Không đổi sang thẻ căn cước sẽ bị phạt từ 01/07/2024?

Luật Căn cước được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là một bước đột phá trong việc đổi mới để phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Bên cạnh những thay đổi đáng kể, góp phần đảm bảo quyền con người và quyền công dân cũng như những cải thiện tích cực trong công tác quản lý Nhà nước, người dân cần đặc biệt lưu ý đến các điểm thay đổi liên quan đến trường hợp cấp đổi thẻ, thủ tục cấp đổi thẻ, tránh trường hợp vi phạm quy định pháp luật. Bài viết dưới đây của Công ty Luật CIS sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin liên quan đến việc không đổi sang thẻ Căn cước sẽ bị phạt từ 01/07/2024?

1. Thẻ Căn cước là gì?

Theo quy định tại Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024) thì tên gọi thẻ Căn cước công dân sẽ được đổi thành thẻ Căn cước.

Tại khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước 2024, thẻ Căn cước được định nghĩa như sau:

Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

Như vậy, thẻ căn cước chứa đựng các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người cùng một số thông tin khác được tích hợp vào cơ sở dữ liệu căn cước quốc gia.

doi-sang-cccd-truoc-ngay-01-07-2024

2. Thẻ Căn cước cấp cho ai?

Theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước 2023, đối tượng cấp thẻ được quy định cụ thể như sau:

Điều 19. Người được cấp thẻ căn cước

1./ Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

2./ Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

3./ Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Như vậy, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Ngoài ra, Luật Căn cước mở rộng đối tượng áp dụng, ngoài áp dụng với công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước. Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại cấp xã, cấp huyện (nếu không có đơn vị hành chính cấp xã) từ 06 tháng trở lên.

Trong đó, về giấy chứng nhận căn cước, Luật Căn cước quy định như sau:

Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước 2024.

3. Thẻ Căn cước sử dụng như thế nào?

Theo Luật Căn cước 2023, giá trị sử dụng thẻ Căn cước được quy định như sau:

– Thẻ căn cước dùng thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, bao gồm cả việc thay thế cho các giấy tờ đã được tích hợp thông tin thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác như thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe…

– Sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

Bên cạnh đó, từ ngày 01/07/2024 mỗi công dân có 01 căn cước điện tử và đây là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an tạo lập. Các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công được thực hiện trên môi trường điện tử phải sử dụng thẻ căn cước điện tử.

Như vậy, thẻ Căn cước được sử dụng trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ Căn cước đồng thời có giá trị cung cấp các thông tin về các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử khi cơ quan có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch cần cung cấp những thông tin này.

dich-vu-lam-the-apec

4. Các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước từ 01/07/2024?

Theo khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2024 quy định về các trường hợp cấp đổi thẻ Căn cước bao gồm:

– Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi;

– Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;

– Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;

– Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;

– Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;

– Xác lập lại số định danh cá nhân;

– Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.

Đồng thời, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước 2024, trường hợp thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được sẽ thuộc trường hợp cấp lại thay vì cấp đổi như theo quy định Luật Căn cước công dân 2014. Theo đó, các trường hợp cấp lại thẻ Căn cước bao gồm:

–  Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật này;

– Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.

5. Đang dùng CMND, CCCD có phải đổi sang thẻ Căn cước không?

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sau khi Luật Căn cước được Quốc hội thông qua, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng.

Theo đó, tại Điều 46 Luật Căn cước quy định về giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân và thẻ căn cước công dân được quy định cụ thể như sau:

Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

Như vậy, người dân đang dùng chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân không bắt buộc phải đổi sang thẻ Căn cước, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà giá trị của chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng như sau:

– Trường hợp thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 vẫn sẽ được tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024 mà không cần phải làm thủ tục cấp đổi sang căn cước.

– Thẻ Căn cước công dân nếu không thuộc trường hợp nêu trên thì được sử dụng đến hết thời hạn của thẻ.

– Mọi chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 chỉ được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024 dù còn hạn sử dụng hay hết hạn sử dụng.

Lưu ý: Mọi chứng minh nhân dân đều phải thực hiện đổi sang thẻ Căn cước từ ngày 01/01/2025.

doi-sang-cccd-truoc-ngay-01-07-2024

6. Không đi đổi sang thẻ Căn cước từ 01/7/2024 thì bị phạt thế nào?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, công dân không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD (trường hợp phải đổi, cấp lại thẻ CCCD mà không thực hiện) thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Như vậy, với những công dân không đổi sang thẻ Căn cước theo đúng quy định pháp luật về việc cấp đổi thẻ sẽ bị xử phạt đến 500.000 đồng.

Trên đây là những thông tin liên quan đến việc không đổi sang thẻ Căn cước sẽ bị phạt từ 01/07/2024.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580

Email: info@cis.vn