[Dự thảo] Hướng dẫn đăng ký căn cước điện tử từ ngày 01/07/2024

Trong những năm gần đây, xu hướng tích hợp điện tử các loại giấy tờ cá nhân đang ngày càng phổ biến, ví dụ như tài khoản định danh điện tử, ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssID, sắp tới sẽ có căn cước điện tử.

Cụ thể, vừa qua Bộ Công An đã trình Chính Phủ Dự thảo nghị định Quy định về định danh và xác thực điện tử để hướng dẫn cụ thể hơn các quy định của Luật Căn cước 2023, đặc biệt trong dự thảo này sẽ có quy định cụ thể về thủ tục đăng ký căn cước điện tử.

Trong bài viết này Công ty Luật sẽ thông tin về căn cước điện tử và thủ tục cấp căn cước điện tử dự kiến.

1. Căn cước điện tử là gì?

Hiện nay, chúng ta đang sử dụng thẻ căn cước công dân bản cứng, tuy nhiên, theo Luật căn cước mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, mỗi công dân Việt Nam sẽ được cấp 01 căn cước điện tử. Vậy căn cước điện tử là gì?

Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Căn cước điện tử có các thông tin sau đây:

  • Số định danh cá nhân;
  • Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
  • Ngày, tháng, năm sinh;
  • Giới tính;
  • Ảnh khuôn mặt;
  • Vân tay;
  • Nơi sinh; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Nhóm máu;
  • Số chứng minh nhân dân 09 số;
  • Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp;
  • Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện;
  • Nơi thường trú;
  • Nơi tạm trú;
  • Nơi ở hiện tại;
  • Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử;
  • Thông tin nhân dạng;
  • Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.

Ngoài ra, nếu công dân có đề nghị thì một số thông tin khác có thể được tích hợp và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, gồm: thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.

2. Giá trị của căn cước điện tử

Theo quy định của luật căn cước mới, căn cước điện tử sẽ có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử.

Căn cước điện tử cũng có thể sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Ngoài ra, nếu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hoặc các giao dịch khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước bản cứng với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

3. Thủ tục cấp căn cước điện tử dự kiến như thế nào?

Theo dự thảo nghị định Quy định về định danh và xác thực điện tử, thủ tục cấp căn cước điện tử được chia ra 2 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Đối với công dân đã được cấp thẻ căn cước:

Bước 1: Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp căn cước điện tử.

Ở bước này, công dân cần xuất trình thẻ căn cước, cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao hoặc địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử.

Bước 2: Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận vân tay của công dân (chỉ thu nhận vân tay đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên) để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước. Sau đó, công dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập căn cước điện tử.

Bước 3: Cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin và thông báo kết quả đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân qua ứng dụng định danh quốc gia VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ email.

Lưu ý nếu công dân chưa đủ 14 tuổi thì người đại diện, người giám hộ đã có căn cước điện tử có thể đưa công dân chưa đủ 14 tuổi đến cơ quan Công an và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho con dưới 14 tuổi.

Thời gian cấp căn cước điện tử: không quá 03 ngày làm việc.

Trường hợp 2: Đối với công dân chưa được cấp thẻ căn cước:

Bước 1: Công dân đến cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước; cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao, địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử.

Bước 2: Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử. Sau đó, công dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.

Bước 3: Cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin và thông báo kết quả đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân qua ứng dụng định danh quốc gia VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ email.

Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký căn cước điện tử trong trường hợp công dân chưa được cấp thẻ căn cước là không quá 07 ngày làm việc.

Đối với người chưa đủ 14 tuổi, thì người giám hộ, người đại diện sẽ đi cùng người chưa đủ 14 tuổi đến công an để thực hiện thủ tục cấp căn cước điện tử.

Như vậy, việc triển khai cấp căn cước điện tử cũng rất tiện lợi, công dân có thể sử dụng trong các thủ tục hành chính, giao dịch công. Công ty Luật sẽ nhanh chóng cập nhật đến các bạn khi Nghị định này được thông qua.

♦ Link Youtube:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

Địa chỉ: 109 Hoàng Sa, Phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582 – Hotline: 0916 568 101

Email: info@cis.vn