Tổng hợp 9 điểm mới của luật căn cước có hiệu lực từ 01/07/2024

Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân là một trong những giấy tờ tùy thân quan trọng của mỗi cá nhân. Và sắp tới đây, chúng ta sẽ có thêm một loại giấy tờ tùy thân mới là thẻ Căn cước theo quy định của Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 01/07/2024. Bên cạnh đó, nhiều quy định mới có liên quan đến thẻ Căn cước cũng khá nổi bật và được nhiều người quan tâm như: khai tử chứng minh nhân dân, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, bổ sung căn cước điện tử… cùng nhiều nội dung thay đổi khác so với Luật Căn cước công dân 2014.

Bài viết dưới đây của Công ty Luật CIS sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin về tổng hợp 9 điểm mới của Luật Căn cước 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.

1. Đổi tên thẻ Căn cước công dân thành Căn cước

Theo quy định mới tại Luật Căn cước 2023 thì tên gọi thẻ Căn cước công dân sẽ được đổi thành thẻ Căn cước.

Tại khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước 2023, thẻ Căn cước được định nghĩa như sau:

Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

Như vậy, thẻ căn cước chứa đựng các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người cùng một số thông tin khác được tích hợp vào cơ sở dữ liệu căn cước quốc gia như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Tên gọi mới của thẻ Căn cước được thay đổi để phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện các hoạt động trong môi trường số, xã hội số.

9-diem-moi-cua-uat-can-cuoc

2. Khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 01/01/2025

Theo quy định chuyển tiếp tại khoản 2 và khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước 2023, thông tin về giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân và thẻ căn cước công dân được quy định cụ thể như sau:

2./ Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

3./ Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

Từ quy định trên, thấy rằng:

– Trường hợp chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 vẫn sẽ được tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024 mà không cần phải làm thủ tục cấp đổi sang căn cước. Sau thời điểm 30/6/2024 thì bắt buộc phải đổi sang thẻ Căn cước.

– Trường hợp chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì chỉ được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Như vậy, mọi chứng minh nhân dân đều phải thực hiện đổi sang thẻ Căn cước từ ngày 01/01/2025.

3. Bỏ thông tin quê quán, vân tay trên thẻ Căn cước

Theo quy định tại Điều 18 Luật Căn cước 2023, các thông tin quê quán và vân tay trên thẻ Căn cước sẽ được lược bỏ trên thẻ Căn cước và những thông tin này sẽ được lưu giữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước.

Như vậy, những thông tin được thể hiện trên thẻ căn cước bao gồm:

– Ảnh khuôn mặt;

– Số định danh cá nhân

– Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

– Ngày, tháng, năm sinh;

– Giới tính;

– Nơi đăng ký khai sinh; thay vì “quê quán” so với Luật cũ

– Quốc tịch;

– Nơi cư trú; thay vì “nơi thường trú” so với Luật cũ

– Ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.

4. Bổ sung thông tin sinh trắc học và nhiều thông tin khác của công dân

Theo quy định tại Điều 15 Luật Căn cước quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước bao gồm:

Điều 15. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước

1./ Thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18, khoản 24 và khoản 25 Điều 9 của Luật này.

2./ Thông tin nhân dạng.

3./ Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

4./ Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.

5./ Trạng thái của căn cước điện tử. Trạng thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở khóa và các mức độ định danh điện tử.

dich-vu-lam-the-apec

Theo Điều 23 Luật Căn cước 2024 thì trong thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi và người từ đủ 14 tuổi trở lên có quy định về bước thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.

Như vậy, theo quy định mới, từ ngày 01/7/2024 sẽ bổ sung thu thập các thông tin sinh trắc học khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước để bổ sung vào thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước. Các thông tin này cũng được lưu trữ trên bộ phận lưu trữ thông tin trên thẻ Căn cước.

Các thông tin khác: ADN, giọng nói; nghề nghiệp cũng sẽ được tích hợp trong cơ sở dữ liệu căn cước. Trong đó, các thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói sẽ có 2 hình thức thu thập:

– Một là khi người dân tự nguyện cung cấp;

– Hai là từ việc chia sẻ dữ liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Một số thông tin khác được lưu trữ bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước còn lưu trữ gồm:

– Quê quán, Dân tộc, tôn giáo, nhóm máu, số chứng minh nhân dân 09 số, Họ, tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện…

– Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác.

quoc-hoi-thong-qua-luat-can-cuoc
Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước vào ngày 27/11/2023

5. Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi

Theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước 2024, đối tượng cấp thẻ được mở rộng hơn. Điểm mới đáng chú ý là ngay cả những đối tượng dưới 14 tuổi khi có nhu cầu sẽ được cấp thẻ Căn cước, cụ thể:

Điều 19. Người được cấp thẻ căn cước

1./ Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

2./ Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

3./ Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

6. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước

Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống.

Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì được cấp Giấy chứng nhận căn cước.

Giấy chứng nhận căn cước cũng ghi nhận một số thông tin cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính, dân tộc, tôn giáo, nơi ở hiện tại, thời hạn sử dụng,…

Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

7. Công dân sẽ có căn cước điện tử từ 01/7/2024

Một trong những điểm mới của Luật căn cước là bổ sung Căn cước điện tử. Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Theo đó, mỗi công dân Việt Nam sẽ được cấp 01 căn cước điện tử.

Căn cước điện tử có giá trị chứng minh như một căn cước và các thông tin khác đã được tích hợp, được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của mỗi người. Theo đó, căn cước điện tử bao gồm những thông tin sau đây:

– Thông tin về Căn cước như số định danh cá nhân, họ chữ đệm và tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, ảnh khuôn mặt, nơi thường trú…; thông tin nhân dạng; nghề nghiệp; Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.

– Thông tin được tích hợp: gồm Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp. Các thông tin này chỉ được tích hợp theo đề nghị của công dân và đã được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo đề nghị của công dân.

8. Rút ngắn thời gian cấp, cấp đổi thẻ Căn cước

Theo Điều 26 Luật Căn cước, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại Điều 25 Luật Căn cước công dân năm 2014, thời hạn được chia theo các trường hợp như sau:

– Tại thành phố, thị xã:

Cấp mới và cấp đổi: Không quá 07 ngày.

Cấp lại: Không quá 15 ngày làm việc.

– Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo: Thời gian thực hiện là không quá 20 ngày áp dụng cho tất cả các trường hợp.

– Tại các khu vực còn lại: Không quá 15 ngày cho tất cả các trường hợp.

Như vậy, thời gian cấp, cấp đổi thẻ Căn cước không còn chia theo từng vùng, từng trường hợp cụ thể và được rút ngắn trong mọi trường hợp thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của Luật Căn cước 2023 cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

9. Thêm trường hợp phải đổi thẻ Căn cước

Theo khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định về các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:

– Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi;

– Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;

– Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;

– Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;

– Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;

– Xác lập lại số định danh cá nhân;

– Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.

So với Luật Căn cước công dân 2014 thì Luật Căn cước 2023 bổ sung 04 trường hợp cấp đổi là: khi đủ 14 tuổi; chuyển đổi giới tính; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; xác lập lại số định danh cá nhân.

Đồng thời, hợp thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được sẽ thuộc trường hợp cấp lại thay vì cấp đổi như theo quy định Luật Căn cước công dân 2014.

Trên đây là những thông tin tổng hợp 09 điểm mới của Luật Căn cước 2024 có hiệu lực từ 01/07/2024.

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580

Email: info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn