Ai được quyền đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?

Việc tạo ra một kiểu dáng, mẫu mã, bao bì sản phẩm có thể được thực hiện bởi người có chuyên môn về mỹ thuật, cũng có thể được thực hiện bởi một người tay ngang. Việc thiết kế này có thể được thực hiện bởi người của công ty hoặc do công ty thuê ngoài,… Vậy, ai có quyền đứng tên đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Các bạn hãy cùng xem qua bài viết này để biết bạn có thuộc trường hợp được quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp hay không nhé.

1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng của sản phẩm, bao gồm các đặc điểm ba chiều của một mặt hàng, hoặc có thể sự kết hợp của các đặc điểm hai chiều như đường nét, hoa văn hoặc màu sắc.

Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 định nghĩa về kiểu dáng công nghiệp như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ 

13. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

2. Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là gì?

Để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, ngoài việc tối ưu hóa công năng sản phẩm, các đơn vị sản xuất cũng dần chú trọng hơn trong việc phát triển về hình thức, kiểu dáng sản phẩm để tạo sự hấp dẫn đến người tiêu dùng. Kiểu dáng sản phẩm này không mặc nhiên được bảo hộ độc quyền mà chỉ được bảo hộ khi thực hiện thủ tục đăng ký và khi kiểu dáng công nghiệp đáp ứng các điều kiện bảo hộ thì người đăng ký được cấp văn bằng độc quyền. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp sẽ ghi nhận các thông tin như: Chủ sở hữu, ngày đăng ký, bản vẽ/ bộ ảnh chụp kiểu dáng được bảo hộ…

Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là việc kiểu dáng công nghiệp được nhà nước bảo vệ trước các hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp và bảo hộ chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được độc quyền sử dụng, khai thác kiểu dáng đó.

Hiện nay rất nhiều đơn vị đã tiến hành đăng ký bảo hộ kiểu dáng sản phẩm, từ các sản phẩm điện tử, điện máy (điện thoại, ô tô, máy móc…), cho đến các đồ gia dụng thường ngày (nội thất, chai lọ, dụng cụ nhà bếp…).

ai-duoc-dang-ky-bao-ho-kieu-dang-cong-nghiep
Một số kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký

3. Tại sao cần đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, khi kiểu dáng công nghiệp đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ, Người được cấp văn bằng bảo hộ (Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp) có các quyền độc quyền sau đây:

  • Sử dụng, cho phép người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp;
  • Ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp;
  • Định đoạt kiểu dáng công nghiệp.

Điều đó có nghĩa nếu không đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bạn không được độc quyền sử dụng, ngăn cấm người khác sản xuất kiểu dáng công nghiệp của bạn.

Mục đích chính của thiết kế kiểu dáng sản phẩm là làm cho sản phẩm trở nên hấp dẫn và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Nếu bạn không đăng ký, đối thủ cạnh tranh có quyền sản xuất kiểu dáng của bạn, như vậy có nghĩa là họ đã “lấy đi” những khách hàng quen thuộc của bạn.

Việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải được thực hiện càng sớm càng tốt để tránh bị mất tính mới.

4. Ai được quyền đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?

Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 quy định về quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp như sau:

Điều 86. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

1. Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:

a) Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.

3. Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

4. Người có quyền đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

Như vậy, cá nhân hay tổ chức đều có quyền đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, tùy vào từng trường hợp ai là người đầu tư kinh phí, tạo điều kiện để thiết kế ra kiểu dáng đó. Ngoài ra, kiểu dáng công nghiệp có thể do nhiều người đứng tên đăng ký và được gọi là đồng chủ sở hữu.

5. Người dưới 18 tuổi có được đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp không?

Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

Điều 21. Người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Như vậy, người chưa thành niên chưa thể đứng tên đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, mà phải thông qua người đại diện hợp pháp thực hiện.

Những người đại diện theo pháp luật của cá nhân được quy định tại Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:

Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

6. Người nước ngoài có được đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam không?

Người nước ngoài như các tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam thì phải thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Nội dung này được quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019):

Điều 89. Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp

2. Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

Quy định này được hướng dẫn chi tiết tại Điểm b Khoản 3.2 Điều 3 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 (sửa đổi năm 2010, 2011, 2013 và 2016):

3. Đại diện của chủ đơn

3.2 Những tổ chức, cá nhân sau đây có thể đại diện cho chủ đơn:

b) Đối với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Sở hữu trí tuệ: tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (theo uỷ quyền của chủ đơn).

Như vậy, đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, không có trụ sở, cơ sở kinh doanh tại Việt Nam mà muốn nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải thông qua Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp.

7. Thành phần hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp gồm những gì?

Một bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thông thường bao gồm những tài liệu sau:

  • Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp (Tải về mẫu A-03-KDCN);
  • Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp gồm các thông tin chi tiết về kiểu dáng như: tên kiểu dáng công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất, liệt kê ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng, mô tả chi tiết kiểu dáng, yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
  • Bộ ảnh chụp/ bản vẽ kiểu dáng công nghiệp;
  • Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp);
  • Tài liệu bổ trợ khác (nếu có).

8. Cơ quan đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam.

Hiện nay cơ quan duy nhất có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ.

Nếu tiến hành đăng ký, bạn có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ có trụ sở ở Hà Nội, hoặc Văn phòng đại diện tại TP. Đà Nẵng, hoặc Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, bạn có cũng có thể tiến hành nộp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu Trí tuệ theo đường link tại đây:

http://dvctt.noip.gov.vn:8888/HomePage.do

Để đăng ký theo cách này bạn cần có chữ ký số (còn gọi là USB Token) và phải đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

9. Những lưu ý khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định mới được cấp độc quyền. Một số điều kiện cơ bản như: có tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp.

Ngoài ra bạn cũng có thể bị từ chối ở khâu hình thức hồ sơ như không nộp đủ các tài liệu theo quy định, bản mô tả, bộ bản vẽ/bộ ảnh chụp kiểu dáng công nghiệp không hợp lệ… Bạn phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thì mới có thể thực hiện được một bộ hồ sơ kiểu dáng hợp lệ theo quy định.

Hơn nữa, một hồ sơ kiểu dáng công nghiệp thông thường phải trải qua thời gian xử lý khá lâu, thông thường kéo dài khoảng 12-15 tháng. Trong quá trình này, bạn phải theo dõi các thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ, nếu không, hồ sơ của bạn có thể bị quá hạn phản hồi, và có thể là bị “đóng hồ sơ”. Nếu bạn nhờ một Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp thì họ sẽ làm việc này cho bạn.

10. Dịch vụ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của Công ty Luật CIS

Công ty Luật Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm)Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Luật sư và chuyên viên của Chúng tôi đã được đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:

  • Tư vấn về khả năng đăng ký và sử dụng kiểu dáng công nghiệp;
  • Tư vấn hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
  • Tiến hành các thủ tục phản đối, khiếu nại và hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
  • Gia hạn hiệu lực bằng độc quyền bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
  • Ghi nhận những thay đổi liên quan đến bằng độc quyền bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
  • Tư vấn đăng ký chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp;
  • Quản lý hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại đến khi có kết quả cuối cùng, chủ động cập nhật tình trạng xử lý hồ sơ và kịp thời phúc đáp ý kiến của Cơ quan đăng ký.

Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, Bạn vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580
Email: info@cis.vnsohuutritue@cis.vn