Kinh nghiệm đăng ký bảo hộ thương hiệu

Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký thương hiệu và đã thực hiện đăng ký từ rất sớm, tuy nhiên lại chưa nắm được quy trình, thủ tục và điều kiện bảo hộ thương hiệu, dẫn đến việc hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu bị từ chối vì nhiều lý do khác nhau.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm khi đăng ký bảo hộ thương hiệu một cách hiệu quả nhất.

1. Thương hiệu là gì?

Theo Wikipedia, Thương hiệu là tên gọi, thuật ngữ, thiết kế, hình tượng hoặc các dấu hiệu khác giúp phân biệt một tổ chức hoặc một sản phẩm với đối thủ trong mắt của người tiêu dùng. Các dấu hiệu có thể là những ký hiệu, biểu trưng, thiết kế, từ ngữ mang tính khẩu hiệu,… được gắn vào bao bì sản phẩm, mác sản phẩm, hay bản thân sản phẩm.

Theo Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ_ AMA (American Marketing Association): Thương hiệu là một cái tên, một thuật ngữ, một thiết kế, ký hiệu hoặc bất cứ thứ gì khác để phân biệt hàng hóa/ dịch vụ của những người bán khác nhau. (nguyên gốc: A brand is a name, term, design, symbol, or any other feature that identifies one seller’s good or service as distinct from those of other sellers.)

Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới_ WIPO (World Intellectual Property Organization): Mặc dù thuật ngữ “thương hiệu” đôi khi được sử dụng như một từ đồng nghĩa của “nhãn hiệu” trong lĩnh vực thương mại, nhưng nó thường được sử dụng theo nghĩa rộng hơn bao gồm sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và vô hình, chẳng hạn như một nhãn hiệu, một thiết kế, biểu tượng, hình ảnh thương mại, khái niệm, ảnh và danh tiếng mà các yếu tố đó liên quan tới các sản phẩm dịch vụ cụ thể. Một số chuyên gia coi bản thân hàng hóa hoặc dịch vụ là một phần của thương hiệu. (Nguyên gốc) Although the term “brand” is sometimes used as a synonym for a “trademark”, in commercial circles the term “brand” is frequently used in a much wider sense to refer to a combination of tangible and intangible elements, such as a trademark, design, logo and trade dress, and the concept, image and reputation which those elements transmit with respect to specified products and/or services. Some experts consider the goods or services themselves as a component of the brand).

Như vậy, trước tiên, thương hiệu được hiểu là dấu hiệu, theo đó:

  • Dấu hiệu này có thể là tên gọi, thuật ngữ, thiết kế (logo), ký hiệu hay bất cứ dấu hiệu nào khác.
  • Dấu hiệu này dùng để nhận diện một sản phẩm, một dịch vụ hay nhận diện nhiều sản phẩm, nhiều dịch vụ của Doanh nghiệp, Công ty;
  • Dấu hiệu này giúp phân biệt sản phẩm, dịch vụ của Doanh nghiệp, Công ty này với sản phẩm, dịch vụ của Doanh nghiệp, Công ty khác.
  • Dấu hiệu này thường được gắn lên hàng hoá, bảng hiệu, bao bì, giấy tờ giao dịch, website, fanpage, các phương tiện kinh doanh…

Như vậy, mục đích cuối cùng của Thương hiệu là sự phân biệt, theo đó, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để Người tiêu dùng có thể nhận ra sản phẩm, dịch vụ của mình, và theo đó, giữ chân họ luôn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.

Vậy, bạn phải duy trì, bảo vệ sự phân biệt đó, không để Người tiêu dùng nhầm lẫn với thương hiệu khác. Tuy nhiên, nếu có người cố ý làm người tiêu dùng nhầm lẫn thì như thế nào? Bạn nên làm gì để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu, hãy xem tiếp nội dung bên dưới.

2. Đăng ký bảo hộ thương hiệu là gì?

Bạn muốn duy trì sự nhận biết, sự phân biệt sản phẩm, dịch vụ của bạn với Người khác, nghĩa là bạn muốn độc quyền thương hiệu, theo đó, không một ai có thể sử dụng thương hiệu giống hoặc tương tự với thương hiệu của bạn, vậy thì bạn phải đăng ký bảo hộ thương hiệu (hay còn gọi bảo hộ độc quyền nhãn hiệu).

Theo quy định, đăng ký bảo hộ thương hiệu là việc đăng ký để bảo hộ độc quyền việc sử dụng thương hiệu đó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, và cấm không cho người khác sử dụng thương hiệu của bạn để đặt tên cho thương hiệu của họ.

Để đăng ký bảo hộ thương hiệu, bạn cần chuẩn bị hồ sơ như ở Mục 3 bên dưới và phải được thực hiện theo quy trình chúng tôi hướng dẫn ở Mục 4 và Mục 5 trong bài viết này.

Nếu thương hiệu của bạn đáp ứng các điều kiện bảo hộ, bạn sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ, giấy này gọi là Giấy chứng nhận bảo hộ.

3. Đăng ký bảo hộ thương hiệu như thế nào?

Để thương hiệu của bạn được bảo hộ, bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ Thương hiệu gồm các bước sau:

Bước 1: Bạn nộp hồ sơ đăng ký;

Bước 2: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định hình thức: 01 tháng, kể từ ngày nộp đơn;

Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ công bố đơn: đơn hợp lệ sẽ được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày hợp lệ;

Bước 4: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung: 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn;

Bước 5: Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ/từ chối cấp văn bằng cho bạn.

kinh-nghiem-dang-ky-bao-ho-thuong-hieu

4. Hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gồm những gì?

Hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gồm có:

  1. Tờ khai đăng ký (Tải về mẫu A04).
  2. 05 mẫu thương hiệu cần đăng ký (kích thước 80 x 80 mm).
  3. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
  4. Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện).
  5. Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác.

5. Kinh nghiệm đăng ký bảo hộ thương hiệu

Công ty Luật vừa nêu đầy đủ, chi tiết hồ sơ và thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu, và nhìn vào thì bạn có thể thấy khá dễ thực hiện. Nếu bạn làm theo, chắc chắn bạn sẽ nộp được hồ sơ.

Tuy nhiên, có phải bạn nộp được hồ sơ thì Thương hiệu của bạn sẽ được bảo hộ? KHÔNG phải như vậy. Thương hiệu của bạn chỉ được bảo hộ khi thương hiệu đó đáp ứng rất nhiều điều kiện, theo đó, Công ty Luật sẽ chia sẻ với bạn một số kinh nghiệm đăng ký bảo hộ thương hiệu.

5.1. Thương hiệu đăng ký mang tính mô tả

Một trong các trường hợp phổ biến làm cho hồ sơ đăng ký bảo hộ Thương hiệu bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ là khi thương hiệu chỉ có tính mô tả.

Liên quan đến tính mô tả của thương hiệu, Khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 quy định như sau:

“Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;

c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụtrừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;

d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lýlĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;”

Cụ thể hóa nội dung trên, Khoản 39.3 và 39.4 Điều 39 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi năm 2010, 2011, 2013 và 2016 cũng có quy định về những dấu hiệu chữ, dấu hiệu hình sau đây bị coi là không có khả năng phân biệt:

39. Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu

39.3 Đánh giá khả năng phân biệt của dấu hiệu dạng chữ viết, chữ số (sau đây gọi là “dấu hiệu chữ”) theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ:

e) Một từ hoặc một tập hợp từ được sử dụng tại Việt Nam như tên gọi thông thường của chính hàng hóa, dịch vụ liên quan;

g) Một từ hoặc một tập hợp từ mang nội dung mô tả chính hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu như dấu hiệu chỉ dẫn về thời gian, địa điểm, nguồn gốc địa lý (trừ trường hợp nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc nhãn hiệu tập thể), phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất (trừ trường hợp nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của hàng hóa, dịch vụ), thành phần, công dụng, giá trị của hàng hóa, dịch vụ;

h) Một từ hoặc một tập hợp từ có ý nghĩa mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ nhãn hiệu;

39.4 Đánh giá khả năng phân biệt của dấu hiệu dạng hình vẽ, hình ảnh (sau đây gọi là “dấu hiệu hình”) theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ

d) Hình vẽ, hình ảnh mang tính mô tả chính hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; địa điểm, phương pháp sản xuất, nguồn gốc địa lý, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;”

Như vậy, khi thực hiện thủ tục đăng ký thương hiệu, nếu thương hiệu của bạn chỉ bao gồm yếu tố mô tả thì thường sẽ bị cơ quan đăng ký ra thông báo từ chối bảo hộ.

Một số ví dụ để bạn có thể hình dung như sau:

– “Quán cháo ếch” sẽ bị coi là mang tính mô tả nếu bạn đăng ký cho dịch vụ nhà hàng ăn uống;

– “Đá Thiên Nhiên” sẽ bị coi là mang tính mô tả nếu bạn đăng ký cho việc sản xuất sản phẩm đá, mua bán sản phẩm đá;

– “Giải trí TV” sẽ bị coi là mang tính mô tả nếu bạn đăng ký cho dịch vụ giải trí.

5.2.Thương hiệu bị trùng/tương tự

Một trường hợp phổ biến khác mà khi đăng ký thương hiệu bạn thường bị vướng đó là: thương hiệu bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã nộp trước.

Liên quan đến việc trùng, tương tự của thương hiệu, Khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 quy định như sau:

Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này;”

Khoản 39.8 và 39.9 Điều 39 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi năm 2010, 2011, 2013 và 2016 hướng dẫn cụ thể nội dung trên như sau:

39. Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu

39.8 Đánh giá sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn của dấu hiệu yêu cầu đăng ký với nhãn hiệu khác

a) Để đánh giá dấu hiệu yêu cầu đăng ký nêu trong đơn có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu khác (sau đây gọi là “nhãn hiệu đối chứng”) hay không, cần phải so sánh về cấu trúc, nội dung, cách phát âm (đối với dấu hiệu chữ), ý nghĩa và hình thức thể hiện của dấu hiệu (đối với cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình), đồng thời phải tiến hành so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng theo quy định tại điểm này.

b) Dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đối chứng: dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu đối chứng nếu dấu hiệu đó giống hệt nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện.

c) Dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng nếu:

(i) Dấu hiệu đó gần giống với nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc hoặc/và nội dung hoặc/và cách phát âm hoặc/và ý nghĩa hoặc/và hình thức thể hiện đến mức làm cho người tiêu dùng tưởng lầm rằng hai đối tượng đó là một hoặc đối tượng này là biến thể của đối tượng kia hoặc hai đối tượng đó có cùng một nguồn gốc;

(ii) Dấu hiệu chỉ là bản phiên âm hoặc dịch nghĩa từ nhãn hiệu đối chứng nếu nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng.

39.9 Đánh giá sự tương tự của hàng hóa, dịch vụ

a) Hai hàng hoá hoặc hai dịch vụ bị coi là trùng nhau (cùng loại) khi hai hàng hoá hoặc hai dịch vụ đó có các đặc điểm sau đây:

(i) Có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo…) và cùng chức năng, mục đích sử dụng; hoặc

(ii) Có bản chất gần giống nhau và cùng chức năng, mục đích sử dụng;

b) Hai hàng hóa hoặc hai dịch vụ bị coi là tương tự nhau khi hai hàng hóa hoặc hai dịch vụ đó có các đặc điểm sau đây:

(i) Tương tự nhau về bản chất; hoặc

(ii) Tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng; và

(iii) Được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng…);

c) Một hàng hóa và một dịch vụ bị coi là tương tự nhau nếu thuộc một hoặc các trường hợp sau đây:

(i) Giữa chúng có mối liên quan với nhau về bản chất (hàng hóa, dịch vụ hoặc nguyên liệu, bộ phận của hàng hóa, dịch vụ này được cấu thành từ hàng hóa, dịch vụ kia); hoặc

(ii) Giữa chúng có mối liên quan với nhau về chức năng (để hoàn thành chức năng của hàng hóa, dịch vụ này phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ kia hoặc chúng thường được sử dụng cùng nhau); hoặc

(iii) Giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ với nhau về phương thức thực hiện (hàng hóa, dịch vụ này là kết quả của việc sử dụng, khai thác hàng hóa, dịch vụ kia…).

Bạn có thể xem một số ví dụ dưới đây để có thể hình dung được về các trường hợp thương hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn:

Tương tự về phát âm:

kinh-nghiem-dang-ky-bao-ho-thuong-hieu

Tương tự về ý nghĩa:

kinh-nghiem-dang-ky-bao-ho-thuong-hieu

Tương tự về hình thức thể hiện:

kinh-nghiem-dang-ky-bao-ho-thuong-hieu

5.3.Theo dõi hồ sơ

Khi bạn nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu thì hồ sơ của bạn sẽ trải qua các bước như chúng tôi đã nêu ở Mục 3 trong bài viết này.

kinh-nghiem-dang-ky-bao-ho-thuong-hieu

Trung bình thì thời gian để Cục Sở hữu trí tuệ xem xét bảo hộ Thương hiệu của bạn thường kéo dài khá lâu, khoảng hơn 18-24 tháng. Và hiện nay, các thông báo kết quả của Cục Sở hữu trí tuệ gửi cho bạn chủ yếu gửi qua đường bưu điện và trong trường hợp hồ sơ gặp vấn đề thì đều có ấn định thời hạn trả lời (2 tháng đối với giai đoạn thẩm định hình thức, 3 tháng đối với giai đoạn thẩm định nội dung hoặc đóng phí cấp bằng). Nếu bạn không nhận được thông báo hoặc quá hạn ấn định mà bạn không trả lời thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ thì hồ sơ đăng ký thương hiệu đó sẽ bị từ chối.

Vẫn có một số trường hợp ngoại lệ rất đặc biệt, ví dụ như: trở ngại khách quan hoặc lỗi không do bạn, chẳng hạn như là do dịch covid nên phải cách ly, giãn cách xã hội, không kịp thời trả lời đúng hạn các thông báo… Dĩ nhiên, bạn cần phải có đầy đủ bằng chứng để chứng minh và trình bày để cơ quan đăng ký xem xét lại.

6. Dịch vụ đăng ký thương hiệu của Công ty Luật

Như vậy, để Thương hiệu của bạn được bảo hộ, phải xem tên Thương hiệu của bạn có đáp ứng đầy đủ những điều kiện nêu trên hay không. Tuy nhiên, việc này thật sự rất khó, vì bạn phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thì mới có thể thực hiện được. Do vậy, chúng tôi khuyên bạn nên tìm một Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp có nhiều kinh nghiệm để họ đánh giá.

Ngoài ra, khi bạn ủy quyền cho đơn vị là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp như Công ty Luật CIS, thì Đại diện Sở hữu công nghiệp được coi là đại diện hợp pháp của bạn và được phép làm việc trực tiếp với cơ quan đăng ký khi đơn có bất kỳ vấn đề gì.

Công ty Luật Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm)Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Luật sư và chuyên viên của Chúng tôi đã được đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:

  • Tra cứu thông tin liên quan đến thương hiệu;
  • Tư vấn về khả năng đăng ký và sử dụng Thương hiệu;
  • Tư vấn hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu;
  • Tiến hành các thủ tục phản đối, khiếu nại và hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu;
  • Gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu;
  • Ghi nhận những thay đổi liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu;
  • Tư vấn đăng ký chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với Thương hiệu;
  • Quản lý hồ sơ đăng ký Thương hiệu đến khi có kết quả cuối cùng, chủ động cập nhật tình trạng xử lý hồ sơ và kịp thời phúc đáp ý kiến của Cơ quan đăng ký.

Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ thương hiệu, Bạn vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580
Email: info@cis.vnsohuutritue@cis.vn