Lịch sử của thẻ căn cước – 06 lần thay đổi tên

Lịch sử của Thẻ Căn cước đồng hành với sự phát triển và thay đổi của đất nước. 06 lần thay đổi tên không chỉ là sự đổi mới trên giấy tờ, đó còn là những thay đổi trong việc quản lý thông tin của công dân.

Trong bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ cung cấp đến bạn thông tin về Lịch sử của Thẻ Căn cước – 06 lần thay đổi tên.

1. 06 lần thay đổi của thẻ Căn cước

Chứng minh thư nhân dân đầu tiên được cấp vào năm 1957 đến nay đã qua 6 lần thay đổi.

Năm 1957, Giấy chứng minh được cấp cho các công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên ở thành phố, thị xã, cán bộ, công nhân viên và nhân dân ở những vùng kinh tế, quốc phòng quan trọng. Giấy chứng minh thư nhân dân đầu tiên là 9 số, thời hạn 5 năm.

Năm 1964, bổ sung thêm “Giấy chứng nhận căn cước” cho những người từ 14 đến 17 bên cạnh Giấy chứng minh.

Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, giấy chứng minh nhân dân được sử dụng thống nhất trong cả nước.

Từ năm 1999, giấy chứng minh nhân dân được thay thế bằng chứng minh nhân dân

mau-giay-chung-minh-nhan-dan
Mẫu Giấy Chứng minh nhân dân quy định từ năm 1999

Năm 2012, Bộ Công an áp dụng cấp Chứng minh nhân dân theo công nghệ mới, kích thước nhỏ gọn, khó làm giả. Đây là năm đầu tiên Chứng minh nhân dân có 12 chữ số (thay vì 9 số như mẫu cũ), ảnh của công dân lần đầu được in trực tiếp trên thẻ, có mã vạch 2 chiều.

mau-chung-minh-co-in-ten-cha-me
Mẫu chứng minh thư 12 số năm 2012 có in họ tên cha mẹ

Năm 2016, theo Luật Căn cước công dân, Bộ Công an lần đầu cấp Thẻ Căn cước công dân thay cho Chứng minh nhân dân. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng công nghệ in trên vật liệu nhựa cứng, có lớp tem chống làm giả và trên thẻ được in mã số định danh cá nhân 12 số.

the-can-cuoc-ma-vach-dien-tu
Thẻ Căn cước công dân mã vạch điện tử năm 2016

Từ 01/1/2021, Thẻ Căn cước công dân gắn chip chính thức ra đời có kích thước, hình dáng được giữ nguyên so với thẻ mã vạch. Mặt trước thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên các thông tin gồm: họ tên, quê quán, nơi thường trú và bổ sung thêm biểu tượng chip, mã QR, tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt.

can-cuoc-cong-dan-gan-chip-truoc
Mẫu Căn cước công dân gắn chip

Từ 01/7/2024, thẻ Căn cước công dân đổi thành thẻ Căn cước.

2. 05 loại giấy tờ căn cước còn hiệu lực

2.1. Với các loại Chứng minh nhân dân

Theo quy định của Luật Căn cước, Chứng minh nhân dân còn hạn thì sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Riêng Chứng minh nhân dân đã hết hạn từ 15/01/2024 đến trước 30/6/2024 thì tiếp tục được dùng hết ngày 30/6/2024.

Như vậy, tất cả các loại Chứng minh nhân dân (bao gồm cả loại 9 số và loại 12 số) thì chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024. Từ năm 2025, công dân không được sử dụng Chứng minh nhân dân để giao dịch hoặc làm các thủ tục hành chính khác.

2.2. Với các loại Căn cước công dân

Cũng theo quy định tại Luật Căn cước, với Căn cước công dân dù là mã vạch hay gắn chip được cấp trước ngày 01/7/2024 được dùng đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Nếu có nhu cầu đổi sang thẻ Căn cước thì có thể làm thủ tục cấp đổi sang thẻ Căn cước.

Tuy nhiên, cũng giống như Chứng minh nhân dân, nếu thẻ Căn cước công dân hết hạn từ 15/01/2024 đến trước 30/6/2024 thì tiếp tục được dùng hết ngày 30/6/2024.

Lưu ý: Thẻ Căn cước công dân có giá trị như thẻ Căn cước tại Luật Căn cước và công dân không cần phải thực hiện các thủ tục để thay đổi, điều chỉnh thông tin về số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Như vậy, các quy định này áp dụng chung cho thẻ Căn cước công dân trong đó bao gồm cả thẻ Căn cước công dân gắn chip và thẻ Căn cước công dân mã vạch.

2.3. Thẻ Căn cước

Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

Các trường thông tin in trên thẻ căn cước của công dân Việt Nam, gồm:

Ảnh khuôn mặt, số định danh cá nhân, họ chữ đệm và tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú…

Thẻ Căn cước sẽ được chính thức đưa vào sử dụng từ 01/7/2024 khi Luật Căn cước có hiệu lực.

Như vậy, người dân được sử dụng 05 loại giấy tờ gồm Chứng minh nhân dân (9 số và 12 số), Căn cước công dân (mã vạch và gắn chip) và thẻ Căn cước (được sử dụng từ 01/7/2024). Sang năm 2025, người dân chỉ còn được sử dụng thẻ Căn cước công dân (mã vạch và gắn chip) cho đến hết hạn sử dụng trên thẻ cùng với thẻ Căn cước.

dich-vu-lam-the-apec

3. Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước

Luật Căn cước 2023 quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước như sau:

– Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.

– Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

– Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.

Trên đây là những thông tin về lịch sử của Thẻ Căn cước.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028.3911.8581 – 028.3911.8582 – Hotline: 0916.568.101

Email: info@cis.vn