Ngày 14/05 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP điều chỉnh tăng hơn 20% mức lương cơ sở, từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng và chính thức áp dụng từ ngày 1/7/2023. Việc tăng lương cơ sở kéo theo các chế độ, quyền lợi và chi phí về BHYT nói chung và khám chữa bệnh nói riêng thay đổi. Vậy khi lương cơ sở tăng, người dân khám chữa bệnh BHYT trả nhiều tiền hơn hay ít hơn? Chi phí mua hay gia hạn hiệu lực thẻ BHYT có tăng không? Quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục bị ảnh hưởng như thế nào?
Trong bài viết ngày hôm nay, Công ty Luật CIS sẽ chia sẻ đến quý bạn đọc 05 thay đổi quan trọng liên quan đến BHYT, đồng thời giải đáp những câu hỏi vừa nêu.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- 1. Thay đổi thứ nhất: tăng mức hưởng 100% bảo hiểm cho 1 lần KCB bằng BHYT
- 2. Thay đổi thứ hai: tăng mức thanh toán trực tiếp khi đi KCB tại các cơ sở không áp dụng BHYT
- 3. Thay đổi thứ 3: tăng mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho 1 lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế
- 4. Thay đổi thứ 4: điều kiện hưởng chế độ BHYT 5 năm liên tục
- 5. Thay đổi thứ 5: tăng mức đóng và duy trì thẻ BHYT
1. Thay đổi thứ nhất: tăng mức hưởng 100% bảo hiểm cho 1 lần KCB bằng BHYT
Theo quy định, nếu khám chữa bệnh (sau đây gọi tắt là KCB) bằng BHYT mà số tiền KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, thì Quỹ BHYT sẽ chi trả toàn bộ số tiền khám chữa bệnh đó. So với trước đây, khi người dân đi KCB BHYT, mà hoá đơn dưới 223.500 đồng thì không cần trả tiền, thì nay, mức hưởng này tăng lên thành 270.000 đồng.
Hiểu một cách đơn giản, hiện nay, nếu chi phí cho một lần KCB bằng BHYT dưới 270.000 đồng thì người dân sẽ được BHYT trả toàn bộ.
2. Thay đổi thứ hai: tăng mức thanh toán trực tiếp khi đi KCB tại các cơ sở không áp dụng BHYT
Theo quy định, Quỹ BHYT ngoài việc chi trả cho các trường hợp KCB bằng thẻ BHYT, thì còn chi trả cho các trường hợp KCB tại các cơ sở không áp dụng BHYT, hay gọi là các cơ sở không có hợp đồng KCB BHYT hoặc trường hợp không thể xuất trình ngay thẻ BHYT theo đúng quy định.
Nếu rơi vào hai trường hợp này, Quỹ BHYT sẽ không tự động thanh toán chi phí KCB, mà người bệnh sẽ phải tự thanh toán hết toàn bộ chi phí KCB và làm hồ sơ đề nghị cơ quan BHXH cấp Huyện nơi cư trú thanh toán lại, gọi là “thanh toán trực tiếp”.
Trừ trường hợp cấp cứu có mức thanh toán không giới hạn, thì mức thanh toán trực tiếp sẽ tuỳ vào việc người bệnh đi KCB ngoại trú hay nội trú tại bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hay tuyến trung ương. Chi phí người bệnh đã tự trả trước này sẽ được Quỹ BHYT thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi hưởng và mức hưởng của thẻ BHYT, chi tiết mời bạn đọc theo dõi Bảng 1 dưới đây:
Như vậy, lương cơ sở tăng kéo theo hạn mức “thanh toán trực tiếp” cũng tăng theo, điều này có lợi cho người dân chúng ta do số tiền được Quỹ BHYT trả lại cho người tham gia bảo hiểm nhiều hơn.
3. Thay đổi thứ 3: tăng mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho 1 lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế
Khi thực hiện các xét nghiệm, thủ thuật, phẫu thuật hay còn gọi là các dịch vụ kỹ thuật y tế, các vật tư y tế như bông băng, kim tiêm, van tim nhân tạo, khớp nhân tạo, v.v… thường được tính luôn vào phí của dịch vụ kỹ thuật y tế (trừ một số trường hợp tính riêng theo quy định).
Khi đi KCB bằng BHYT có sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế này, người bệnh sẽ được Quỹ BHYT thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho 01 lần sử dụng trong phạm vi và mức hưởng theo thẻ BHYT.
Theo đó, từ 1/7/2023 tăng lương cơ sở, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế được nâng lên tối đa là 81.000.000 đồng/lần, tức bằng 45 lần mức lương cơ sở (tăng thêm 13.950.000 đồng so với quy định cũ).
4. Thay đổi thứ 4: điều kiện hưởng chế độ BHYT 5 năm liên tục
Đối với những ai tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, khi đi KCB đúng tuyến và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB bằng BHYT cộng gộp trong 06 tháng đầu năm 2023 lớn hơn 10.800.000 đồng, tức là lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, (điều kiện này tăng 1.860.000 đồng so với quy định cũ trước đây), khi người bệnh làm hồ sơ yêu cầu hưởng chế độ này sẽ được Quỹ BHYT hoàn lại số tiền chênh lệch vượt quá 06 tháng lương cơ sở đã trả (không bao gồm chi phí ngoài phạm vi thanh toán BHYT) và được miễn 100% chi phí khám chữa bệnh trong 06 tháng cuối năm còn lại.
Công ty Luật đã có bài viết hướng dẫn chi tiết về chế độ BHYT 5 năm liên tục và hồ sơ cần chuẩn bị để được hưởng chế độ, bạn đọc có thể xem lại tại đây: https://www.cis.vn/dieu-kien-huong-bhyt-5-nam-lien-tuc-nam-2023/
5. Thay đổi thứ 5: tăng mức đóng và duy trì thẻ BHYT
Hiện nay có hai đối tượng được Nhà nước hỗ trợ một phần khi đóng BHYT đó là: học sinh sinh viên và hộ gia đình.
– Đối với học sinh, sinh viên, Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng khi tham gia BHYT. Theo đó, mức đóng BHYT của HSSV hàng tháng được tính theo công thức:
70% x 4.5% x 01 tháng lương cơ sở |
Việc tăng lương cơ sở sẽ làm tăng mức đóng BHYT của HSSV lên tương ứng, cụ thể:
Như vậy, kể từ ngày 1/7/2023, nếu HSSV đóng BHYT theo năm, thì mức đóng là 680.400 đồng/năm (tăng thêm gần 117.180 đồng/năm).
– Đối với hộ gia đình:
Nguyên tắc tính mức đóng BHYT theo hộ gia đình sẽ lấy người đầu tiên làm chuẩn (đóng 100%), sau đó giảm dần luỹ tiến cho những người còn lại. Điều này được hiểu là gia đình càng nhiều người thì mức đóng người tiếp theo càng thấp. Việc tăng lương cơ sở từ 01/07/2023 sẽ kéo theo mức đóng BHYT hộ gia đình tăng, cụ thể:
Có thể thấy rằng, việc tăng lương cơ sở đã tác động mạnh và tăng mức đóng BHYT của người tham gia bảo hiểm, nhưng đồng thời, các quyền lợi BHYT cũng được điều chỉnh tăng lên tương ứng, phù hợp với sự điều chỉnh này.
Nội dung vừa rồi đã khép lại bài viết ngày hôm nay, mong quý bạn đọc đã nắm được những thay đổi mới về BHYT từ 01/07/2023 để không bỏ lỡ các quyền lợi của mình khi đi KCB.
PHÒNG PHÁP LÝ – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – Hotline:0916.568.101
Email: info@cis.vn