6 vấn đề cần biết về cấp dưỡng khi ly hôn

Khi vợ chồng ly hôn, ngoài những mâu thuẫn về việc đồng ý – không đồng ý ly hôn, về tranh chấp tài sản chung – tài sản riêng, thì vấn đề cấp dưỡng nuôi con cũng là một nội dung mà nhiều cặp vợ chồng không thống nhất được. Nếu gặp phải tình huống này, bài viết dưới đây về 6 vấn đề cần biết về cấp dưỡng khi ly hôn sẽ hữu ích cho bạn. Xin mời cùng theo dõi!

1. Cấp dưỡng khi ly hôn là gì?

Cấp dưỡng khi ly hôn là việc người cha hoặc người mẹ sau khi ly hôn đóng góp bằng tiền hoặc tài sản để hỗ trợ người còn lại trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung của họ nếu con chung đó là người chưa thành niên hoặc người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Việc cấp dưỡng nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người con khi không trực tiếp sống chung với người cha hoặc người mẹ – là người cấp dưỡng.

2. Trách nhiệm cấp dưỡng con sau ly hôn thuộc về ai?

Trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn là nghĩa vụ của người cha hoặc của người mẹ – người mà không trực tiếp nuôi con phải thực hiện, theo thỏa thuận giữa vợ chồng khi ly hôn hoặc theo Bản án/quyết định của Tòa án.

Người cha hoặc người mẹ – Người mà trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình.

6-van-de-can-biet-ve-cap-duong-khi-ly-hon

3. Mức cấp dưỡng nuôi con tối thiểu là bao nhiêu?

Về mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn, hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể số tiền hay giá trị tài sản để cấp dưỡng là bao nhiêu, mà quy định mức cấp dưỡng sẽ do các bên TỰ THỎA THUẬN căn cứ vào THU NHẬP, KHẢ NĂNG THỰC TẾ của người cha hoặc người mẹ và nhu cầu THIẾT YẾU của người con; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Cụ thể, nội dung này đã được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 116. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, chỉ khi nào cả hai vợ chồng không thoả thuận được với nhau về mức cấp dưỡng cũng như số tiền chu cấp cho con thì mới có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Toà án.

4. Cấp dưỡng nuôi con đến bao nhiêu tuổi?

Theo quy định, người cha hoặc người mẹ – người mà không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi con đủ 18 tuổi.

Trường hợp con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì người cha hoặc người mẹ – người mà không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi con có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.

dich-vu-lam-the-apec

Như vậy, nếu người con bình thường, thì cấp dưỡng đến khi con đủ 18 tuổi. Trường hợp người con bị hạn chế về thể chất hoặc tâm thần, như bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên… v.v, thì người không trực tiếp nuôi dưỡng có nghĩa vụ cấp dưỡng dù con trên 18 tuổi.

5. Chồng/vợ không cấp dưỡng nuôi con thì phải làm sao?

Khi chồng/ vợ không cấp dưỡng nuôi con, thì tùy trường hợp, sẽ thực hiện theo thủ tục sau:

♦ Trường hợp 1: Vợ chồng khi ly hôn không thỏa thuận được với nhau về việc cấp dưỡng hoặc vợ chồng khi ly hôn thỏa thuận với nhau về việc cấp dưỡng, nhưng sau này, người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Đây là trường hợp vợ chồng không thống nhất được với nhau về số tiền cấp dưỡng, thời gian cấp dưỡng khi ly hôn, hoặc khi ly hôn đã thống nhất, thỏa thuận với nhau về việc cấp dưỡng, nhưng sau đó không thực hiện, thì người trực tiếp nuôi con có thể nộp đơn khởi kiện ra Tòa để được Tòa án giải quyết, và đơn kiện sẽ được nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thường trú hoặc tạm trú

Về thủ tục yêu cầu Tòa án giải quyết, Công ty Luật đã thực hiện video giải đáp, các bạn quan tâm có thể xem video dưới đây.

Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

+ Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng;

+ Bản sao có chứng thực CMND/CCCD của người khởi kiện;

+ Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu của người khởi kiện;

+ Bản án/Quyết định ly hôn;

+ Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con;

+ Chứng cứ chứng minh thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

♦ Trường hợp 2: Trường hợp vợ/chồng không cấp dưỡng theo bản án hoặc quyết định của Toà án thì người trực tiếp nuôi con phải nộp hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng tại cơ quan thi hành án.

Nếu Tòa án đã tuyên buộc người cha hoặc người mẹ phải cấp dưỡng cho con, nhưng người có nghĩa vụ đó không tự nguyện thực hiện, thì người trực tiếp nuôi con cần nộp đơn yêu cầu thi hành án tại Chi cục thi hành án cấp Huyện nơi Tòa án đã xét xử việc cấp dưỡng.

Hồ sơ yêu cầu thi hành án bao gồm:

+ Bản án hoặc quyết định của Tòa án có ghi nhận về cấp dưỡng

+ Đơn yêu cầu thi hành án dân sự. Hoặc có thể trình bày bằng lời nói trực tiếp để cơ quan thi hành án lập biên bản

+ Tài liệu chứng minh người có nghĩa vụ cấp dưỡng đang có tài sản để thi hành như: bảng lương; tài sản hiện hữu như nhà cửa hoặc xe hoặc tiền trong ngân hàng

6. Có được yêu cầu thay đổi cấp dưỡng sau khi ly hôn không?

Việc cấp dưỡng có thể được thay đổi trong các trường hợp sau:

Thay đổi về mức cấp dưỡng:

Theo Khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về mức cấp dưỡng:

Điều 116. Mức cấp dưỡng

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

Như vậy, để đảm bảo tốt nhất cho cuộc sống của con cái cũng như cuộc sống của cả vợ và chồng sau khi ly hôn, pháp luật cũng cho phép người cấp dưỡng được thay đổi mức cấp dưỡng nếu có lý do chính đáng cũng như người trực tiếp nuôi con cũng có quyền yêu cầu tăng hoặc giảm mức cấp dưỡng, nếu không thoả thuận được thì cả hai có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Thay đổi về phương thức cấp dưỡng:

Theo Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về phương thức cấp dưỡng:

Điều 117. Phương thức cấp dưỡng

Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo đó, cha mẹ có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng hoặc tạm ngừng cấp dưỡng nếu cha/mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào khó khăn kinh tế, không có khả năng cấp dưỡng, trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trên đây là 6 vấn đề về cấp dưỡng khi ly hôn mà bạn cần biết.

Luật sư – Công ty Luật CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582                         hotline: 0916.568.101
Email: info@cis.vn