Hướng dẫn thủ tục đăng ký thương hiệu mới nhất năm 2024 và những lưu ý quan trọng | Luật sư giải đáp

Hiện nay, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho mình, với mong muốn xác lập quyền sở hữu và độc quyền sử dụng thương hiệu, tránh bị người khác sử dụng trái phép hay thậm chí là bị chiếm đoạt mất thương hiệu, ảnh hưởng đến uy tín và làm giảm thị phần của sản phẩm, thì việc đăng ký nhãn hiệu đang dần trở thành xu thế tất yếu và được nhiều cá nhân, doanh nghiệp thực hiện từ rất sớm.

Tuy nhiên vẫn chưa nhiều người biết rõ về thủ tục này được tiến hành như thế nào, vì sao hồ sơ đơn giản nhưng đến 1-2 năm sau mới có kết quả, vì sao nhãn hiệu đăng ký đã được sử dụng từ rất lâu nhưng vẫn bị từ chối bảo hộ?

Trong bài viết này, Luật sư Lê KhanhCông ty Luật CIS sẽ chia sẻ với các bạn chi tiết về thủ tục, hồ sơ và những lưu ý liên quan đến thủ tục đăng ký thương hiệu áp dụng từ năm 2024.

Hỏi: Xin chào Luật sư Lê Khanh, Luật sư có thể cho bạn đọc biết là thương hiệu là gì, vì hiện nay có rất nhiều cách gọi, nào là thương hiệu, logo, nhãn hiệu, tên thương mại,…

LS: Thương hiệu không phải là một thuật ngữ pháp lý, và trong từ điển tiếng Việt cũng không giải thích thuật ngữ này.

Chúng ta nghe nói đến “thương hiệu” khi đề cập đến giá trị của một công ty có sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng và gây dấu ấn sâu đậm cho người tiêu dùng trên thị trường, hay chúng ta nói đến thương hiệu khi đề cập đến một sản phẩm, dịch vụ nào đó thông qua biểu tượng hay tên gọi gắn lên sản phẩm, dịch vụ đó.

Ví dụ: biểu tượng trái táo cắn dở là đại diện cho Công ty Apple. Khi biểu tượng này được nhìn thấy trên điện thoại, máy vi tính, máy tính bảng, v.v…, thì hầu hết chúng ta sẽ biết ngay đây là hàng của Công ty Apple. Với các sản phẩm có biểu tượng trái táo này, chúng ta tin rằng, sản phẩm đó có thương hiệu, có chất lượng, có uy tín. Và với sự tin tưởng như vậy, thì giá trị của Cty Apple ngày càng cao. Các bạn biết là thương hiệu Apple được định giá hiện nay (năm 2023) là hơn 500 tỷ đô, đứng thứ nhất trên toàn thế giới.

giay-chung-nhan-dang-ky-nhan-hieu

Với ý nghĩa là dấu hiệu dùng để nhận diện sản phẩm, dịch vụ do Công ty/cá nhân nào cung cấp thì “thương hiệu” sẽ có thuật ngữ pháp lý tương đồng đó là “nhãn hiệu”.

Nhãn hiệu được định nghĩa là “dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” (Khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022).

Như vậy, khi đề cập đến dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá/dịch vụ của doanh nghiệp/cá nhân kinh doanh với nhau thì chúng ta sẽ dùng thuật ngữ “nhãn hiệu”, tuy nhiên chúng ta cũng có thể nói là “thương hiệu” để thân thuộc, dễ hiểu hơn.

Hỏi: Ngay từ cái tên gọi ban đầu thôi đã thấy phức tạp rồi, vậy xin hỏi Luật sư, “nhãn hiệu”, hay “thương hiệu” khi chúng ta xây dựng, mà chúng ta thường nghe là xây dựng thương hiệu và sử dụng nó thì có được pháp luật công nhận quyền sở hữu hay không? Hay chúng ta phải làm hồ sơ đăng ký thương hiệu giống như đăng ký sở hữu tài sản, thưa Luật sư?

LS: Đây là một câu hỏi rất thực tế, vì khá nhiều người nhầm lẫn là, khi mình thiết kế thương hiệu, nhất là bỏ tiền thuê thiết kế thương hiệu, thì thương hiệu đó thuộc quyền sở hữu của mình, NHƯNG không phải vậy.

Thương hiệu không đương nhiên được pháp luật công nhận và bảo hộ. Để có quyền độc quyền đối với thương hiệu, như là độc quyền sử dụng, ngăn cấm người khác làm nhái thương hiệu, hay bảo vệ thương hiệu tránh bị người khác chiếm đoạt, ảnh hưởng uy tín thì chúng ta PHẢI làm hồ sơ đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hồ sơ khá đơn giản, thông thường thì chỉ yêu cầu nộp 02 Tờ khai theo mẫu, điền đầy đủ thông tin, dán mẫu nhãn hiệu cần đăng ký và kê khai nhóm hàng hoá/dịch vụ muốn được bảo hộ.

Phí đăng ký nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tuỳ vào số lượng nhóm hàng hoá/dịch vụ kê khai muốn được bảo hộ, hiện nay tối thiểu là 1.000.000 đồng. Nếu uỷ quyền cho đơn vị là các Tổ chức đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp phép đại diện thì sẽ tuỳ vào phạm vi công việc thoả thuận với bên Đại diện mà sẽ cộng thêm phí dịch vụ tương ứng.

Hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội, hoặc bộ phận tiếp nhận đơn ở 2 văn phòng đại diện của Cục ở TP.HCM và Đà Nẵng; hoặc Người nộp đơn có thể kê khai và nộp online tại Cổng dịch vụ công của Cục SHTT, tuy nhiên bắt buộc phải có chữ ký số và được phê duyệt tài khoản mới nộp được.

Hỏi: Sau khi nộp thì bao lâu có kết quả thưa Luật sư?

LS: Sau khi nộp hồ sơ thì đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ trải qua các giai đoạn như hình minh hoạ bên dưới, trong đó có 2 giai đoạn quan trọng là thẩm định hình thức và thẩm định nội dung.

Có một vấn đề mà LS muốn đặc biệt lưu ý đó là, KHÔNG phải cứ nộp hồ sơ đăng ký là được bảo hộ. Nhãn hiệu chỉ được bảo hộ khi nhãn hiệu đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà luật quy định.

Quay trở lại với 2 giai đoạn quan trọng mà Ls vừa đề cập, đầu tiên nói về thẩm định hình thức. Thẩm định hình thức được Cục thực hiện trong thời hạn 01 tháng sau khi nộp, ở khâu này, Cục SHTT chỉ kiểm tra về mặt hình thức của hồ sơ, tức là các nội dung về kê khai, phân nhóm, nộp phí, …mà chưa kiểm tra về các điều kiện bảo hộ. Kết thúc giai đoạn này, nếu đơn hợp lệ, Cục sẽ gửi cho chủ đơn thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Khi nhận được thông báo này, rất nhiều người nhầm lẫn vì nghĩ rằng, nhãn hiệu đã được bảo hộ, NHƯNG không phải vậy. Việc xem xét, đánh giá nhãn hiệu có được bảo hộ hay không được Cục thực hiện ở giai đoạn quan trọng thứ 2, đó là thẩm định nội dung, thẩm định nội dung là khâu quan trọng nhất và QUYẾT ĐỊNH nhãn hiệu đăng ký có được bảo hộ hay không. Nếu đáp ứng hết toàn bộ yêu cầu thì sẽ chúng ta sẽ nhận được Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí (hiện nay là 360.000 đồng nếu đăng ký 1 nhóm), sau khi nộp xong thì sẽ được cấp Văn bằng, và nhãn hiệu chỉ được pháp luật bảo hộ khi được cấp văn bằng. Nếu chúng ta chưa hoặc không nhận được văn bằng này, nghĩa là nhãn hiệu chúng ta chưa được bảo hộ.

Tổng thời gian 01 đơn đăng ký nhãn hiệu có kết quả theo Luật là 12 tháng nếu trôi chảy, suôn sẻ. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay, do số lượng đơn đăng ký quá nhiều nên hầu như đơn nào cũng bị chậm tiến độ, thường là sau 18-24 tháng mới có kết quả.

Hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu là 10 năm trên toàn lãnh thổ Việt Nam, hết 10 năm thì có thể gia hạn tiếp, mỗi lẫn được thêm 10 năm nữa.

Hỏi: Thời gian khá lâu quá phải không Luật sư! Xin Luật sư chia sẻ thêm, là có nhiều bạn đọc gửi email, nhắn tin đến số hotline của Công ty Luật CIS phản ánh, họ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và bị Cục yêu cầu sửa, bổ sung, nhiều trường hợp khán giả phản ánh hồ sơ bị từ chối, trong khi hồ sơ như Ls chia sẻ là quá đơn giản, vậy xin Luật sư chia sẻ thêm một số kinh nghiệm hay lưu ý gì để tránh gặp vấn đề khi đăng ký nhãn hiệu không?

LS: Đăng ký thương hiệu hay đăng ký nhãn hiệu không đơn giản như là đăng ký kinh doanh. Đăng ký kinh doanh chúng ta chỉ cần kê khai ngành nghề, tên không trùng là được cấp Giấy phép, còn đăng ký nhãn hiệu thì nhãn hiệu đó phải đáp ứng rất nhiều điều kiện và tất cả được xem xét ở giai đoạn thẩm định nội dung như tôi vừa chia sẻ.

Trong quá trình hỗ trợ tư vấn cho các chủ nhãn hiệu thì tôi thấy có các vấn đề sau mà các bạn có thể lưu ý trước khi đăng ký:

Thứ nhất, nên tra cứu thương hiệu: Một trong những điều kiện quan trọng để được bảo hộ thương hiệu là thương hiệu phải không bị trùng và tương tự đến mức gây nhầm lẫn với thương hiệu của người khác. Các bạn có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký thương hiệu để kiểm tra xem thương hiệu dự định đăng ký có bị trùng hay tương tự với ai không. Tuy nhiên, để có thể đánh giá được khả năng bảo hộ của thương hiệu dự định đăng ký thì cần phải có chuyên môn cao và có kinh nghiệm thực tiễn thì mới có thể đánh giá được tổng thể nhãn hiệu. Do đó, chúng tôi khuyên các bạn nên tìm Luật sư nhãn hiệu ở Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp để được hỗ trợ tốt nhất.

Thứ hai, tên thương hiệu phải có ít nhất một yếu tố tạo được tính phân biệt, thường là tên riêng hay từ tự tạo độc đáo nào đó. Nhiều Anh chị sử dụng các từ ngữ tên gọi đơn giản như “Điện máy Sài Gòn”, “Cơm Gà Xối Mỡ”, “Phở Ngon”, “New Fashion”… để làm thương hiệu, những tên gọi này sẽ bị coi là yếu tố mô tả về hàng hoá, chủng loại, chất lượng, đặc tính… nên không được độc quyền, do đó sẽ bị từ chối.

Thứ ba, cần chú ý theo dõi tình trạng hồ sơ: Như các bạn có thể thấy là thời gian để theo đuổi đơn đăng ký nhãn hiệu đến khi có kết quả kéo dài rất lâu. Trong quá trình xử lý đơn, phía Cục SHTT thường sẽ có các Thông báo/quyết định và ấn định thời hạn để người nộp đơn trả lời. Nếu không trả lời đúng hạn hoặc trả lời không thuyết phục thì Cục SHTT sẽ từ chối hồ sơ đăng ký. Chính vì vậy, khi tiến hành đăng ký, các bạn phải thường xuyên theo dõi hồ sơ đăng ký để kịp thời xử lý nếu có bất kỳ vấn đề gì phát sinh hoặc có thể uỷ quyền cho Luật sư ở các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để theo dõi.

Vâng xin cảm ơn những chia sẻ rất chi tiết và hữu ích của Luật sư.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về Hướng dẫn thủ tục đăng ký thương hiệu mới nhất năm 2024. Nếu bạn có vướng mắc trong quá trình đăng ký bảo hộ thương hiệu hay bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580

Email: info@cis.vnsohuutritue@cis.vn