Hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và cung cấp dịch vụ diễn ra ngày càng sôi nổi. Các doanh nghiệp Việt Nam mang các sản phẩm, dịch vụ gắn với thương hiệu của mình ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đi đôi với sự phát triển này, là sự xuất hiện các thách thức, khó khăn khi việc đạo nhái, đánh cắp và đầu cơ thương hiệu diễn ra ngày càng phổ biến.
Vậy làm sao để bảo hộ thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế? Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết “Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài mới nhất năm 2023” dưới đây của Công ty Luật CIS.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- 1. Thương hiệu là gì?
- 2. Đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài là gì?
- 3. Tại sao cần phải đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài?
- 4. Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài mới nhất năm 2023
- 5. Thành phần hồ sơ đăng ký thương hiệu ở nước ngoài gồm những gì?
- 6. Nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu ở nước ngoài ở đâu?
- 7. Phí đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài bao nhiêu?
- 8. Những lưu ý khi đăng ký thương hiệu ở nước ngoài.
- 9. Dịch vụ đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài của Công ty Luật CIS.
1. Thương hiệu là gì?
Thương hiệu là những dấu hiệu mà các cá nhân, tổ chức sử dụng trong hoạt động kinh doanh nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình so với các đơn vị kinh doanh khác trên thị trường.
Thương hiệu đóng vai trò quan trọng không chỉ với các cá nhân, tổ chức trong kinh doanh mà còn đối với người tiêu dùng. Đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh, thương hiệu là công cụ hỗ trợ đắc lực để nhận diện và phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác. Mức độ nhận diện của thương hiệu càng cao trong lòng người tiêu dùng, thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh sở hữu thương hiệu đó càng tạo dựng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, từ đó mang lại nguồn thu tài chính lớn lao cho chủ thương hiệu. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng giúp người tiêu dùng xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, tránh mất thời gian, chi phí và công sức trong việc tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm.
Các dấu hiệu làm nên thương hiệu rất đa dạng, phong phú, chúng ta có thể thấy đó có thể là một cái tên (Dior, Channel,..), một từ tự tạo độc đáo (LEGO, Netflix,…), khẩu hiệu (Thơm ngon đến giọt cuối cùng, Cà phê năng lượng – Cà phê đổi đời,…) hoặc hình ảnh biểu trưng như logo (logo của Facebook là một chữ “F” viết in hoa màu trắng trên khung nền hình vuông màu xanh lam, logo của YouTube với 3 màu đen – trắng – đỏ, tên “You” và “Tube” được tách riêng, “Tube” là màu trắng được đặt trên một viền màu đỏ như hình dạng của chiếc TV,…),v.v…được thể hiện trực tiếp trên sản phẩm, hoặc in ấn trên bao bì, nhãn mác hoặc trên các phương tiện kinh doanh của chủ thương hiệu (website, biển hiệu, brochure, name card,…).
2. Đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài là gì?
Đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài là việc doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình tại các quốc gia khác với quốc gia mà mình mang quốc tịch để yêu cầu bảo hộ độc quyền thương hiệu của mình tại quốc gia đó.
Mục đích của việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài là được độc quyền sử dụng thương hiệu, không bất kỳ ai có thể sử dụng thương hiệu giống hoặc tương tự với thương hiệu của bạn trong lĩnh vực tương ứng.
3. Tại sao cần phải đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài?
Thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh luôn gắn liền với tôn chỉ hoạt động, là một tài sản vô hình, là một đứa con tinh thần của doanh nghiệp và chứa đựng sự tâm huyết, chất xám của các doanh nghiệp, cá nhân đó.
Với xu thế hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng đã mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức trong nước.
TUY NHIÊN:
– Năm 1982, Công ty Viet Huong Fishsauce của Mỹ đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu nước mắm Phú Quốc tại Mỹ và sau đó lần lượt đăng ký thương hiện này ở Châu Âu và Châu Úc;
– Công ty Kim Seng, trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) đăng ký thương hiệu “nước mắm nhĩ Phan Thiết” tại Mỹ.
– Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee ở tỉnh Quảng Đông đăng ký bảo hộ độc quyền Cà phê Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc
– Và hàng loạt thương hiệu khác của các doanh nghiệp Việt Nam như Vinataba, Trung Nguyên, Vifon… cũng bị người khác đăng ký tại nhiều quốc gia.
– Gần đây là thương hiệu ST25 – một thương hiệu về gạo thơm ngon nức tiếng của Việt Nam cũng bị một doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ.
Nếu thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam mà bị doanh nghiệp khác đăng ký tại quốc gia khác, thì một điều chắc chắn là doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất khẩu, kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu tại các quốc gia đó. Hàng hóa mang thương hiệu khi nhập khẩu sẽ bị hải quan của quốc gia đó ngăn chặn.
Đó là lý do tại sao doanh nghiệp Việt Nam cần đăng ký bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài. Và việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Những lợi ích mà bạn có thể đạt được khi đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài:
– Xây dựng công cụ pháp lý trong bảo hộ độc quyền thương hiệu. Bởi vì, bảo hộ thương hiệu là một thủ tục đặc thù mang tính lãnh thổ nên khi bạn đăng ký bảo hộ thương hiệu tại một hoặc nhiều quốc gia hay vùng lãnh thổ và được cấp Văn bằng bảo hộ thương hiệu thì chỉ bạn được độc quyền sử dụng thương hiệu đó và bạn có quyền ngăn cấm người khác sử dụng thương hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với thương hiệu của bạn.
– Tránh nguy cơ bị lợi dụng, chiếm đoạt thương hiệu tại các quốc gia hay vùng lãnh thổ, đặc biệt là tình trạng đầu cơ thương hiệu. Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, hạn chế các hành vi xâm phạm cũng như tránh được các chi phí tranh chấp có liên quan đến quyền sở hữu thương hiệu.
– Nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Khi thương hiệu được đăng ký ở nước ngoài thì đã khẳng định được tên tuổi, sức ảnh hưởng đối với lĩnh vực, ngành nghề mà bạn hướng đến. Từ đó, là tiền đề để tiếp cận, mở rộng thương hiệu đến với nhiều phân khúc khách hàng, đồng thời đây cũng là cơ hội để chủ thương hiệu khi đàm phán, cạnh tranh với các tổ chức, cá nhân khác trong cùng lĩnh vực, ngành nghề tại nước ngoài vẫn tạo được thế cân bằng.
4. Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài mới nhất năm 2023
Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài tương đối phức tạp, tùy từng trường hợp cụ thể, bạn đọc có thể lựa chọn một trong những cách thức đăng ký sau:
∗ Cách 1: Đăng ký thông qua các Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ hoặc Luật sư sở hữu trí tuệ ở quốc gia mà bạn muốn thương hiệu của bạn được bảo hộ (cách thức này gọi là đăng ký trực tiếp).
Đối với cách thức này, Công ty Luật CIS khuyên bạn chỉ nên lựa chọn khi quốc gia bạn muốn được bảo hộ không phải là thành viên của Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid, hoặc là thành viên rồi nhưng bạn muốn nộp đơn trực tiếp do bạn có người quen hoặc bạn đang có công ty làm dịch vụ cho bạn.
∗ Cách 2: Đăng ký theo Hệ thống Madrid.
Cách này sẽ phù hợp hơn khi bạn muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu tại nhiều quốc gia, lãnh thổ, khi đó, bạn chỉ cần nộp một bộ hồ sơ đến Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) để được bảo hộ cùng lúc tại nhiều quốc gia, với cách thức đăng ký này sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều không chỉ về thời gian mà còn về chi phí.
Tuy nhiên, để lựa chọn cách thức này, bạn đọc cần lưu ý các quốc gia bạn muốn bảo hộ phải đang là thành viên của Nghị định thư Madrid hoặc Thỏa ước Madrid. Đồng thời, bạn cũng cần phải lưu ý một số điều sau đây:
– Nếu quốc gia bạn muốn được bảo hộ là thành viên của Thỏa ước Madrid thì bạn cần phải có Văn bằng độc quyền thương hiệu hay còn gọi là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó, tức là đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam trước khi tiến hành đăng ký lên Cơ quan WIPO.
– Nếu quốc gia bạn muốn được bảo hộ là thành viên của Nghị định thư Madrid thì bạn chỉ cần có Quyết định chấp nhận hợp lệ hình thức về việc nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam để đáp ứng điều kiện hồ sơ tối thiểu cho việc đăng ký lên Cơ quan WIPO.
5. Thành phần hồ sơ đăng ký thương hiệu ở nước ngoài gồm những gì?
Thành phần hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài bao gồm những gì sẽ tùy thuộc vào cách thức bạn lựa chọn đăng ký. Đối với trường hợp nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp tại các quốc gia mà bạn muốn được bảo hộ, bạn cần đáp ứng các quy định về hồ sơ mà pháp luật các quốc gia đó quy định.
Đối với trường hợp nộp hồ sơ đăng ký qua Hệ thống Madrid, bạn cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
– 02 Tờ khai yêu cầu đăng ký (Tải về)
– 02 bản Tờ khai MM2 (Tải về)
– 05 mẫu nhãn hiệu kèm theo (kích thước không quá 80 x 80mm);
– Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam được nộp thông qua các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
– Bản phô tô đơn đăng ký cơ sở hoặc bản phô tô Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã nộp tại Việt Nam;
– 02 bản MM18 trong trường hợp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định vào Hoa Kỳ (tải về);
– Các tài liệu khác (tùy trường hợp bạn cần bổ sung thêm tài liệu như Tuyên bố sử dụng nhãn hiệu, …).

6. Nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu ở nước ngoài ở đâu?
Nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu ở đâu sẽ phụ thuộc vào cách thức đăng ký như đã đề cập ở Mục 4 mà địa điểm nộp hồ sơ sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
– Đối với cách thức đăng ký trực tiếp tại các quốc gia bạn muốn bảo hộ, bạn sẽ nộp hồ sơ tại các cơ quan nhãn hiệu của quốc gia đó.
– Đối với cách thức đăng ký theo Hệ thống Madrid, bạn sẽ nộp hồ sơ tại các Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, cụ thể:
+ Cục Sở hữu trí tuệ: 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nộ
+ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng
+ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký, nếu hồ sơ hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo nộp phí để chủ thương hiệu chuyển phí cho Tổ chức WIPO qua ngân hàng và nộp lại chứng từ nộp phí cho Cục Sở hữu trí tuệ. Tiếp đó Cục Sở hữu trí tuệ sẽ kiểm tra và chuyển đơn đăng ký cho Cơ quan WIPO. Trường hợp có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra công văn yêu cầu chủ thương hiệu khắc phục.
7. Phí đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài bao nhiêu?
Như thông tin chúng tôi đã đề cập tại Mục 4, phí đăng ký phụ thuộc vào cách thức đăng ký mà bạn lựa chọn. Tuy nhiên, về cơ bản, phí đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau:
– Màu sắc thương hiệu của bạn là trắng đen hay có màu;
– Số lượng quốc gia yêu cầu bảo hộ;
– Số lượng thương hiệu đăng ký;
– Số lượng sản phẩm, dịch vụ đăng ký.
Trường hợp bạn đăng ký trực tiếp tại các quốc gia mà bạn có nhu cầu được bảo hộ, phí đăng ký sẽ được nộp theo quy định của quốc gia đó;
Trường hợp bạn đăng ký theo Hệ thống Madrid, bạn cần nộp 2 khoản phí:
– Thứ nhất, phí thẩm định sơ bộ hình thức nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ: 2.000.000 VNĐ;
– Thứ hai, phí nộp cho Văn phòng quốc tế có đăng tải tại website: http://wipo.int
8. Những lưu ý khi đăng ký thương hiệu ở nước ngoài.
– Thứ nhất, khi tiến hành đăng ký thương hiệu ở nước ngoài, bạn cần chỉ định rõ quốc gia, vùng lãnh thổ mà bạn muốn được bảo hộ.
– Thứ hai, tùy vào cách thức đăng ký mà bạn lựa chọn thì phải sử dụng các ngôn ngữ khai trong hồ sơ là khác nhau (nếu bạn đăng ký trực tiếp thì ngôn ngữ khai trong hồ sơ sẽ phải là ngôn ngữ của quốc gia mà bạn muốn được bảo hộ; sử dụng tiếng Anh hoặc Pháp, …nếu bạn nộp hồ sơ thông qua Hệ thống Madrid).
– Thứ ba, như chúng tôi đã nêu ở trên, thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu là một thủ tục đặc thù và mang tính lãnh thổ nên khi đăng ký, bạn cần đáp ứng các điều kiện mà pháp luật tại những quốc gia đó quy định. Điều quan trọng nhất bạn cần lưu ý là thương hiệu bạn đăng ký không được TRÙNG HOẶC TƯƠNG TỰ GÂY NHẦM LẪN với bất kỳ thương hiệu nào của người khác đã nộp đơn trước đó (xét về hình thức thể hiện, phát âm, cấu trúc và ý nghĩa) trong phạm vi quốc gia, vùng lãnh thổ đó.
Do đó, để tránh mất thời gian, công sức và chi phí bạn cần kiểm tra trước thương hiệu bạn dự định đăng ký có đáp ứng đủ những điều kiện cơ bản tại quốc gia mà bạn muốn được bảo hộ hay không. Tuy nhiên, việc kiểm tra này rất phức tạp, yêu cầu bạn phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng nhất định thì mới có thể thực hiện. Do vậy, Công ty Luật CIS khuyến khích bạn nên tìm một Công ty Luật hoặc một Tổ chức chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm để nhờ họ đánh giá.
– Thứ tư, nguyên tắc cơ bản được phần lớn các quốc gia áp dụng khi đăng ký độc quyền thương hiệu đó là nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”, chúng ta có thể hiểu đơn giản là ai nộp đơn đăng ký trước thì được xem xét bảo hộ trước. Tuy vậy, có một số quốc gia như Anh, Ấn Độ, Singapore, …có quy định đặc thù, họ lại áp dụng nguyên tắc “sử dụng trước”, nghĩa là người nào chứng minh được mình đã sử dụng thương hiệu đó tại quốc gia đăng ký trước thì người đó có quyền đăng ký và được xem xét bảo hộ trước.
– Thứ năm, một điểm cần lưu ý nữa đó là thời hạn để các quốc gia xem xét bảo hộ thương hiệu cho bạn thường kéo dài khá lâu, tối thiểu là 12 tháng. Trong suốt khoảng thời gian này, bạn phải theo dõi thường xuyên các thông báo của Cơ quan WIPO (không phải là Cục Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam nữa), nếu không, việc nộp đơn đăng ký sẽ không mang lại kết quả. Nếu bạn nhờ một Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp thì họ sẽ làm việc đó cho bạn.
9. Dịch vụ đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài của Công ty Luật CIS.
Công ty Luật Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Luật sư và chuyên viên của chúng tôi đã được đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:
|
Trên đây là những thông tin liên quan đến Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài năm 2023. Nếu bạn đang có những thắc mắc gì hoặc cần được tư vấn, vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới:
PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8580 – Hotline: 091.911.8580
Email: info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn