Công ty Luật CIS tham dự Hội thảo “Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành” do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở khoa học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức

Nhận được lời mời của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (“Sở KH & CN”), ngày 15/11/2023, đại diện Công ty Luật Bản Quyền Quốc Tế (CIS Law Firm) đã tham dự Hội thảo “Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành” do Cục Sở hữu trí tuệ và Sở khoa học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo tại TP.HCM là hội thảo đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi các Hội thảo “Phổ biến các văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ mới ban hành”, theo kế hoạch sẽ diễn ra lần lượt tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và TP. Hà Nội với mục đích tuyên truyền, phổ biến các quy định về việc bảo hộ và thực thi quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp có trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (có hiệu lực từ 01/01/2023) và Nghị định số 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ  quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (có hiệu lực từ 23/08/2023) đến các nhóm đối tượng có liên quan để các quy định mới này có thể đi vào thực tiễn đời sống, thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và tạo ra hành lang pháp lý vững chắc trong việc bảo hộ, thực thi và khai thác giá trị thương mại hiệu quả đối với các tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Chính vì mục tiêu này, Hội thảo quy tụ đông đảo sự góp mặt của các diễn giả từ Phòng Pháp chế chính sách – Cục Sở hữu trí tuệ và các đại biểu đến từ: Sở KH & CN TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, các chuyên gia đến từ các Trường Đại học, viện/trung tâm nghiên cứu; đại diện Tòa án nhân dân, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ (cơ quan hải quan, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành); Văn phòng Cục bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh; các Công ty Luật, Đại diện sở hữu công nghiệp và các doanh nghiệp/hiệp hội.

nguyen-van-bay-pho-cuc-truong-cuc-shtt
Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc

Chương trình Hội thảo diễn ra đan xen với nội dung trình bày của diễn giả và các phiên tranh luận. Các chuyên đề xoay quanh điểm mới của pháp luật về bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và những điểm mới của pháp luật về khiếu nại, giải quyết khiếu nại liên quan đến thủ tục về sở hữu công nghiệp và các vấn đề liên quan đến tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, các nội dung trên lần lượt được trình bày bởi các chuyên gia đến từ Cục Sở hữu trí tuệ. Các diễn giả tập trung nhấn mạnh về những điểm mới nhằm giải quyết các bất cập tồn tại trong quy định cũ, cũng như các quy định mới được nội Luật hóa nhằm thi hành các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ như CPTPP và EVFTA đối với việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu nổi tiếng, xử lý các đơn quốc tế có chỉ định bảo hộ tại Việt Nam theo Hiệp ước PCT về sáng chế, Thỏa ước Lahay về kiểu dáng công nghiệp và Thỏa ước Madrid & Nghị định thư Madrid về nhãn hiệu, …

Một số hình ảnh của Hội thảo

hoi-thao-pho-bien-van-ban-phap-luat-so-huu-tri-tue

Các đại biểu tham dự đặc biệt quan tâm nêu ý kiến và tranh luận với diễn giả về cách thức và thủ tục tạm dừng thẩm định để vượt qua đối chứng trong đăng ký nhãn hiệu; về kiểm soát an ninh đối với sáng chế; về ý kiến người thứ ba và thủ tục phản đối đơn; về thủ tục liên quan đến văn bằng bảo hộ; về việc xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; về giám định sở hữu trí tuệ…

Trao đổi về vấn đề tồn đọng khi xử lý đơn đăng ký về sở hữu công nghiệp, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết sắp tới đây, Thông tư thay thế thông tư 01/2007/TT-BKHCN sẽ sớm được ban hành để hướng dẫn chi tiết Nghị định 65/2023/NĐ-CP, làm cơ sở áp dụng thống nhất quy định pháp luật; Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang khẩn trương hoàn thiện các Quy chế thẩm định các đối tượng sở hữu công nghiệp cho phù hợp với các quy định mới ban hành và thực hiện có hiệu quả các biện pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn, giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký. Đặc biệt, đối với nhãn hiệu, theo Quyết định số 1057/QĐ-SHTT về việc công khai thông tin đơn đăng ký nhãn hiệu trên Thư viện số về sở hữu công nghiệp (WIPO Publish), theo đó đơn đăng ký nhãn hiệu chưa được chấp nhận hợp lệ sẽ được công khai thông tin ngay sau khi được tiếp nhận trên “Thư viện số về sở hữu công nghiệp (WIPO Publish)” nhằm đáp ứng các cam kết trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đồng thời tạo điều kiện giúp công chúng tiếp cận tốt hơn thông tin về sở hữu công nghiệp do nhà nước quản lý. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

Trên đây là nội dung tóm tắt về buổi Hội thảo.

CIS Law Firm luôn tự hào là cầu nối thân thiện giữa cơ quan nhà nước và khách hàng trong việc xác lập, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Để biết thêm thông tin về Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp của Công ty Luật CIS, bạn có thể tham khảo bài viết:

Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp của Công ty Luật CIS

hoặc liên hệ trực tiếp với Luật sư Sở hữu trí tuệ của chúng tôi theo thông tin liên hệ dưới đây:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581

Email: info@cis.vn