Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã được quốc hội thông qua, và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 với nhiều chính sách mới, nổi bật nhằm gia tăng quyền lợi và nới lỏng điều kiện để hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội cho người dân!
Trong bài viết “Top 6 điểm mới về bảo hiểm xã hội đã được quốc hội thông qua có hiệu lực từ năm 2025” dưới đây, Công ty Luật CIS tổng hợp và thông tin đến bạn đọc top 6 điểm mới, dự đoán là có tác động đến hơn 17 triệu người đã và đang tham gia Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam.
Thông tin chi tiết xin mời bạn đọc theo dõi tiếp nội dung bài viết.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- 1. Giảm số năm đóng Bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu
- 2. Bổ sung các trường hợp bắt buộc đóng Bảo hiểm xã hội
- 3. Quy định về việc rút Bảo hiểm xã hội 1 lần
- 4. Giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
- 5. Bỏ “mức lương cơ sở” làm căn cứ tính số tiền đóng và hưởng Bảo hiểm xã hội
- 6. Bổ sung hai chế độ cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Giảm số năm đóng Bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 vừa ban hành quy định, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên, thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Có thể thấy, quy định mới tăng cơ hội cho những người đóng Bảo hiểm xã hội trễ hoặc đóng không liên tục, vì hiện nay để hưởng lương hưu, chúng ta phải đóng Bảo hiểm xã hội ít nhất là 20 năm. Quy định mới giảm xuống còn ít nhất 15 năm.
Quy định mới này sẽ có thêm nhiều người được hưởng lương hưu và có Bảo hiểm y tế khi về già.
Mức lương hưu hằng tháng cũng được quy định mới tương ứng, theo đó:
– Lao động nữ đóng Bảo hiểm xã hội 15 năm, mức lương hưu được hưởng hàng tháng là 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2% và mức tối đa bằng 75%;
– Lao động nam đóng Bảo hiểm xã hội 20 năm, mức lương hưu được hưởng hàng tháng là 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2% và mức tối đa bằng 75%.
– Lao động nam đóng Bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Đối tượng | Mức hưởng | Mức cộng thêm |
Nữ đóng Bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, đủ tuổi nghỉ hưu | 45% | +2% mỗi năm đóng thêm
(mức tối đa 75%) |
Nam đóng Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm, đủ tuổi nghỉ hưu | 45% | +2% mỗi năm đóng thêm
(mức tối đa 75%) |
Nam đóng Bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, đủ tuổi nghỉ hưu | 40% tương ứng 15 năm đóng. | +1% mỗi năm đóng thêm. |
2. Bổ sung các trường hợp bắt buộc đóng Bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội mới mở rộng thêm đối tượng bắt buộc phải đóng Bảo hiểm xã hội gồm:
– Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh;
– Người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;
– Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hoặc không hưởng tiền lương.
– Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Việc mở rộng trường hợp phải tham gia chế độ Bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định mới được cho là góp phần tránh bỏ sót các nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia Bảo hiểm xã hội, và đảm bảo thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW về diện bao phủ đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng Bảo hiểm xã hội.
3. Quy định về việc rút Bảo hiểm xã hội 1 lần
Luật Bảo hiểm xã hội mới ban hành quy định:
Người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội trước ngày 1-7-2025, nếu sau 12 tháng không tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội tự nguyện và thời gian đóng Bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được rút Bảo hiểm xã hội một lần. |
Trường hợp người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội sau ngày 1-7-2025 sẽ không được rút Bảo hiểm xã hội một lần, trừ trường hợp:
– Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội;
– Mắc bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;
– Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Người khuyết tật đặc biệt nặng;
– Ra nước ngoài định cư.
Quy định này được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng rút Bảo hiểm xã hội một lần như thời gian vừa qua, nhằm đảm bảo an sinh xã hội bằng việc càng nhiều người thụ hưởng quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu.
4. Giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 vừa ban hành quy định:
Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên hoặc từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo là đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí. |
Quy định hiện nay, người cao tuổi được trợ cấp hưu trí là 80 tuổi, như vậy có thể thấy, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 75 tuổi.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu (tức là không đóng đủ 15 năm Bảo hiểm xã hội) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi), nếu không yêu cầu rút tiền Bảo hiểm xã hội 1 lần, không bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội, thì người lao động có thể yêu cầu được nhận tiền trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng Bảo hiểm xã hội của mình. Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và đang chờ Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết. (Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
5. Bỏ “mức lương cơ sở” làm căn cứ tính số tiền đóng và hưởng Bảo hiểm xã hội
Trước đây, cơ quan Bảo hiểm xã hội căn cứ vào “mức lương cơ sở” để tính mức đóng và mức hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội cho người dân, gồm các chế độ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí, tử tuất.
Tuy nhiên, “mức lương cơ sở” chỉ được áp dụng cho đến hết ngày 30/06/2025. Bắt đầu từ ngày 01/07/2025, “mức lương cơ sở” sẽ bị thay thế bằng “mức tham chiếu”
“Mức tham chiếu” là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Công ty Luật CIS sẽ cập nhật đến bạn đọc thông tin chi tiết khi Chính phủ công bố mức tham chiếu cụ thể áp dụng từ ngày 01/07/2025.
6. Bổ sung hai chế độ cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Luật Bảo hiểm xã hội năm nay bổ sung thêm chế độ cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo quy định cũ, người đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng hai chế độ là “hưu trí” và “tử tuất”.
Tuy nhiên theo quy định của Luật mới, người đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện được bổ sung thêm hai chế độ là “trợ cấp thai sản” và “bảo hiểm tai nạn lao động”, từ đó tăng thêm quyền lợi cho người dân và khuyến khích người dân lao động tự do tham gia Bảo hiểm xã hội.
Các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện | |
Khoản 3 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 | Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 |
Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Trợ cấp thai sản; b) Hưu trí; c) Tử tuất; d) Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động. |
Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí; b) Tử tuất. |
Trên đây là nội dung Công ty Luật CIS thông tin về “Top 6 điểm mới về bảo hiểm xã hội đã được quốc hội thông qua có hiệu lực từ năm 2025”, hy vọng nội dung nêu trên hữu ích với bạn đọc.