Mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2023

Bên cạnh quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhà nước còn có chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện, với mức đóng thấp hơn phù hợp với điều kiện lao động và thu nhập của những đối tượng lao động tự do.

Vậy bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Mức đóng là bao nhiêu và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng những quyền lợi gì? Để làm rõ thắc mắc về những vấn đề trên thì bài viết dưới đây của Công ty Luật CIS sẽ giải đáp cho bạn.

1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH tự nguyện) là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. (Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm)

Theo đó, việc tham gia loại hình bảo hiểm này là hoàn toàn tự nguyện, người lao động có thể lựa chọn tham gia (khi đủ điều kiện) hoặc không tham gia.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nhận lương hưu để chăm sóc sức khỏe.

muc-dong-bhxh-tu-nguyen-2023

2. Quy định pháp luật về BHXH tự nguyện năm 2023

Các chế độ của BHXH tự nguyện năm 2023 được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:

– Quy định tại Chương IV Luật BHXH số 58/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016;

– Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ có hiệu lực thi hành ngày 15 tháng 02 năm 2016 được sửa đổi, bổ sung năm 2018;

– Thông tư hướng dẫn một số điều về BHXH tự nguyện số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 02 năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 4 năm 2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

3. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2023

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2023 là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

dich-vu-lam-the-apec

Các đối tượng KHÔNG THUỘC các trường hợp quy định tham gia BHXH bắt buộc có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì liên hệ cơ quan BHXH nơi mình cư trú (có thể nơi tạm trú hoặc thường trú) hoặc các đại lý thu BHXH, BHYT (UBND các xã, phường, thị trấn, bưu điện) để được hướng dẫn thủ tục và lựa chọn mức đóng, phương thức đóng BHXH tự nguyện phù hợp với thu nhập của mình.

4. 7 lý do nên tham gia BHXH tự nguyện năm 2023

Người lao động tự do nói riêng và người không tham gia BHXH bắt buộc nói chung nên tham gia BHXH tự nguyện vì 6 lý do sau:

– Thứ nhất: Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng BHXH, nghĩa là, được linh hoạt, chủ động về số tiền đóng và thời gian đóng. Điều này khác hoàn toàn với BHXH bắt buộc. Mức đóng và phương thức đóng được trình bày chi tiết tại Mục 6 và Mục 7 bài viết này.

– Thứ hai: Đối với những người không có việc làm ổn định, người lao động tự do, người không có hợp đồng lao động nên không được doanh nghiệp, công ty đóng BHXH, thì BHXH tự nguyện là lựa chọn tốt nhất để chúng ta có thể được hưởng một số chế độ giống như người tham gia BHXH bắt buộc, như được hưởng lương hưu khi về già, không phụ thuộc vào con cái sau này, hay làm làm gánh nặng cho gia đình.

– Thứ ba Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng các chế độ như được trình bài tại Mục 8 bài viết này.

– Thứ tư, trường hợp người đang tham gia BHXH tự nguyện mà đi làm việc trong doanh nghiệp, công ty (sẽ tham gia BHXH bắt buộc), thì toàn bộ thời gian tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cộng dồn với thời gian tham gia BHXH bắt buộc để tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

– Thứ năm, Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện, chi tiết vui lòng xem Mục 5 bên dưới.

– Thứ sáu: được cấp thẻ BHYT miễn phí để được khám, chữa bệnh trong suốt thời gian nhận lương hưu.

– Cuối cùng, Vì một lý do nào đó, mà người tham gia BHXH tự nguyện không muốn, không thể tiếp tục tham gia BHXH, thì được nhận BHXH một lần. Chi tiết, vui lòng xem Mục 7.3 bên dưới.

5. Mức đóng BHXH tự nguyện năm 2023

Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Hiện nay, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

– Hỗ trợ 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;

– Hỗ trợ 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

– Hỗ trợ 10% đối với các đối tượng khác.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

Nhà nước luôn khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

6. Phương thức đóng BHXH tự nguyện năm 2023

Hiện nay, có 06 phương thức mà người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn để đóng BHXH:

1./ Đóng hàng tháng;

2./ Đóng 03 tháng một lần;

3./ Đóng 06 tháng một lần;

4./ Đóng 12 tháng một lần;

5./ Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần;

6./ Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.

Trường hợp người tham gia đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm thì người tham gia tiếp tục đóng theo phương thức đóng hàng tháng/ đóng 3 tháng một lần/ đóng 06 tháng một lần/ đóng 12 tháng một lần/ đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu theo phương thức thứ 6.

7. Quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện năm 2023

Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng 2 chế độ: hưu trí và tử tuất, cụ thể:

– Chế độ hưu trí là chế độ mà người tham gia bảo hiểm xã hội được nhận lương hưu khi đáp ứng các điều kiện về thời gian đóng BHXH và hết tuổi làm việc theo quy định.

– Chế độ tử tuất là một chế độ nhằm bù đắp phần thu nhập của người lao động dùng để đảm bảo cuộc sống cho thân nhân của họ hoặc đảm bảo các chi phí phát sinh do người lao động đang tham gia quan hệ lao động hoặc đang hưởng bảo hiểm xã hội mà bị chết.

Bên cạnh đó, Người tham gia BHXH tự nguyện còn được nhận BHXH một lần nếu không tiếp tục tham gia hoặc được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nhận lương hưu để chăm sóc sức khỏe

Chi tiết về chế độ hưu trí và chế độ tử tuất, như sau:

7.1 Về chế độ hưu trí:

Mức lương hưu hằng tháng:

Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Bình quân thu nhập tháng đóng BHXH

Mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu: Mỗi năm người tham gia BHXH tự nguyện đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

7.2 Về chế độ tử tuất:

∗ Trợ cấp mai táng

Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định, cụ thể theo Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trợ cấp mai táng tính bằng 10 lần lương cơ sở cho những người đóng đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu. Trường hợp người đóng BHXH tự nguyện bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp này.

∗ Trợ cấp tuất

Bên cạnh trợ cấp mai táng, người lao động đang đóng BHXH, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đang hưởng lương hưu mà không may qua đời thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng BHXH được hưởng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Trường hợp người lao động có cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.

7.3 Về bảo hiểm xã hội một lần:

Người tham gia BHXH tự nguyện còn được nhận bảo hiểm xã hội một lần nếu có mong muốn. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng BHXH được hưởng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH trước năm 2014; được hưởng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp thời gian đóng BHXH tự nguyện chưa đủ 1 năm thì hưởng mức bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về Bảo hiểm xã hội tự nguyện 2023. Nếu bạn có vướng mắc trước hoặc trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của mình hay có nội dung nào chưa rõ cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: info@cis.vn