Hướng dẫn hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2023

Trong quá trình người lao động làm việc có thể không tránh khỏi những rủi ro bất ngờ xảy ra hoặc do môi trường làm việc không đảm bảo gây ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của người lao động. Để phần nào có thể hỗ trợ người lao động trong trường hợp xảy ra những rủi ro bất ngờ đó thì luật quy định người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, để được hưởng chế độ trên thì người lao động cần đáp ứng những điều kiện nhất định.

Do đó, bài viết dưới đây của công ty Luật CIS sẽ giải đáp những câu hỏi xoay quanh việc làm thế nào để hưởng được chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

1. Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là gì?

Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp được định nghĩa như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

9. Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

Như vậy, có thể hiểu như sau:

Tai nạn lao động là sự cố rủi ro bất ngờ xảy ra trong quá trình lao động gây thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng người lao động, gắn với việc thực hiện công việc, nghĩa vụ lao động.

Bệnh nghề nghiệp chủ yếu là do vệ sinh lao động không đảm bảo hoặc do các nguồn độc hại trong môi trường làm việc gây ra, hậu quả của nó là người lao động bị suy giảm khả năng lao động hoặc tử vong.

huong-dan-huong-che-do-tai-nan-lao-dong-benh-nghe-nghiep

2. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động năm 2023?

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

♦ Thứ nhất, bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

– Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

– Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

♦ Thứ hai, suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn được liệt kê như trên.

Lưu ý: Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân sau:

– Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

– Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

– Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

dich-vu-lam-the-apec

3. Mức hưởng chế độ tai nạn lao động năm 2023

3.1 Mức hưởng từ người sử dụng lao động

Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động thì doanh nghiệp, công ty phải thanh toán cho người lao động các khoản sau đây khi người lao động bị tai nạn lao động, bao gồm:

a) Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định:

+ Phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

+ Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

+ Toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

b) Trả đủ tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

c) Bồi thường cho người bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của họ gây ra:

+ Ít nhất 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5 – 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11 – 80%;

+ Ít nhất 30 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

d) Trợ cấp cho người bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức bồi thường mục c với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Lưu ý một số trường hợp đặc biệt như sau:

– Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì công ty vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại mục 3.1.c.

– Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì công ty trợ cấp cho người lao động theo quy định tại mục 3.1.d.

– Trường hợp công ty đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn lao động tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị tai nạn lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định tại mục 3.1.c và 3.1.d, thì công ty phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại mục 3.1.c và 3.1.d.

– Nếu công ty không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại mục 3.1, công ty phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.

3.2 Mức hưởng từ quỹ bảo hiểm tại nạn lao động năm 2023

Căn cứ tình trạng, mức độ thương tật và mức suy giảm khả năng lao động mà người lao động được nhận các khoản trợ cấp khác nhau:

∗ Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần:

– Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

– Ngoài khoản trợ cấp trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được hưởng 0,5 tháng, cứ thêm mỗi năm được hưởng thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng BHXH hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

∗ Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì người lao động được hưởng trợ cấp hằng tháng:

– Suy giảm 31% được hưởng 30% mức lương cơ sở. Sau đó cứ giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

– Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được hưởng 0,5%, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng BHXH hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

∗ Các trường hợp đặc biệt khác:

– Trong trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài nhận được trợ cấp hằng tháng thì người lao động còn nhận được trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

– Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật.

– Trường hợp người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội .

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

4. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp năm 2023?

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

♦ Thứ nhất, bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;

Theo đó, các bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp bao gồm:

  1. Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp.
  2. Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp.
  3. Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp.
  4. Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp.
  5. Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp.
  6. Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.
  7. Bệnh hen nghề nghiệp.
  8. Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp.
  9. Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng.
  10. Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp.
  11. Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp.
  12. Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp.
  13. Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp.
  14. Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp.
  15. Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp.
  16. Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp.
  17. Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp.
  18. Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.
  19. Bệnh giảm áp nghề nghiệp.
  20. Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân.
  21. Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ.
  22. Bệnh phóng xạ nghề nghiệp.
  23. Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp.
  24. Bệnh nốt dầu nghề nghiệp.
  25. Bệnh sạm da nghề nghiệp.
  26. Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm.
  27. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài.
  28. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su.
  29. Bệnh Leptospira nghề nghiệp.
  30. Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp.
  31. Bệnh lao nghề nghiệp.
  32. Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
  33. Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp.
  34. Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp.

♦ Thứ hai, suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị các bệnh kể trên.

5. Mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp năm 2023

Khi mắc bệnh nghề nghiệp, người lao động có thể nhận được những khoản hỗ trợ bao gồm:

– Từ công ty: mục 3.1.a và 3.1.b.

– Từ quỹ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp: mục 3.2.

6. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2023

♦ Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn bao gồm:

– Sổ bảo hiểm xã hội.

– Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.

– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

– Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.

♦ Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp bao gồm:

– Sổ bảo hiểm xã hội.

– Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.

– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

– Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.

7. Thủ tục hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2023

Bước 1: Người lao động chuẩn bị hồ sơ và nộp về cho công ty.

Bước 2: Công ty chuẩn bị hồ sơ theo quy định như sau:

♦ Đối với trường hợp hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì hồ sơ bao gồm:

– Biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, cấp tỉnh, hoặc Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương.

– Biên bản giám định y khoa (văn bản xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động hoặc tỷ lệ tổn thương cơ thể do tai nạn lao động) hoặc biên bản xác định người lao động bị chết của cơ quan pháp y hoặc tuyên bố chết của tòa án đối với những trường hợp mất tích.

– Quyết định bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động của công ty.

– Văn bản xác nhận bị tai nạn trên đường đi và về (nếu có).

♦ Trường hợp hưởng chế độ bồi thường bệnh nghề nghiệp thì hồ sơ gồm có:

– Hồ sơ bệnh nghề nghiệp của người lao động

– Biên bản xác định người lao động bị chết do bệnh nghề nghiệp của cơ quan pháp y hoặc biên bản giám định y khoa (văn bản xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp) và kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền.

– Quyết định bồi thường bệnh nghề nghiệp của công ty.

Bước 3: Công ty nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động.

Bước 4: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là thông tin Hướng dẫn chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu bạn có vướng mắc trong quá trình nộp hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn