Ngày 18/7 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 của thí sinh trên cả nước. Đây là cơ sở để các em học sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ đối với các trường lựa chọn theo phương thức xét tuyển trên tổng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, năm nay, thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học sớm hơn so với năm trước, theo đó, thời điểm khai giảng diễn ra vào đầu tháng 9 này.
Theo một báo cáo của Bộ GD-ĐT về kết quả công tác tuyển sinh đại học năm vừa rồi, thì tỷ lệ thí sinh nhập học vào các trường ĐH của cả nước chỉ đạt 48,09%. Được hiểu là, cứ 100 thí sinh tốt nghiệp THPT thì chỉ có 48 em học đại học. Như vậy, sẽ có không ít học sinh lựa chọn con đường khác hoặc chưa đủ may mắn trong kì tuyển sinh lần này.
Thời điểm này nhiều người hay nói vui rằng, cánh cửa này khép đi, sẽ có cảnh cửa khác mở ra và Bộ quốc phòng sẽ luôn chào đón các thí sinh không trúng tuyển ĐH, CĐ!
Đúng như vậy, đối với các thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì sau khi có kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ cũng chính là lúc các địa phương phát lệnh gọi thanh niên đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự đi khám sức khoẻ và chuẩn bị lên đường nhập ngũ.
Thông thường, thời gian khám sức khoẻ công dân đi nghĩa vụ quân sự là từ tháng 10 đến cuối tháng 12 hàng năm và sau Tết Âm lịch sẽ làm lễ giao quân, đưa thanh niên lên đường nhập ngũ.
Công ty Luật đã có video chia sẻ về các trường hợp được miễn hoặc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự, các bạn quan tâm có thể xem lại video này: https://youtu.be/I9_KQ8otXLg
Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng ngoài việc đi nghĩa vụ quân sự thì thanh niên có thể lựa chọn đi nghĩa vụ công an hoặc dân quân tự vệ để thay cho nghĩa vụ quân sự.
Trong bài viết này, Công ty Luật sẽ giới thiệu và so sánh 6 ĐIỂM khác nhau của 3 chế độ (nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, dân quân tự vệ) để các bạn và gia đình tham khảo
MỤC LỤC BÀI VIẾT
1. Nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, dân quân tự vệ là gì?
Nghĩa vụ quân sự được hiểu là thanh niên đi phục vụ trong lực lượng quân đội. Theo đó, sau khi nhập ngũ, thanh niên sẽ thực hiện các công việc được giao nhiệm vụ trong quân đội tùy thuộc vào vị trí và đơn vị được tiếp nhận.
Điều 4. Nghĩa vụ quân sự (Luật Nghĩa vụ quân sự)
1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. |
Tương tự, nghĩa vụ công an được hiểu là thanh niên đi phục vụ trong lực lượng công an, làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Điều 8. Nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (Luật Công an nhân dân)
1. Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Hằng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây: a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ. |
Còn dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác và được tổ chức ở địa phương, trong đó, dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng. Như vậy, điểm khác biệt đầu tiên của dân quân tự vệ so với nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an là thanh niên được làm nhiệm vụ ở địa phương mà không phải tập trung và đóng tại đơn vị nhận quân.
Điều 2. Giải thích từ ngữ (Luật Dân quân tự vệ) Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:1. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ. |
2. Về đối tượng và độ tuổi tham gia
– Nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an đều dành cho các nam thanh niên có độ tuổi từ đủ 18 – 25 tuổi, trường hợp đã được tạm hoãn thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
– Còn dân quân tự vệ thì dành cho thanh niên có độ tuổi từ đủ 18 – hết 45 tuổi (nam) hoặc hết 40 tuổi (nữ).
– Như vậy, khác biệt thứ hai là của dân quân tự vệ so với nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an là độ tuổi lên đến 45, trong khi nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an tối đa là 27 và dân quân tự vệ có thể là nữ, còn nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, nghĩa vụ bắt buộc chỉ áp dụng đối với nam.
Điều 30. Độ tuổi gọi nhập ngũ (Luật Nghĩa vụ quân sự)
Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. |
Điều 2. Đối tượng áp dụng (Thông tư 45/2019/TT-BCA)
1. Công dân được khám sức khỏe tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, gồm: a) Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự; b) Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. |
Điều 8. Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình (Luật Dân quân tự vệ)
1. Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ. |
3. Về thời gian đi thực hiện nghĩa vụ
– Thời gian đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an và dân quân tự vệ đều 24 tháng.
– Khi hoàn thành nghĩa vụ công an thì được coi là đã thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
– Khi hoàn thành thời gian đi dân quân tự vệ thường trực đủ 24 tháng trở lên thì được công nhận là đã hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.
Điều 21. Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ (Luật Nghĩa vụ quân sự)
1. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. |
Điều 8. Nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (Luật Công an nhân dân)
1. Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Hằng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây: a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ. |
Điều 8. Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình (Luật Dân quân tự vệ)
2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều này. |
Điều 4. Nghĩa vụ quân sự (Luật Nghĩa vụ quân sự)
3. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ. 4. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình: a) Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; |
4. Về điều kiện
– Đi nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an hay dân quân tự vệ đều đòi hỏi thanh niên phải có lý lịch rõ ràng; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà Nước; có đủ sức khoẻ để thực hiện nghĩa vụ. Riêng nghĩa vụ công an thì thanh niên phải không có tiền án, tiền sự, phải có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm, đáp ứng tiêu chuẩn chính trị riêng trong ngành công an nhân dân.
– Về trình độ văn hoá thì dân quân tự vệ không yêu cầu. Đối với nghĩa vụ quân sự yêu cầu thanh niên thông thường phải học từ lớp 8 trở lên, trường hợp đặc biệt (như ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số) thì có thể dưới lớp 5; Còn nghĩa vụ công an thì đòi hỏi thanh niên phải tốt nghiệp THPT trở lên (hết lớp 12), trường hợp đặc biệt thì phải tốt nghiệp THCS (hết lớp 9)
Điều 31. Tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (Luật Nghĩa vụ quân sự)
1. Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây: a) Lý lịch rõ ràng; b) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; c) Đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo quy định; d) Có trình độ văn hóa phù hợp. 2. Tiêu chuẩn công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định tại Điều 7 của Luật Công an nhân dân. |
Điều 5. Tiêu chuẩn tuyển chọn (Nghị định 70/2019/NĐ-CP)
Công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây: 1. Có lý lịch rõ ràng. 2. Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm. 3. Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ theo chế độ nghĩa vụ trong Công an nhân dân. 4. Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. 5. Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. |
Điều 10. Tiêu chuẩn, tuyển chọn và thẩm quyền quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ (Luật Dân quân tự vệ)
1. Công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, có đủ các tiêu chuẩn sau đây được tuyển chọn vào Dân quân tự vệ: a) Lý lịch rõ ràng; b) Chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; c) Đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ. 2. Việc tuyển chọn vào Dân quân tự vệ được quy định như sau: a) Bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật; b) Hằng năm, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trực tiếp tuyển chọn. 3. Quân nhân dự bị chưa sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được tuyển chọn vào đơn vị Dân quân tự vệ. 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ. 5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết khoản 1 Điều này. |
5. Về cách đăng ký
– Đối với nghĩa vụ quân sự thì thanh niên trong độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự sẽ được địa phương phát lệnh gọi đi đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi đi khám sức khoẻ và nếu đủ điều kiện thì sẽ lên đường nhập ngũ.
– Đối với nghĩa vụ công an thì địa phương sẽ căn cứ vào kế hoạch, chỉ tiêu hàng năm mà sẽ phát thông báo để thanh niên đăng ký dự tuyển. Thanh niên cần nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, cũng sẽ có lệnh gọi đi khám sức khoẻ và nếu đáp ứng tất cả điều kiện và trong chỉ tiêu được giao thì Công an cấp huyện sẽ ra lệnh gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân.
– Đối với dân quân tự vệ, tháng 4 hàng năm, UBND cấp xã sẽ tổ chức đăng ký cho công dân trong độ tuổi đi dân quân tự vệ và việc quyết định công dân đi dân quân tự vệ là thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã. Chi tiết về điều kiện, chỉ tiêu, kế hoạch gọi công dân đi dân quân tự vệ thì thanh niên nên chủ động liên hệ UBND xã/phường/thị trấn nơi thường trú để được hướng dẫn.
Điều 16. Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu (Luật Nghĩa vụ quân sự)
2. Tháng tư hằng năm, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi công dân quy định tại khoản 1 Điều này để đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. |
Điều 4. Đối tượng tuyển chọn và thời gian phục vụ (Nghị định 70/2019/NĐ-CP)
2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể độ tuổi tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đơn vị sử dụng và quy định ngành nghề cần thiết để tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với nhu cầu sử dụng trong từng thời kỳ. |
Điều 10. Tiêu chuẩn, tuyển chọn và thẩm quyền quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ (Luật Dân quân tự vệ)
2. Việc tuyển chọn vào Dân quân tự vệ được quy định như sau: a) Bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật; b) Hằng năm, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trực tiếp tuyển chọn. 3. Quân nhân dự bị chưa sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được tuyển chọn vào đơn vị Dân quân tự vệ. 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ. |
6. Về chế độ
– Đi nghĩa vụ quân sự và đi nghĩa vụ công an được hưởng nhiều chế độ, quyền lợi nhất, như là được tiền trợ cấp, chế độ BHXH, BHYT, nghỉ phép, cộng điểm tuyển sinh, thi công chức, viên chức v.v… Công ty Luật đã có chia sẻ chi tiết các quyền lợi khi tham gia nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công an, các bạn quan tâm có thể xem trong đường link bên dưới:
– Còn đối với đi dân quân tự vệ, cụ thể là đi dân quân thường trực thì được ít chế độ hơn, và mức hưởng thấp hơn nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. các chế độ cơ bản có thể kể đến như trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn, chế độ BHXH, BHYT, trợ cấp một lần sau khi hoàn thành nghĩa vụ…
Điều 12. Định mức bảo đảm trợ cấp, tiền ăn đối với dân quân thường trực (Nghị định 72/2020/NĐ-CP)
1. Mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm, tiền ăn theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 11 Nghị định này; đối với dân quân thuộc hải đội dân quân thường trực thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này; được bảo đảm nơi ăn, nghỉ. 2. Mức trợ cấp một lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, cứ mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 2.980.000 đồng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1.490.000 đồng; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 2.980.000 đồng. 3. Mức trợ cấp đặc thù đi biển theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định này. 4. Mức hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 5. Tiêu chuẩn vật chất hậu cần như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ. |
Trên đây là bài viết chia sẻ đến các bạn học sinh, các vị phụ huynh một số nội dung so sánh, phân biệt về nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an và dân quân tự vệ.
PHÒNG PHÁP LÝ – CÔNG TY LUẬT CIS
109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Liên hệ: 028 38257196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn