Đi làm CCCD gắn chip có bị THU HỒI sổ hộ khẩu không? Dùng CCCD thay Sổ hộ khẩu được không?

Bắt đầu từ ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu chính thức bị khai tử, không có giá trị sử dụng!

Nhiều trường hợp đi làm thủ tục hành chính ở cơ quan công an thì người dân đã bị thu hồi sổ hộ khẩu. Riêng ở TP.HCM, theo thống kê của cơ quan công an thì Công an Thành phố đã thu hồi 56.500 sổ hộ khẩu giấy.

Rất nhiều địa phương đang khẩn trương vận động người dân đi cấp CCCD gắn chip và không ít người lo lắng, khi đi làm thủ tục CCCD gắn chip thì sổ hộ khẩu có bị thu hồi không, vì vẫn còn nhiều thủ tục hành chính yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, nếu sổ hộ khẩu bị thu hồi thì dùng giấy tờ gì chứng minh hộ khẩu thường trú? Có phải làm CCCD gắn chip rồi thì đương nhiên được dùng thay cho sổ hộ khẩu không?

Xin mời Quý vị và các bạn cùng xem câu trả lời trong bài viết dưới đây.

1. Đi cấp CCCD gắn chip có bị thu hồi sổ hộ khẩu?

Trong thông báo của cơ quan công an khi người dân đi làm CCCD gắn chip sẽ được yêu cầu mang theo các giấy tờ như: Thông báo số định danh cá nhân, CMND cũ, Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh, các giấy tờ cần tích hợp vào CCCD gắn chip như Thẻ BHYT, Sổ BHXH, Bằng lái xe, v.v…

Về việc sổ hộ khẩu giấy có bị thu hồi hay không thì theo quy định của Thông tư 55/2021/TT-BCA ngày 15 tháng 5 năm 2021của Bộ Công An, sổ hộ khẩu giấy chỉ bị thu hồi trong 7 trường hợp là:

– Thứ nhất là làm thủ tục đăng ký thường trú;

– Thứ hai là điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, ví dụ như là có thay đổi thông tin về chủ hộ, tình trạng kết hôn, điều chỉnh về địa giới hành chính, …;

– Thứ ba là khi tách hộ;

– Thứ tư là bị xóa đăng ký thường trú, ví dụ như thuộc diện vắng mặt liên tục quá 12 tháng tại nơi thường trú mà không đăng ký tạm trú và khai báo tạm vắng, đi định cư ở nước ngoài (theo điểm d khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú);

– Thứ năm là bị xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, đó là trường hợp vắng mặt quá 6 tháng tại nơi đã đăng ký tạm trú thì cũng bị xóa đăng ký thường trú (theo điểm c khoản 1 Điều 29 Luật Cư trú);

– Thứ sáu là đăng ký tạm trú;

– Và cuối cùng là thủ tục gia hạn tạm trú.

Điều 26. Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp (Thông tư 55/2021/TT-BCA)

2. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Như vậy, nếu người dân trong quá trình đi làm CCCD mà thực hiện 1 trong 7 thủ tục vừa nêu thì cơ quan Công an sẽ thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy đã cấp và thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về dân cư theo quy định của Luật Cư trú.

2. Dùng CCCD gắn chip thay cho sổ hộ khẩu được không?

Mục đích của việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu trong các thủ tục hành chính là để xác nhận các thông tin nhân thân của cá nhân.

Thu hồi sổ hộ khẩu đồng nghĩa với việc toàn bộ thông tin của người dân ghi trên sổ hộ khẩu bị thu hồi đã được cập nhật đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Như vậy, về nguyên tắc, cơ quan Nhà Nước hoàn toàn có thể căn cứ vào dữ liệu đã được cập nhật trong hệ thống để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân mà không yêu cầu sổ hộ khẩu.

Vậy thì khi được cấp CCCD gắn chip rồi thì có thể dùng CCCD gắn chip thay cho sổ hộ khẩu giấy được không?

Câu trả lời là: hiện nay, chưa có văn bản nào quy định cụ thể về việc sử dụng căn cước công dân gắn chip thay cho sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú, những thông tin liên quan về cư trú của công dân đều được cập nhật tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều 37. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến quản lý cư trú (Luật Cư trú)

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 của Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 như sau:

“1. Nội dung thông tin được thu thập, cập nhật gồm:

a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

b) Ngày, tháng, năm sinh;

c) Giới tính;

d) Nơi đăng ký khai sinh;

đ) Quê quán;

e) Dân tộc;

g) Tôn giáo;

h) Quốc tịch;

i) Tình trạng hôn nhân;

k) Nơi thường trú;

l) Nơi tạm trú;

m) Tình trạng khai báo tạm vắng;

n) Nơi ở hiện tại;

o) Quan hệ với chủ hộ;

p) Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;

q) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;

r) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình;

s) Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.”.

Đồng thời, Điều 12 Luật Căn cước công dân cũng quy định: số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân cũng chính là số thẻ CCCD gắn chip được cấp cho mỗi công dân.

Điều 12. Số định danh cá nhân (Luật Căn cước công dân)

1. Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

2. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

3. Chính phủ quy định cấu trúc số định danh cá nhân; trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân.

Do đó, trên lý thuyết thì khi thực hiện các thủ tục hành chính cần đến thông tin về sổ hộ khẩu, người dân có thể xuất trình thẻ căn cước công dân để lấy thông tin về cư trú và những thông tin khác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Và chủ trương của Bộ Công An là khi có CCCD gắn chip, người dân không cần xác nhận của bất cứ ai, cơ sở nào vì đó là giấy tờ pháp lý duy nhất để đi làm các thủ tục.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều thủ tục (ngoài thủ tục hành chính thì còn có các công việc khác) vẫn cần đến sổ hộ khẩu giấy như đăng ký nhập học, đăng ký xe, mua BHYT cho hộ gia đình, làm hồ sơ nhà đất, nộp hồ sơ xin việc… nên để tránh bị mất thời gian và ảnh hưởng đến công việc thì người dân có thể yêu cầu cơ quan công an cấp “Giấy xác nhận thông tin về cư trú” để sử dụng khi cần thiết.

lam-cccd-gan-chip-co-bi-thu-hoi-so-ho-khau
Hình ảnh: Xin cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú

Người dân có thể đến bất kỳ cơ quan công an ở địa phương nào trong cả nước để yêu cầu cấp Giấy này hoặc yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ Công quản lý cư trú, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Thời gian cấp Giấy xác nhận thông tin cư trú là 3 ngày làm việc, hình thức bằng văn bản Giấy hoặc bản điện tử theo yêu cầu của người dân.

Nội dung của Giấy xác nhận thông tin về cư trú sẽ bao gồm các thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.

Mọi người cũng lưu ý là giấy này chỉ có thời hạn sử dụng trong 30 ngày nên hãy ước lượng trước thời gian cần sử dụng trước khi yêu cầu xác nhận.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 38257196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn