Người dân sẽ được cấp căn cước điện tử từ 01/7/2024

Ngày nay với nhịp sống nhanh và tối giản, người dân thường có xu hướng tích hợp mọi thứ vào điện thoại cá nhân. Nắm bắt xu hướng số hóa và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Luật Căn cước sau khi được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định mới về Căn cước điện tử. Nếu như bạn đọc đang quan tâm về căn cước điện tử thì bài viết dưới đây của Công ty Luật CIS sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.

Mời bạn đọc theo dõi bài viết Người dân sẽ được cấp Căn cước điện tử từ 01/7/2024 dưới đây!

1. Căn cước điện tử là gì?

Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập (Khoản 17 Điều 3 Luật Căn cước năm 2023).

Hiểu đơn giản, căn cước điện tử chính là tài khoản định danh điện tử được cấp và sử dụng trên ứng VneID của Bộ Công an.

nguoi-dan-se-duoc-cap-cccd-dien-tu-1-7-2024

2. Sử dụng Căn cước điện tử thế nào?

Theo Khoản 1 Điều 33 Luật Căn cước năm 2023 thì căn cước điện tử có giá trị sử dụng như sau:

Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Như vậy, căn cước điện tử giống như căn cước bản mềm được số hoá, tích hợp vào ứng dụng VneID để chúng ta có thể sử dụng được trên thiết bị điện tử (như điện thoại, máy tính bảng, v.v…), ngoài việc có giá trị chứng minh về căn cước (thông tin về số định danh cá nhân; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh chụp chân dung, thông tin sinh trắc học) và các thông tin khác được tích hợp vào như giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, v.v…), căn cước điện tử được sử dụng giống như căn cước công dân gắn chip, cụ thể:

– Dùng để thực hiện các dịch vụ công có yêu cầu thông tin về căn cước;

– Dùng để xuất trình khi được người có thẩm quyền yêu cầu;

– Dùng để chia sẻ thông tin khi đăng ký tài khoản ngân hàng, viễn thông (sim, internet, v.v…), điện, nước…

– Sử dụng thay thế căn cước công dân bản cứng để đi máy bay và nhiều lợi ích khác…

Để sử dụng căn cước điện tử, chúng ta sẽ phải đăng nhập vào tài khoản định danh điện tử của mình trên ứng dụng VneID. Chi tiết về thủ tục cấp Căn cước điện tử, bạn đọc hãy theo dõi Mục 3 dưới đây.

dich-vu-lam-the-apec

3. Thủ tục cấp Căn cước điện tử

Thủ tục cấp Căn cước điện tử từ 01/07/2024 dự kiến sẽ không có nhiều khác biệt so với việc đăng ký tài khoản định danh điện tử trước đây. Vì hiện tại, Luật Căn cước mới vẫn chưa có văn bản hướng dẫn từ Chính phủ về trình tự, thủ tục cấp Căn cước điện tử, do đó, bạn đọc có thể tham khảo cách đăng ký tài khoản định danh điện tử hiện nay như sau:

∗ Đăng ký tài khoản định danh điện tử Mức 1

Bước 1: Sau khi được cấp Căn cước công dân gắn chip, chúng ta tải ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia (VneID).

Bước 2: Chúng ta nhập thông tin cá nhân vào các trường thông tin gồm:

– Số định danh cá nhân (12 số trên thẻ CCCD gắn chip); Số hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương;

– Số điện thoại, email;

– Họ và tên khai sinh;

– Giới tính;

– Ngày, tháng, năm sinh;

– Quốc tịch (nếu là người nước ngoài).

Nếu thông tin kê khai trùng khớp với thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia thì ứng dụng sẽ gửi yêu cầu kích hoạt tài khoản qua số điện thoại hoặc email đã đăng ký. Chúng ta thực hiện kích hoạt theo yêu cầu và xác thực điện tử.

Kết quả phê duyệt tài khoản sẽ được gửi qua tin nhắn SMS, chúng ta vào ứng dụng, kích hoạt và sử dụng.

∗ Đăng ký tài khoản định danh điện tử Mức 2

Bước 1: Chúng ta đến cơ quan Công an cấp xã nơi cư trú hoặc nơi đã cấp thẻ CCCD gắn chip cho mình trước đó để đăng ký tài khoản định danh điện tử Mức 2. Thông tin đăng ký bao gồm số điện thoại, email.

Bước 2: Cán bộ thực hiện hồ sơ nhập thông tin của chúng ta vào hệ thống và tiến hành xác thực, thu thập thông tin sinh trắc học và chụp ảnh chân dung.

Bước 3: Chúng ta kiểm tra, đối chiếu thông tin và ký xác nhận trên phiếu đăng ký, phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân để xác nhận đồng ý đăng ký định danh điện tử Mức 2.

Bước 4: Cơ quan quản lý định danh điện tử sẽ thông báo kết quả đăng ký qua SMS/email đã cung cấp hoặc qua ứng dụng VneID.

Công ty Luật CIS sẽ nhanh chóng cập nhật đến bạn đọc thủ tục đăng ký căn cước điện tử khi có văn bản hướng dẫn chi tiết.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

4. Các trường hợp căn cước điện tử bị khóa

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Căn cước năm 2023 thì Căn cước điện tử sẽ bị khoá trong các trường hợp sau đây:

– Người được cấp Căn cước điện tử yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử của mình;

– Người được cấp vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng VneID;

– Công dân bị giữ, thu hồi thẻ Căn cước công dân;

– Người được cấp chết;

– Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, ngoài những trường hợp đặc biệt buộc phải khoá căn cước điện tử như: người được cấp chết hoặc bị khoá vì bị giữ, thu hồi thẻ Căn cước công dân hoặc vi phạm thoả thuận sử dụng ứng dụng VneID thì chúng ta có quyền chủ động yêu cầu cơ quan quản lý căn cước khoá tài khoản định danh điện tử của mình.

Trước khi bị khoá Căn cước điện tử, chúng ta sẽ được cơ quan quản lý căn cước thông báo trước.

Trường hợp Căn cước điện tử bị khoá, bạn đọc có thể tham khảo thêm về các trường hợp mở khóa Căn cước điện tử theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Căn cước dưới đây:

– Khi người yêu cầu khoá căn cước điện tử yêu cầu mở khóa;

– Khi người được cấp căn cước điện tử đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;

– Khi người được cấp căn cước điện tử được trả lại thẻ căn cước trước đó bị giữ/thu hồi;

– Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền yêu cầu mở khóa.

Trên đây là các hướng dẫn chi tiết về Người dân sẽ được cấp Căn cước điện tử từ 01/7/2024.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101

Email: info@cis.vn