Hợp đồng lao động

Đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của xu thế, các công ty, doanh nghiệp được ra đời nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Công ty, doanh nghiệp ra đời càng nhiều, cơ hội việc làm cũng tăng lên tương ứng. Tuy nhiên, hiện nay những tranh chấp về lao động (phát sinh từ hợp đồng lao động) cũng theo đó phổ biến hơn. Do đó, để tối ưu hóa lợi ích của các bên trong quan hệ lao động (người sử dụng lao động và người lao động) thì đòi hỏi hợp đồng lao động cần phải chặt chẽ và minh bạch giữa hai bên cũng như trước pháp luật. Dưới đây là toàn bộ bài viết về Hợp đồng lao động của Công ty Luật CIS.

1. Hợp đồng lao động là gì?

Hợp đồng lao động là giấy tờ quan trọng trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc đặt ra các điều khoản ràng buộc trách nhiệm của các bên, cụ thể theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 ghi nhận:

“1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động…

2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”

Như vậy, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Đồng thời, hợp đồng lao động là một yêu cầu bắt buộc đặt ra đối với người sử dụng lao động trong việc nhận người lao động vào làm việc.

Thực tế hiện nay, nhiều công ty, doanh nghiệp cố tình “lách luật” ký hợp đồng với tên gọi khác với người lao động để tránh không phải thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định rõ về trường hợp này, theo đó: “Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động”.

2. Quy định của pháp luật về hợp đồng lao động

Sự rõ ràng và công bằng trong quan hệ lao động nói chung và hợp đồng lao động nói riêng có thể thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như gia tăng các đơn hàng cho doanh nghiệp, công ty trong nước, vì nhiều thị trường đưa ra những quy định gắt gao về môi trường nơi con người tạo ra sản phẩm đó. Nó cũng giúp tạo điều kiện cho người lao động phát triển nghề nghiệp và góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, để được những điều trên đòi hỏi pháp luật và chính sách lao động phải hợp lý, khoa học. Dưới đây là các văn bản quy phạm pháp luật (Bộ luật, Luật, Nghị định, Thông tư, v.v) đóng vai trò then chốt trong việc ràng buộc trách nhiệm của các đối tượng trong hợp đồng lao động:

– Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 20/11/2019.

– Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 của Quốc hội ban hành ngày 25/06/2015.

– Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 của Quốc hội ban hành ngày 20/11/2014.

– Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

– Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

– Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/09/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

– Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/06/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

– Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.

3. Hình thức của hợp đồng lao động

Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hình thức của hợp đồng lao động, theo đó, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng 01 (một) trong 03 (ba) hình thức sau:

Bằng văn bản;

Phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

Bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới một tháng, trừ các trường hợp đối với công việc theo mùa vụ, người lao động chưa đủ 15 tuổingười giúp việc gia đình thì phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản.

4. Nội dung của hợp đồng lao động

Theo quy định Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

+ Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

+ Công việc và địa điểm làm việc;

+ Thời hạn của hợp đồng lao động;

+ Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

+ Chế độ nâng bậc, nâng lương;

+ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

+ Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

+ Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Bên cạnh những nội dung bắt buộc phải có vừa được nêu ở trên, tùy thuộc vào yêu cầu quản lý – điều hành của doanh nghiệp, công ty và nhu cầu của người lao động, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác và ghi nhận vào trong Hợp đồng lao động, như:

– Đối với những công việc đặc thù có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động ký thỏa thuận về bảo mật thông tin, bảo vệ bí mật kinh doanh (nội dung, cách thức, trách nhiệm, bồi thường, thời hạn bảo mật,…);

– Đối với các công việc liên quan đến sáng tạo hoặc bảo hộ sự sáng tạo, người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động ký thỏa thuận về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (bản quyền phầm mềm máy tính, chương trình máy tính, bài hát,…);

– Đối với các vị trí công việc then chốt, người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động ký thỏa thuận về hạn chế cạnh tranh (không tham gia, điều hành công ty cùng ngành nghề, không làm việc cho đối thủ trong một thời hạn nhất định,…);

– Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, các bên có thể thỏa thuận nội dung về thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết và phương thức giải quyết khi xảy ra các sự kiện này.

5. Các loại hợp đồng lao động

Trên thực tế, tùy theo đặc thù của vị trí công việc mà pháp luật Việt Nam ghi nhận 02 (hai) loại hợp đồng lao động phổ biến là hợp đồng xác định thời hạnhợp đồng không xác định thời hạn, cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

6. Mẫu hợp đồng lao động mới nhất

Dưới đây là hình ảnh về mẫu hợp đồng lao động mới nhất được ban hành dựa trên quy định của Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019 của Quốc Hội.

7. Những lưu ý trong hợp đồng lao động

Nhằm mục đích hạn chế tối đa những tranh chấp trong quan hệ lao động, pháp luật lao động đưa ra các quy định, yêu cầu sau các bên khi tham gia ký kết hợp đồng lao động:

– Nguyên tắc ký kết hợp đồng lao động: Người lao động và người sử dụng lao động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Các bên có thể tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

– Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động:

Đối với người sử dụng lao động phải là:

+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

+ Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

+ Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

– Thời gian thử việc: Thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với người quản lý doanh nghiệp, tối đa là 60 ngày đối với trình độ từ cao đẳng trở lên; 30 ngày đối với trình độ trung cấp; 6 ngày đối với các công việc khác.

Người lao động chỉ được thử việc 1 lần cho 1 công việc và không áp dụng thử việc đối với hợp đồng dưới 1 tháng.

– Lương thử việc: Lương thử việc ít nhất bằng 85% lương chính thức. Sau khi đạt yêu cầu người lao động và người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động ngay.

– Lương chính thức: Lương chính thức không được thấp hơn lương tối thiểu vùng

– Về giấy tờ tùy thân/văn bằng/chứng chỉ: Đơn vị/doanh nghiệp không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động

– Tiền lương làm thêm giờ: Nếu hợp đồng quy định làm thêm giờ cần xem xét rõ thời gian làm thêm giờ, mức lương làm thêm giờ theo Bộ luật lao động hiện hành.

– Các trường hợp phạt vi phạm hợp đồng: Nắm rõ các trường hợp phạt hợp đồng và mức phạt.

8. Thông tin liên hệ

Công ty Luật CIS với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật lao động và tiền lương, chúng tôi tự hào đã hỗ trợ cho nhiều khách hàng trong việc tư vấn và soạn thảo hợp đồng lao động, giúp khách hàng giảm thiểu những rủi ro cũng như những tranh chấp phát sinh không đáng có.

Do vậy, Nếu công ty bạn có vướng mắc về Hợp đồng lao động hay có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582                                                  Hotline: 0916 568 101

Email: info@cis.vn