như trong giao diện phần mềm sử dụng các logo, biểu tượng, hình ảnh, dữ liệu của người khác, nếu chúng ta muốn đăng ký bản quyền phần mềm có chứa các nội dung này, chúng ta phải nộp kèm giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp hoặc chúng ta phải loại bỏ các nội dung có bản quyền của người khác. Trường hợp này gặp khá thường xuyên.

♦ Thứ hai là phần mềm có chức năng bị coi là có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, đạo đức, trật tự, an toàn xã hội. Ví dụ phần mềm có chức năng thực hiện giao dịch tiền kỹ thuật số, tiền ảo, hay phần mềm dự đoán số đề, phần mềm bắn cá ăn tiền, phần mềm theo dõi gián điệp, đánh cắp thông tin cá nhân, v.v… Nếu phần mềm đăng ký thuộc trường hợp này thì gần như không có khả năng được chấp thuận đăng ký bản quyền.

♦ Thứ ba là phần mềm có nhiều phiên bản nâng cấp và do nhiều tác giả thực hiện.

Vấn đề của trường hợp này là khi đăng ký bản quyền đối với phần mềm nâng cấp, chúng ta phải có bộ sourcecode phiên bản cũ. Nhiều trường hợp chủ sở hữu bản quyền không còn lưu giữ mã code cũ, hay tác giả thiết kế trước đây không còn, thì khi đăng ký phiên bản mới, ít nhiều chúng ta sẽ gặp khó khăn do có thể phải giải trình, chứng minh bổ sung.

♦ Thứ tư là hồ sơ không hợp lệ về hình thức.

Nếu trước đây, bạn đọc có thể dễ dàng tự chuẩn bị hồ sơ và tự nộp thì hiện nay, một số thành phần hồ sơ đăng ký quyền tác giả dù tự nộp hay uỷ quyền đi nộp thì đều phải có chữ ký của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả. Ngoài ra, bắt buộc phải đến UBND hoặc Văn phòng công chứng để công chứng, chứng thực những tài liệu, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu như hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng, và giấy uỷ quyền. Nếu hồ sơ không hợp lệ về hình thức thì sẽ bị trả lại hoặc trường hợp xấu hơn là bị từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Như vậy, thông qua nội dung giải đáp của Luật sư Lê Khanh về chủ đề đăng ký bản quyền phần mềm theo quy định mới nhất hiện nay, chúng tôi hy vọng rằng bạn đọc đã có hình dung sơ bộ về bản quyền phần mềm và thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm.

Khi có tranh chấp và thiệt hại về kinh tế xảy ra, tác giả/chủ sở hữu của phần mềm thường sẽ rất khó khăn trong chứng minh bản quyền của mình và Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả hiện nay đã trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu nhất và được ưu tiên thực hiện trước khi phát hành sản phẩm phần mềm ra thị trường.

Công ty Luật CIS là một trong số ít Tổ chức hành nghề Luật sư được hành nghề trong lĩnh vực tư vấn và đại diện đăng ký quyền tác giả cho cá nhân/tổ chức trong và ngoài nước tại Việt Nam.

♦ Link Youtube: 

Bạn đọc quan tâm hoặc cần hỗ trợ về đăng ký bản quyền phần mềm vui lòng liên hệ với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin dưới đây để được hỗ trợ nhanh chóng:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580

Email: info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn