Theo thống kê của các cơ quan chức năng, số lượng người thuê trọ ở các thành phố lớn có khi chiếm hơn 50% dân số của thành phố đó, trong đó, người thuê trọ nhiều nhất là sinh viên và người lao động.
Do chỗ ở không cố định, và hiếm có trường hợp chủ nhà cho nhập hộ khẩu, nên người thuê trọ thường không đăng ký thường trú. chính vì vậy, người thuê trọ không được hưởng các chính sách dành cho người có hộ khẩu thường trú, trong đó có chính sách về tiền điện sinh hoạt. Thực tế, nhiều người thuê trọ phải thanh toán tiền điện theo đơn giá cao nhất mà chủ nhà đóng cho điện lực, hoặc theo giá mà chủ nhà quy định, và thường giá điện cao hơn đơn giá nhà nước.
Ngày 21/4/2023 vừa qua, Bộ công thương đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BCT sửa đổi quy định về thực hiện giá bán điện, có hiệu lực thi hành từ 15/6/2023, trong đó quy định cách tính tiền điện mới dành cho đối tượng là sinh viên và người lao động thuê nhà. Vậy, cách tính tiền điện mới áp dụng cho sinh viên, người lao động thuê nhà như thế nào? Nếu chủ nhà thu tiền điện nhiều hơn giá quy định thì bị xử lý ra sao? Câu trả lời sẽ có trong bài viết “Cách tính tiền điện cho người thuê trọ theo quy định mới (áp dụng từ 15/6/2023)” dưới đây, xin mời bạn đọc cùng theo dõi.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
1. Quy định mới về cách tính tiền điện sinh hoạt
Theo quy định hiện hành, cách tính tiền điện áp dụng cho gia đình sử dụng điện sinh hoạt theo định mức được tính theo công thức:
Tiền điện = Số ký điện theo bậc * Đơn giá từng bậc |
Đặc biệt, kể từ ngày 04/5/2023, Điện lực Việt Nam đã áp dụng giá bán điện mới, tăng 3% so với giá cũ, cụ thể:
Bậc | Đơn giá hiện tại | Đơn giá cũ |
Bậc 1: Từ 0-50kWh | 1.728 đồng/kWh | 1.678 đồng/kWh |
Bậc 2: Từ 51 – 100 kWh | 1.786 đồng/kWh | 1.734 đồng/kWh |
Bậc 3: Từ 101 – 200 kWh | 2.074 đồng/kWh | 2.014 đồng/kWh |
Bậc 4: Từ 201 – 300 kWh | 2.612 đồng/kWh | 2.536 đồng/kWh |
Bậc 5: Từ 301 – 400 kWh | 2.919 đồng/kWh | 2.834 đồng/kWh |
Bậc 6: Từ 401 kWh trở lên | 3.015 đồng/kWh | 2.927 đồng/kWh |
Trên đây là đơn giá tiền điện sinh hoạt áp dụng cho hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại địa phương.
2. Cách tính tiền điện đối với sinh viên, người lao động thuê trọ từ 15/06/2023
Theo quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-BCT ngày 21/04/2023 mà Bộ công thương vừa ban hành về đơn giá tiền điện, có hiệu lực từ 15/06/2023, đối với sinh viên và người lao động thuê trọ, cơ quan điện lực có 02 cách tính tiền điện:
∗ Cách 1: Lấy tổng số ký điện sử dụng theo công tơ điện nhân với 2.074 đồng/ký.
– Cách này áp dụng cho các bạn sinh viên, người lao động nào ký hợp đồng thuê nhà dưới 1 năm, và chủ nhà không kê khai được số người sử dụng điện.
– Theo đó, 2.074 đồng/ký là giá điện bậc 3 theo biểu giá điện bậc thang như Mục 1 bài viết đã nêu.
– Trường hợp này thì tiền điện phải trả sẽ cao hơn hộ gia đình có định mức.
∗ Cách 2: Cứ 4 người được cấp 1 định mức, tiền điện tính như hộ gia đình bình thường.
– Cách này áp dụng cho trường hợp có ký hợp đồng thuê trọ 01 năm trở lên, có đăng ký tạm trú/thường trú;
– Hoặc trường hợp thuê dưới 1 năm, có đăng ký tạm trú và chủ nhà kê khai được số người sử dụng điện, căn cứ vào giấy tờ xác nhận tạm trú, cứ mỗi 04 người sẽ được tính là 1 hộ sử dụng điện và được Điện lực cấp 01 định mức, tiền điện được tính theo bảng giá bậc thang như hộ gia đình bình thường.
Như vậy, với quy định mới này, mức tiền điện sẽ giảm đáng kể cho người thuê trọ.
♦ Để thấy được mức giảm như thế nào, quý bạn đọc hãy theo dõi ví dụ sau đây:
– Tháng 5 vừa qua, anh A sử dụng 150 kWh điện. Nếu tính theo định mức với giá bậc thang thì sẽ lấy:
50 kWh đầu tiên * giá bậc 1 là 1.728 đồng + 50 kWh tiếp theo * giá bậc 2 là 1.786 đồng + 50 kWh cuối cùng * giá bậc 3 là 2.074 đồng. Như vậy, số tiền điện anh A phải đóng (chưa tính VAT 10%) là 279.400 đồng. – Trong khi đó, 01 hộ thuê trọ sử dụng 150 kWh điện mà chủ nhà lấy tiền điện là 4.500 đồng/ kWh thì số tiền điện họ phải đóng là: 675.000 đồng. ⇒ Chúng ta có thể thấy là chênh lệch gần 400.000 đồng! |
Vậy, nếu anh/chị người lao động hay các bạn sinh viên nào đang thuê trọ thì hãy lưu ý nội dung này để bảo đảm quyền lợi của mình.
3. Chủ nhà thu tiền điện cao hơn giá quy định bị xử lý thế nào?
Công ty Luật tin rằng, nhiều người ở trọ, kể cả chủ nhà trọ đều chưa biết về chính sách giá điện sinh hoạt áp dụng cho người thuê trọ đã nêu ở Mục 1, Mục 2 bài viết.
Thực tế, cũng có một số lượng nhỏ chủ nhà trọ kinh doanh, hưởng lợi trên giá điện khi tính tiền điện cao cho người thuê trọ. Đối với trường hợp này, người cho thuê có thể bị xử phạt hành chính, cụ thể:
Tại Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 134/2023/NĐ-CP của Chính phủ, đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 31/01/2022 thì: “Người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.”
Ngoài ra, chủ nhà còn phải hoàn lại toàn bộ số tiền chênh lệch cho người thuê nhà.
Như vậy, Công ty Luật vừa thông tin chi tiết giá điện áp dụng cho người thuê trọ, theo đó, có 02 cách tính giá điện: Cách 1 là mức cố định 2.074 đồng/ký; Cách 2 là 04 người được cấp 01 định mức.
Hy vọng, sau khi đọc bài viết này, chủ nhà và người thuê trọ sẽ nắm được chính sách giá để có mức giá điện phù hợp nhất, giảm đáng kể chi phí sinh hoạt hàng tháng cho người thuê trọ.
♦ Video Youtube:
PHÒNG PHÁP LÝ – CÔNG TY LUẬT CIS
109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Liên hệ: 028 38257196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn