Cắt sóng 2G trong năm 2024! Người dân được hỗ trợ gì để chuyển đổi điện thoại 4G?

Điện thoại 2G thường được các ông bà, cha mẹ và các cô chú lớn tuổi quen dùng vì pin lâu, nhỏ gọn và giá mềm – nên dù smartphone 4G đã rất phổ biến, nhưng nhiều điện thoại 2G vẫn được nhiều người tin dùng.

Tuy nhiên, sắp tới đây các nhà mạng tại Việt Nam sẽ phải cắt sóng 2G vì giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện sử dụng cho công nghệ 2G không được tiếp tục gia hạn. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu giảm số thuê bao 2G còn dưới 5% vào cuối năm 2023 và hạn cuối cho việc dừng công nghệ 2G tại Việt Nam là tháng 9/2024.

Như vậy, người dùng điện thoại 2G tại Việt Nam sẽ phải chuyển sang điện thoại có chức năng dùng được mạng 4G mới nghe gọi, nhắn tin được như trước.[1]

Vậy, quy định cắt sóng 2G cụ thể như thế nào? Người dân dùng điện thoại 2G bị cắt sóng có được hỗ trợ gì hay không? Xin mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây.

1. Cắt sóng 2G theo quy định nào?

∗ Sóng 2G là gì?

“G” là viết tắt của từ “Generation”, nghĩa là “thế hệ”. Sóng 2G là công nghệ mạng viễn thông di động thế hệ 2 ra đời vào năm 1991[2], được sử dụng phổ biến và rộng rãi đến nay.

Theo thống kê, hiện có khoảng 26 triệu thuê bao di động 2G, chiếm 20% trong tổng số 126 triệu thuê bao di động trên toàn quốc[3], chủ yếu là người già, người có thu nhập thấp hoặc người dân sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa hải đảo, nơi 4G chưa phủ sóng rộng rãi.

Với các nhược điểm của sóng 2G, như tốc độ không cao, tín hiệu không ổn định, đặc biệt là vấn đề về tính bảo mật, nên ngày 31/12/2020, Bộ Thông tin truyền thông ban hành Thông tư 43/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành từ 01/07/2021, quy định về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất – phần truy nhập vô tuyến”, theo đó, tất cả điện thoại di động (“ĐTDĐ”) được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ tháng 7/2021 phải tích hợp công nghệ 4G, nghĩa là, điện thoại “thuần” 2G sẽ không được phép sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam. Và vào tháng 9/2022, Bộ TT-TT ban hành Văn bản số 4833/BTTTT-CVT về việc định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G.

Theo đó, dự kiến đến tháng 9/2024, không còn thuê bao 2G Only trên mạng di động. Từ tháng 9/2024 đến tháng 9/2026, hệ thống 2G được duy trì cho cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin cho các thuê bao sử dụng máy 3G, 4G Non-VoLTE.[4]

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các nhà mạng đã cam kết thực hiện khoá các thiết bị chỉ dùng sóng 2G ngay từ tháng 12/2023 này.

nam-2024-cat-song-2g

2. Người dân dùng điện thoại 2G bị cắt sóng có được hỗ trợ gì không?

Khi cắt sóng 2G thì người dùng sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại 3G, 4G hay 5G để có thể sử dụng được chức năng nghe gọi, nhắn tin qua sóng vô tuyến điện thoại của nhà mạng.

Bộ TT&TT đã xây dựng lộ trình cắt sóng rõ ràng cho các nhà mạng, không cắt sóng đột ngột và có chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân đang dùng điện thoại 2G có điều kiện chuyển đổi điện thoại 4G mới, cụ thể:

♦Về phía nhà mạng: theo thông báo trên các website của nhà mạng, người dân dùng điện thoại 2G đổi sang 4G có thể được trợ giá thiết bị, tặng sim và nhiều gói cước khuyến mãi, ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo.

♦Về phía Nhà nước: Bắt đầu từ ngày 12/12/2022, người dân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh (smartphone) hoặc 500 ngàn đồng để trang bị điện thoại thông minh theo Thông tư 14/2022 của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, mỗi năm sẽ chỉ có một số lượng điện thoại thông minh nhất định và UBND cấp tỉnh sẽ là cơ quan có trách nhiệm quyết định tiêu chí và cách phân bổ tới từng đơn vị hành chính nhỏ hơn, trước khi tới hộ dân.

Ngoài ra, tuỳ từng địa phương mà có thể sẽ có các chính sách hỗ trợ từ việc kêu gọi ủng hộ, quyên góp của các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong địa bàn nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia của địa phương đó.

♦ Link Youtube:

PHÒNG PHÁP LÝ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582     Hotline: 0916.568.101

Email: info@cis.vn