Thay đổi lớn về cộng điểm ưu tiên tuyển sinh Đại học, cao đẳng từ năm 2023

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2023 sẽ diễn ra sớm hơn so với năm vừa rồi, kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức vào 04 ngày cuối tháng 6 với nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là chính sách cộng điểm ưu tiên. Thấu hiểu được Quý phụ huynh và các sĩ tử đang đặt nhiều sự quan tâm đến mức điểm ưu tiên được cộng, Công ty Luật CIS đã thực hiện bài viết “Thay đổi lớn về cộng điểm ưu tiên tuyển sinh Đại học, Cao đẳng từ năm 2023” để giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề này.

1. Điểm ưu tiên trong tuyển sinh Đại học, Cao đẳng là gì?

Điểm ưu tiên trong tuyển sinh Đại học, Cao đẳng là số điểm cộng thêm vào tổng điểm 3 môn xét tuyển thi Đại học, Cao đẳng căn cứ vào chính sách ưu tiên theo đối tượng hoặc theo khu vực tuyển sinh mà Nhà nước quy định. Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật sẽ thông tin đến Quý phụ huynh và các sĩ tử nội dung thay đổi liên quan đến chính sách cộng điểm ưu tiên theo khu vực năm 2023.

thay-doi-lon-ve-cong-diem-uu-tien

2. Điểm ưu tiên khu vực năm 2023

Bản chất của cộng điểm ưu tiên theo khu vực là nhằm tạo ra sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đồng đều.

Sau nhiều lần điều chỉnh, mức điểm ưu tiên khu vực được ghi nhận giảm dần theo thời gian, cụ thể:

– Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực.

– Từ năm 2004 đến 2017, tối đa là 1,5 điểm.

– Từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75 điểm.

Theo Quy chế tuyển sinh đại học mới nhất ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT, có tổng cộng 04 nhóm khu vực tuyển sinh như sau:

bang-phan-chia-dia-ban
Bảng phân chia các địa bàn trên cả nước theo khu vực tuyển sinh

Trừ Khu vực 3 (KV3) không được cộng điểm ưu tiên, thí sinh thuộc một trong 03 nhóm khu vực còn lại có mức cộng điểm như sau: 0.75 điểm cho thí sinh ở khu vực 1 (KV1), 0.5 điểm cho thí sinh KV2 nông thôn (KV2-NT) và 0.25 điểm cho thí sinh ở khu vực 2 (KV2).

3. Cách xác định khu vực tuyển sinh năm 2023

Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm Trường học mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học THPT hoặc Trung cấp; Nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng.

Trường hợp thí sinh đang học trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc có nơi thường trú trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135; các thôn, xã đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, nếu học cấp THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn thì được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú.

Hiện nay, chưa có một văn bản thống nhất quy định cụ thể từng khu vực tuyển sinh gồm những địa phương nào, mà nội dung này được quy định rải rác trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn theo từng giai đoạn nhất định.

Quý phụ huynh và các sĩ tử có thể tham khảo các văn bản về chính sách ưu tiên khu vực (kèm theo Công văn số 2598/BGDĐT-GDĐH ngày 20/6/2022 của Bộ Giáo dục & Đào tạo) tại đây. Công văn này liệt kê đầy đủ các văn bản quy định:

– Các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi;

– Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;

– Các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135.

Kể từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực trong năm tốt nghiệp và một năm kế tiếp. Điều này có nghĩa là, bước sang năm thứ ba, thí sinh tự do sẽ không được cộng điểm ưu tiên theo khu vực nữa.

dich-vu-lam-the-apec

4. Cách tính điểm ưu tiên áp dụng từ năm 2023

Bộ Giáo dục & Đào tạo (sau đây gọi là Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm 2021, tỉ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên ở một số ngành/trường có điểm đầu vào cao như Công an, Quân đội, Y dược… điều này dẫn đến sự thiếu công bằng về tỷ lệ trúng tuyển giữa nhóm khu vực thí sinh không được cộng điểm ưu tiên và nhóm khu vực thí sinh được cộng điểm ưu tiên.

Để tạo công bằng cho thí sinh ở các vùng miền, Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm 2023, Bộ sẽ thay đổi cách tính điểm ưu tiên nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển Đại học, Cao đẳng.

Theo đó, cách tính điểm ưu tiên năm 2023 sẽ giảm tuyến tính kể từ mốc 22,5 điểm (khi quy đổi về điểm theo thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30), đây là mức điểm được cho là dễ gây ra mất công bằng đối với tổng 3 môn thi THPT để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng).

Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên được xác định theo công thức:

Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7.5] x Mức điểm ưu tiên

Như vậy theo công thức này, điểm tổng 3 môn xét tuyển Đại học, Cao đẳng của thí sinh từ 22,5 điểm trở lên, cứ càng tiệm cận về 30 thì số điểm ưu tiên được cộng càng giảm.

Ví dụ: thí sinh thuộc KV1, tổng điểm 3 môn xét tuyển là 21 điểm, dưới 22.5 điểm nên không tính theo công thức mà thí sinh sẽ được cộng tròn 0.75 điểm ưu tiên khu vực. Nếu thí sinh thuộc KV1, tổng điểm 3 môn xét tuyển là 27 điểm, do trên 22.5 điểm nên sẽ tính theo công thức trên, khi đó, số điểm ưu tiên = [(30 – 27)/7.5] x 0.75 = 0.3 điểm.

Như vậy, Công ty luật vừa thông tin đến Quý phụ huynh và các sĩ tử “Thay đổi lớn về cộng điểm ưu tiên tuyển sinh Đại học, cao đẳng từ năm 2023”. Mong rằng bài viết hữu ích cho Quý phụ huynh và các sĩ tử. Công ty Luật chúc các sĩ tử có một kỳ thi THPT suôn sẻ và đỗ đạt cao.

Luật sư – Công ty Luật CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: 
info@cis.vn