Hướng dẫn đăng ký thương hiệu ở nước ngoài mới nhất 2024

Đăng ký bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài là một biện pháp chủ động giúp nhà kinh doanh bảo vệ thương hiệu khi đưa hàng hóa, mở rộng cung ứng dịch vụ của mình ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, việc đăng ký thương hiệu ở nước ngoài không giống như đăng ký thương hiệu tại Việt Nam. Vậy, chúng ta cần chuẩn bị những gì và thực hiện như thế nào?

Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật CIS sẽ cung cấp thông tin Hướng dẫn đăng ký thương hiệu ở nước ngoài mới nhất 2024, mời bạn đọc cùng theo dõi.

1. Thương hiệu là gì?

Thương hiệu (brand) là tổng hợp những gì tồn tại trong tâm trí của khách hàng về một về một sản phẩm, dịch vụ, hay về một doanh nghiệp, công ty nào đó. Khi nhắc đến thương hiệu, khách hàng sẽ hình dung ra một bức tranh phong phú về logo, tên nhãn hàng (nhãn hiệu), thiết kế cửa hàng, đồng phục nhân viên, bao bì sản phẩm cũng như danh tiếng, uy tín, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, v.v… của cá nhân, doanh nghiệp đó.

Ví dụ như: Khi nhắc đến Starbucks, điều mà chúng ta liên tưởng ngay chính là logo hình cô gái tóc dài với màu xanh lá cây đặc trưng, chuỗi thương hiệu cà phê nổi tiếng toàn cầu, những quán cà phê luôn được đặt ở vị trí đẹp và đắc địa, người uống Starbucks luôn được xem là những người sành điệu và có thu nhập khá, v.v…

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi muốn đề cập thương hiệu ở một góc độ hẹp hơn, phù hợp với chủ đề của bài viết “đăng ký thương hiệu ở nước ngoài”, theo đó, thương hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc, có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Hiểu theo khía cạnh này, thương hiệu đồng nghĩa với thuật ngữ nhãn hiệu, được sử dụng trong Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và rất nhiều nước trên thế giới. Như vậy, nếu bài viết này sử dụng thuật ngữ “thương hiệu” thì thuật ngữ đó cũng đồng nghĩa với “nhãn hiệu”.

dang-ky-thuong-hieu-o-nuoc-ngoai

2. Đăng ký thương hiệu ở nước ngoài là gì?

Đăng ký thương hiệu ở nước ngoài là việc thực hiện các thủ tục pháp lý, theo quy định của pháp luật nước ngoài, để yêu cầu được bảo hộ thương hiệu ở nước đó.

Mục đích của việc đăng ký thương hiệu ở nước ngoài là được nước ngoài công nhận thương hiệu đó thuộc sở hữu của mình, theo đó, được độc quyền sử dụng thương hiệu trong phạm vi lãnh thổ đăng ký, đồng thời được quyền ngăn cấm người khác sử dụng trái phép thương hiệu của mình tại những nước đó.

Lý do cần đăng ký thương hiệu ở nước ngoài, vì:

– Thương hiệu chỉ được bảo hộ khi được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền;

– Bảo hộ thương hiệu mang tính lãnh thổ, nghĩa là đăng ký ở quốc gia nào thì chỉ được bảo hộ ở quốc gia đó.

Điều này có nghĩa, thương hiệu muốn được bảo hộ ở nước ngoài thì phải làm thủ tục đăng ký thương hiệu ở nước ngoài.

Như vậy, đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài là việc chúng ta thực hiện các thủ tục pháp lý để đăng ký xin bảo hộ nhãn hiệu của mình tại một hoặc nhiều nước trên thế giới để được cấp bằng độc quyền đối với nhãn hiệu.

Bằng độc quyền nhãn hiệu (Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu) cho phép chủ sở hữu nắm độc quyền sử dụng, cho phép một bên khác sử dụng hoặc ngăn cấm không cho người khác lợi dụng uy tín, sử dụng trái phép nhãn hiệu của mình nhằm thu lợi bất chính.

3. Tại sao cần đăng ký thương hiệu ở nước ngoài?

Ai cũng có thể đặt tên, thiết kế logo, slogan và sử dụng những dấu hiệu đó gắn lên hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp, để nhận diện cho thương hiệu của mình. Nhưng không phải ai cũng được Nhà nước bảo hộ độc quyền đối với những dấu hiệu đó.

Một thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam không mặc nhiên được bảo hộ ở những nước khác trên thế giới, vì việc độc quyền chỉ trong lãnh thổ Việt Nam. Nếu chúng ta muốn được bảo hộ thêm ở nhiều nước khác như: Anh, Pháp, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan,… thì chúng ta bắt buộc phải đăng ký thương hiệu tại những nước này. Mỗi nước sẽ có những Luật, những quy định khác nhau và quy trình, điều kiện đăng ký cũng không giống nhau.

Nếu chúng ta đang ấp ủ dự định mở rộng kinh doanh đa quốc gia, hoặc có đối tác làm ăn nước ngoài thì việc đăng ký thương hiệu ở nước ngoài là vô cùng cần thiết. đăng ký thương hiệu ở nước ngoài là công việc rất đáng để đầu tư từ sớm vì nó mang đến nhiều lợi ích như:

– Giúp nhà kinh doanh có được vị thế độc quyền thương hiệu trên thị trường;

– Giúp nhà kinh doanh có được sự bảo vệ về pháp lý để chống lại các hành vi “đánh cắp” thương hiệu, làm nhái, làm giả sản phẩm trên thị trường. Với tư cách là chủ sở hữu thương hiệu độc quyền, nhà kinh doanh có quyền khai thác giá trị thương mại và tiềm năng từ chính thương hiệu mình đang độc quyền bằng cách chuyển nhượng lại, nhượng quyền kinh doanh (cấp li-xăng) tại những nước đã đăng ký và được bảo hộ độc quyền;

– Giúp nhà kinh doanh an tâm hơn về việc xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ tại thị trường nước ngoài mà không lo lắng về việc vô tình xâm phạm thương hiệu của người khác tại thị trường những nước này.

Việc không quan tâm đăng ký bảo hộ thương hiệu tiềm ẩn nhiều nguy cơ “mất trắng” thương hiệu, hoặc phải mất một số tiền không hề nhỏ để thương lượng, thậm chí đấu tranh pháp lý dài hơi để lấy lại thương hiệu từ nước ngoài. Một số bài học kinh điển cho câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” này chính là câu chuyện của võng xếp Duy Lợi, cà phê Trung Nguyên, siêu thị bán lẻ Co.opmart, v.v…

dihc-vu-lam-the-apec

4. Cách thức đăng ký thương hiệu ở nước ngoài năm 2024

Có hai cách đăng ký thương hiệu ở nước ngoài là: (1) đăng ký trực tiếp và (2) đăng ký gián tiếp qua hệ thống Madrid, cụ thể:

Cách 1: Đăng ký trực tiếp

Đăng ký trực tiếp là việc đăng ký nhãn hiệu tại một nước cụ thể thông qua Đại diện nhãn hiệu hoặc Luật sư địa phương của nước đó.

Cách này thường được nhà kinh doanh lựa chọn khi:

– Không thể đăng ký tập trung qua hệ thống Madrid vì nước muốn đăng ký không phải thành viên của hệ thống này;

– Nước đăng ký là thành viên thuộc hệ thống Madrid nhưng muốn nộp đơn trực tiếp do có cơ sở kinh doanh/Luật sư tư vấn thường xuyên tại nước đó;

– Số lượng nước đăng ký ít.

Cách 2: Đăng ký gián tiếp thông qua hệ thống Madrid

Đăng ký gián tiếp thông qua hệ thống Madrid là việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại một hoặc nhiều nước là thành viên của hệ thống này thông qua 01 đơn đăng ký duy nhất nộp cho Văn phòng quốc tế thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Văn phòng Quốc tế sau khi tiếp nhận đơn từ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ là đầu mối quản lý đơn đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài của chúng ta bằng cách chuyển thông tin đăng ký cho cơ quan đăng ký nhãn hiệu ở các nước mà chúng ta chỉ định trong đơn và nhận kết quả được cấp bảo hộ hoặc từ chối cấp từ các cơ quan này.

Theo cập nhật gần nhất của WIPO, hệ thống Madrid có khoảng 114 nước/vùng lành thổ là thành viên trải dài khắp các châu lục trên thế giới. Nhà kinh doanh thường lựa chọn đăng ký thương hiệu ở nước ngoài qua cách này vì nó giúp họ tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí so với đăng ký trực tiếp tại từng nước.

5. Hồ sơ đăng ký thương hiệu ở nước ngoài

Tùy vào cách thức đăng ký mà chúng ta lựa chọn là Cách 1 hay Cách 2 mà thành phần bộ hồ sơ đăng ký thương hiệu ở nước ngoài cũng sẽ khác nhau.

Cách 1: Đăng ký trực tiếp

Hồ sơ đăng ký trực tiếp tại các nước sẽ theo quy định của nước đó và thường sẽ được Đại diện nhãn hiệu hoặc Luật sư địa phương hướng dẫn chi tiết với thành phần tài liệu không giống nhau.

Do đó, trong bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ hướng dẫn bạn đọc chuẩn bị hồ sơ đăng ký qua hệ thống Madrid.

Cách 2:  Đăng ký gián tiếp qua hệ thống Madrid

Hồ sơ đăng ký qua hệ thống Madrid bao gồm các tài liệu sau đây:

– Tờ khai đăng ký nhãn hiệu quốc tế có nguồn gốc Việt Nam;

– Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu;

– Mẫu nhãn hiệu đã đăng ký tại Việt Nam;

– Danh mục hàng hoá, dịch vụ đăng ký;

– Bản sao tờ khai đăng ký nhãn hiệu đã nộp tại Việt Nam nếu nhãn hiệu chưa được cấp Văn bằng bảo hộ (áp dụng đối với nước đăng ký là thành viên của Nghị định thư Madrid);

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam nếu nhãn hiệu đã được cấp Văn bằng bảo hộ (áp dụng đối với nước đăng ký là thành viên của Thoả ước Madrid);

– Tên các nước cần bảo hộ nhãn hiệu;

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam (nếu đơn nộp theo Thỏa ước Madrid);

– Bản sao đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam (nếu đơn nộp theo Nghị định thư Madrid);

– Tờ khai MM8 nếu đăng ký bảo hộ tại Hoa Kỳ;

– Tuyên bố sử dụng hoặc dự định sử dụng nhãn hiệu tại nước yêu cầu bảo hộ (nếu có nước đó có yêu cầu);

– Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);

– Bản sao chứng từ nộp phí/lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính).

Tải về biểu mẫu hồ sơ tại đây.

6. Những lưu ý khi đăng ký thương hiệu ở nước ngoài?

Đăng ký thương hiệu ở nước ngoài là thủ tục vô cùng phức tạp, do đó, bạn đọc cần lưu ý một số nội dung quan trọng sau đây:

Thứ nhất, không có thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu toàn cầu. Chúng ta đăng ký bảo hộ ở nước nào thì sẽ được xem xét cấp độc quyền tại nước đó và không mặc nhiên được bảo hộ ở những nước không đăng ký;

Thứ hai, Luật nhãn hiệu ở mỗi nước là khác nhau, một nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam sẽ không mặc nhiên được bảo hộ ở các nước khác và có thể bị từ chối nếu không đáp ứng điều kiện độc quyền do nước đó quy định;

Thứ ba, đa số các nước trên thế giới áp dụng nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” để cấp độc quyền cho nhãn hiệu, nghĩa là ưu tiên ai nộp đơn sớm hơn, tuy nhiên vẫn có một số nước cấp độc quyền trên cơ sở “sử dụng đầu tiên”, nghĩa là ưu tiên ai sử dụng sớm hơn, ví dụ như: Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, v.v… Điển hình là Hoa Kỳ yêu cầu phải có Tuyên bố dự định sử dụng nhãn hiệu (intend to use).

Thứ tư, một số nước chia nhỏ chi phí đăng ký ra thành hai đợt, hiện nay có Brazil và Cuba đang áp dụng hình thức này, chúng ta cần theo dõi tiến độ và nộp phí đúng hạn để tránh trường hợp hồ sơ đã đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng bị từ chối vì không nộp đủ phí.

Thứ năm, thời gian xem xét cấp độc quyền của các nước thường kéo dài khá lâu, khoảng từ 12 – 18 tháng. Trong suốt khoảng thời gian này, chúng ta phải theo dõi thường xuyên các thông báo cập nhật từ Văn phòng quốc tế của WIPO, nếu không, chúng ta có thể bỏ lỡ, không trả lời đúng hạn các thông báo tạm thời từ chối và hồ sơ đăng ký tại nước đó sẽ đóng lại hoàn toàn.

Tuy nhiên, tất cả các vấn đề trên sẽ được giải quyết nếu ngay từ ban đầu, chúng ta liên hệ một Tổ chức chuyên nghiệp có kinh nghiệm đăng ký thương hiệu ở nước ngoài như Công ty Luật CIS thì chúng tôi sẽ thay bạn lưu ý những việc này để hồ sơ đăng ký thương hiệu ở nước ngoài được chỉn chu và hợp lệ.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

7. Dịch vụ đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài năm 2024 của Công ty Luật CIS

Công ty Luật Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm)Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Luật sư và chuyên viên của chúng tôi đã được đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn đọc:

– Tra cứu thông tin liên quan đến thương hiệu ở nước ngoài;

– Tư vấn hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài;

– Tiến hành các thủ tục phản đối, khiếu nại và hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài;

– Gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài;

– Ghi nhận những thay đổi liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu ở nước ngoài;

– Tư vấn đăng ký chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu ở nước ngoài;

– Quản lý hồ sơ đăng ký thương hiệu ở nước ngoài đến khi có kết quả cuối cùng, chủ động cập nhật tình trạng xử lý hồ sơ và kịp thời phúc đáp ý kiến của Cơ quan đăng ký.

Trên đây là những thông tin liên quan đến Hướng dẫn đăng ký thương hiệu ở nước ngoài mới nhất 2024. Nếu bạn đang có những thắc mắc gì hoặc cần được tư vấn, vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028.3911.8580 – Hotline: 091.911.8580

Email: info@cis.vn