Dùng vàng để mua bán nhà đất, xe cộ được không?

Thị trường vàng Việt Nam trong thời gian qua biến động không ngừng, với nhiều đợt tăng giá đột biến, lập nhiều kỷ lục cao chưa từng thấy, hiện tượng người dân mua bán vàng vẫn đang diễn ra, một trong những nguyên nhân có thể là do thói quen từ xa xưa tin rằng giữ vàng là một cách để tiết kiệm và sau này có việc cần thiết sẽ bán hoặc để lại cho con cháu. Trong một thời gian dài, có trường hợp người dân dùng vàng để đo giá trị của một tài sản, ví dụ: một công đất bằng 100 cây vàng, một chiếc xe honda mua bằng 2 cây vàng…

Vậy, ở thời điểm hiện tại, dùng vàng để mua bán nhà đất, xe cộ được không? Giao dịch này có hiệu lực hay bị vô hiệu? Hậu quả pháp lý khi giao dịch mua bán bằng vàng như thế nào? Xin mời bạn đọc theo dõi bài viết của Công ty Luật CIS dưới đây.

mua-nha-bang-vang

1. Mua bán tài sản bằng vàng có hợp pháp?

Theo quy định pháp luật hiện hành, việc sử dụng vàng để thanh toán khi mua bán tài sản có thể bị coi là vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cụ thể Điều 19 Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ quy định một trong những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm “sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán”.

Theo điểm b Khoản 1, điểm b Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2021, 2023, hành vi “sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán” lần đầu sẽ bị phạt cảnh cáo, trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần thì sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với cá nhân.

Như vậy, giao dịch mua bán tài sản mà thanh toán bằng vàng, tại thời điểm hiện tại, là không hợp pháp.

2. Giao dịch mua bán tài sản bằng vàng có bị vô hiệu?

Tại sao chúng tôi đặt vấn đề giao dịch dân sự “vô hiệu” ở đây?

Bởi vì, một trong những trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu là do vi phạm điều cấm của Luật, và khi đó, các bên sẽ chịu hậu quả pháp lý do giao dịch dân sự vô hiệu, trong đó có thể kể đến như:

– Phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, có những trường hợp tài sản có giá trị thấp khi mua nhưng sau đó tăng giá lên rất cao như nhà đất hoặc ngược lại bị mất giá trị theo thời gian như xe cộ, máy móc thì rất khó giải quyết;

– Bên nào có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường;

– Vấn đề sẽ càng khó giải quyết hơn khi tài sản trong giao dịch vô hiệu tiếp tục được giao dịch với bên thứ ba, khi phát sinh tranh chấp thì các bên đều có liên quan và phải lên xuống nhiều lần ở Tòa hay cơ quan Nhà Nước đang giải quyết tài sản đó.

Như đã nêu ở Mục 1, nếu chúng ta mua bán tài sản mà thanh toán bằng “vàng” thì giao dịch mua bán đó bị coi là không hợp pháp và phải đối mặt với các rủi ro và hậu quả của giao dịch dân sự bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật.

Công ty Luật CIS vừa giải đáp cho câu hỏi “Dùng vàng để mua bán nhà đất, xe cộ có được không?” đến quý bạn đọc. Công ty Luật sẽ tiếp tục thông tin về các vấn đề pháp lý liên quan đến vàng, vui lòng đón đọc.