Một trong những yếu tố quan trọng giúp một sản phẩm trở nên thu hút khách hàng chính là kiểu dáng sản phẩm. Do đó, trong nền kinh tế cạnh tranh cao như hiện nay, kiểu dáng sản phẩm trở thành đối tượng bị sao chép, bị cạnh tranh không lành mạnh rất phổ biến. Để ngăn chặn hành vi chơi xấu này, chủ nhân của sản phẩm cần thiết phải dùng biện pháp pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho bạn về thủ tục đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp mới nhất năm 2022 – một trong những cách thức bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- 1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
- 2. Quy định của pháp luật về đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp?
- 3. Điều kiện đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp là gì?
- 4. Trình tự đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp năm 2022 như thế nào?
- 5. Hồ sơ đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp gồm những gì?
- 6. Tại sao cần phải đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp?
- 7. Những lưu ý khi đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp năm 2022
- 8. Dịch vụ đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp của Công ty Luật CIS
1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Điều 4. Giải thích từ ngữ[3]
… 13. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. |
2. Quy định của pháp luật về đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp?
Hiện nay, đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp được quy định tại các văn bản quy phạm sau:
- Luật sở hữu trí tuệ 50/2005/QH11 do Quốc hội ban hành ngày 29/11/2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019);
- Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
- Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
- Nghị định 122/2010/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
- Nghị định 119/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp (sửa đổi bổ sung năm 2010, 2011, 2013 và 2016).
3. Điều kiện đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp là gì?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có tính mới;
- Có tính sáng tạo;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Điều 63. Điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: 1. Có tính mới; 2. Có tính sáng tạo; 3. Có khả năng áp dụng công nghiệp. |
3.1. Tính mới được hiểu như thế nào?
Điều 65 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 quy định về tính mới như sau:
Điều 65. Tính mới của kiểu dáng công nghiệp
1. Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên. 2. Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó. 3. Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó. 4. Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố: a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này; b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học; c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức. |
Như vậy, hiểu đơn giản, kiểu dáng công nghiệp đáp ứng điều kiện về tính mới khi kiểu dáng công nghiệp đó chưa từng được bộc lộ công khai ở bất kỳ đâu, dưới hình thức công bố hoặc sử dụng, trừ các trường hợp ngoại lệ như kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố mà không được cho phép hoặc kiểu dáng công nghiệp đã được công bố dưới dạng báo cáo khoa học, ….
3.2. Tính sáng tạo được hiểu như thế nào?
Theo quy định tại Điều 66 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019:
Điều 66. Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng. |
Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp được hiểu là kiểu dáng công nghiệp đó không được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
3.3. Khả năng áp dụng công nghiệp được hiểu như thế nào?
Theo quy định tại Điều 67 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019:
Điều 67. Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp. |
Kiểu dáng công nghiệp có khả năng áp dụng công nghiệp khi kiểu dáng đó có thể dùng làm mẫu để chế tạo ra hàng loạt sản phẩm có kiểu dáng giống hệt bằng các phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Lưu ý: Bên cạnh điều kiện để được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thì Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định những trường hợp không được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp, nhưng trường hợp này được quy định như sau:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
(Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019)
4. Trình tự đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp năm 2022 như thế nào?
Để kiểu dáng công nghiệp của bạn được bảo hộ, bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy trình như hình trên và gồm các bước sau:
Bước 1: Bạn chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ;
Bước 2: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định hình thức hồ sơ trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nộp đơn;
Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ sẽ công bố đơn đăng ký của bạn trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày hợp lệ;
Bước 4: Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định nội dung đơn trong thời hạn 07 tháng, kể từ ngày công bố đơn;
Bước 5: Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành cấp văn bằng bảo hộ nếu đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc từ chối cấp văn bằng nếu không đủ điều kiện bảo hộ.
5. Hồ sơ đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp gồm những gì?
Hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp gồm có:
1. Tờ khai đăng ký (Tải về mẫu A03);
2. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, nội dung gồm: Tên kiểu dáng công nghiệp, lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp, liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ, …;
3. Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ;
4. Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện sở hữu công nghiệp);
5. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (nếu nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ);
6. Tài liệu khác.
Bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo 2 cách sau:
Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính
Bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu Trí tuệ dưới đây:
1. Trụ sở chính của Cục SHTT: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội;
2. Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP. HCM: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17-19 Tôn Thất Tùng, P. Phạm Ngũ Lão, Q. 1, TP. HCM;
3. Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP. Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.
Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến
Bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu Trí tuệ theo đường link:
http://dvctt.noip.gov.vn:8888/HomePage.do
Để đăng ký theo cách này bạn cần có chữ ký số (còn gọi là USB Token) và phải đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Cách 3: Nộp hồ sơ thông qua Đại diện sở hữu công nghiệp
Bạn có thể nộp thông qua tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp như Công ty Luật CIS. Tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp là tổ chức dịch vụ Sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy phép và ghi nhận trong hệ thống quản lý của Cục. Theo đó, bạn chỉ cần ký Giấy ủy quyền, mọi giấy tờ và giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ sẽ do tổ chức này chủ động thực hiện.
6. Tại sao cần phải đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp?
√ Một sản phẩm muốn được pháp luật bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi sao chép, chơi xấu từ những đối thủ khác thì cần thiết phải đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
√ Sản phẩm được bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp khi sản phẩm đó được cấp Văn bằng bảo hộ. Do đó, nếu sản phẩm của bạn không đăng ký thì khi người khác sử dụng thì họ không bị coi là vi phạm.
√ Có được văn bằng bảo hộ cho phép bạn ngăn chặn người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp tương tự, gây nhầm lẫn với kiểu dáng của bạn. Cũng theo đó, nếu không đăng ký độc quyền kiểu dáng mà có người khác đăng ký, họ sẽ có quyền cấm bạn sử dụng.
7. Những lưu ý khi đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp năm 2022
Không phải kiểu dáng công nghiệp nào đăng ký cũng được bảo hộ (được cấp Bằng độc quyền) mà kiểu dáng công nghiệp cần phải đáp ứng nhiều điều kiện như đã trình bày ở Mục 3 và phải không thuộc trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp.
Như vậy, để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, phải xem kiểu dáng công nghiệp của bạn có đáp ứng những điều kiện trên hay không. Tuy nhiên, việc này thật sự rất khó, vì bạn phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thì mới có thể thực hiện được. Do vậy, chúng tôi khuyên bạn nên tìm một Công ty luật hoặc một Tổ chức chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm để họ đánh giá.
Bên cạnh đó, thời gian để Cục Sở hữu trí tuệ xem xét bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của bạn thường kéo dài khá lâu, khoảng từ 12-15 tháng. Và trong suốt thời gian này, bạn phải theo dõi các thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ, nếu không, việc nộp đơn đăng ký sẽ không mang lại kết quả gì. Nếu bạn nhờ một Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp thì họ sẽ làm việc này cho bạn.
8. Dịch vụ đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp của Công ty Luật CIS
Công ty Luật Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Luật sư và chuyên viên của Chúng tôi đã được đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:
- Tư vấn về khả năng đăng ký và sử dụng kiểu dáng công nghiệp;
- Tư vấn hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
- Tiến hành các thủ tục phản đối, khiếu nại và hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
- Gia hạn hiệu lực bằng độc quyền bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
- Ghi nhận những thay đổi liên quan đến bằng độc quyền bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
- Tư vấn đăng ký chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp;
- Quản lý hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đến khi có kết quả cuối cùng, chủ động cập nhật tình trạng xử lý hồ sơ và kịp thời phúc đáp ý kiến của Cơ quan đăng ký.
Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, Bạn vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:
PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580
Email: info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn