Hướng dẫn hưởng chế độ ốm đau năm 2023

Trong cuộc sống hằng ngày, sẽ có những lúc sức khỏe của bạn không nghe lời và bạn phải tạm thời “đình công”. Nếu bạn không may bị ốm và phải nghỉ việc để điều trị, hoặc phải ở nhà chăm sóc con nhỏ đau ốm thì đừng bỏ lỡ bài viết hướng dẫn hưởng chế độ ốm đau năm 2023 của Công ty Luật CIS. Chi tiết xin mời theo dõi tiếp bài viết dưới đây!

1. Chế độ ốm đau là gì?

Chế độ ốm đau là một trong các chế độ mà người lao động được hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chế độ này cho phép người lao động được nghỉ việc và được hưởng trợ cấp nếu không may bị ốm phải điều trị hoặc phải chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau (đối với lao động nữ) khi có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

2. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau năm 2023

Để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động phải đáp ứng 02 điều kiện sau:

Điều kiện thứ nhất: Phải thuộc đối tượng được hưởng chế độ ốm đau

Để được hưởng chế độ ốm đau, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH) trước hết bạn phải là người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, thuộc một trong các đối tượng sau:

– Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

– Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

– Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

huong-dan-huong-che-do-om-dau-nam-2023

Điều kiện thứ hai: Thuộc một trong các trường hợp được hưởng chế độ ốm đau, gồm:

Trường hợp 1: Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp 2: Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Trường hợp 3: Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Lưu ý: Cơ quan BHXH sẽ không giải quyết chế độ ốm đau cho bạn nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định;

– Nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.

3. Giới hạn số ngày nghỉ ốm đau năm 2023

Tùy vào từng đối tượng mà số ngày được nghỉ theo chế độ ốm đau sẽ khác nhau:

Nhóm Đối tượng Điều kiện làm việc Thời gian tối đa được nghỉ trong năm (*)
I – Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;

– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

Bình thường 30 ngày

(nếu đã đóng BHXH < 15 năm)

40 ngày

(nếu đã đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 30 năm)

60 ngày

(nếu đã đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 30 năm)

Nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên 40 ngày

(nếu đã đóng BHXH < 15 năm)

50 ngày

(nếu đã đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 30 năm)

70 ngày

(nếu đã đóng BHXH từ 30 năm trở lên )

II Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành 180 ngày

(Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.)

III Người lao động phải nghỉ việc chăm sóc con ốm đau (**) (trong một năm cho mỗi con)

 

15 ngày

(nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi)

20 ngày

(nếu con dưới 03 tuổi)

(*) Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động, được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH của người lao động.

(**) Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ cũng được áp dụng theo quy định này.

(Điều 26, 27 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 4,5 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)

dich-vu-lam-the-apec

4. Mức hưởng chế độ ốm đau năm 2023

Căn cứ quy định tại Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng chế độ ốm đau đối với từng đối tượng được quy định như sau:

Mức hưởng đối với nhóm đối tượng I, III:

Mức hưởng tính theo tháng = Tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x 75%

Đối với người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng BHXH, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng đó.

Mức hưởng đối với nhóm đối tượng II:

Thời gian hưởng chế độ ốm đau Mức hưởng tính theo tháng
180 ngày đầu = Tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x  75%
Thời gian điều trị tiếp theo = Tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x  65%

(nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên)

x 55%

(nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm)

x 50%

(nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm)

5. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau năm 2023

Để được hưởng chế độ ốm đau, Công ty nơi bạn làm việc phải nộp hồ sơ cho người lao động để được hưởng chế độ ốm đau, theo đó, bạn cần chuẩn bị và cung cấp cho công ty các giấy tờ sau:

– Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú.

– Trường hợp điều trị ngoại trú thì phải có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

– Nếu khám, chữa bệnh ở nước ngoài thì thay bằng bản dịch tiếng Việt của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.

Theo đó, công ty lập Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

6. Thời gian giải quyết hồ sơ xin hưởng chế độ ốm đau năm 2023

Khi công ty nộp hồ sơ xin hưởng chế độ ốm đau cho người lao động tại Cơ quan BHXH, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết hồ sơ hưởng chế độ ốm đau như sau:

– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ Công ty và tổ chức chi trả cho người lao động;

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

Trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Nghỉ dưỡng sức sau ốm đau năm 2023

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động đã nghỉ hết thời gian hưởng chế độ trong một năm mà trong 30 ngày đầu trở lại làm việc vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 đến 10 ngày, tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần, cụ thể:

– Tối đa 10 ngày với người mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;

– Tối đa 07 ngày với người phải phẫu thuật;

– Bằng 05 ngày với các trường hợp khác.

Trong thời gian này, người lao động được hỗ trợ mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Tức là 30% x 1.490.000 = 447.000 đồng/ngày.

Ví dụ: Bà D phải nghỉ việc để điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ ngày 01/8/2022 đến hết ngày 10/12/2022 (trong năm 2022 bà D chưa nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau). Từ ngày 11/12/2022, bà D trở lại tiếp tục làm việc đến ngày 04/01/2023 do sức khỏe chưa phục hồi nên bà D được đơn vị giải quyết nghỉ việc hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe 10 ngày. 10 ngày nghỉ này sẽ được tính cho năm 2022.

Trên đây là nội dung hướng dẫn chi tiết của Công ty Luật CIS về việc hưởng chế độ ốm đau năm 2023. Nếu bạn còn vấn đề gì chưa rõ hoặc cần tư vấn pháp lý, bạn có thể liên hệ với Luật sư và Chuyên viên Công ty Luật CIS theo thông tin dưới đây:

Luật sư – Công ty Luật CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: info@cis.vn