Lý lịch tư pháp Việt Nam cho Người nước ngoài mới nhất

Phiếu Lý lịch tư pháp là một trong những giấy tờ bắt buộc để Người nước ngoài xin Giấy phép lao động hoặc thực hiện các thủ tục khác tại Việt Nam.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết về cách làm Lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài tại Việt Nam mới nhất.

1. Phiếu lý lịch tư pháp là gì?

Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. (khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12)

Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. (khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12)

Hiện nay, có 02 loại Phiếu lý lịch tư pháp. Bạn có thể phân biệt 02 loại phiếu này dựa theo nội dung được ghi nhận, cụ thể:

– Phiếu lý lịch tư pháp số 1 là Phiếu ghi các án tích chưa được xóa. Trường hợp Người nước ngoài không bị kết án, đã bị kết án nhưng được xóa án tích, được đại xá thì ghi “Không có án tích trong thời gian cư trú tại Việt Nam”.

– Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là Phiếu ghi đầy đủ các án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Lưu ý: Đối với Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có nhu cầu xin Phiếu lý lịch tư pháp để bổ sung hồ sơ xin Giấy phép lao động, Người nước ngoài thực hiện xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1.

xin-ly-lich-tu-phap-cho-nguoi-nuoc-ngoai
Xin phiếu lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài

2. Quy định về cấp lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài

  • Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12 do Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ ngày ngày 01/7/2010;
  • Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
  • Thông tư số 244/2016/TT-BTC của Bộ tài chính quy định, mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;

3. Điều kiện xin cấp lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài tại Việt Nam

Người nước ngoài có thể xin cấp Lý lịch tư pháp tại Việt Nam nếu:

  • Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, hoặc
  • Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.

Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam muốn xin cấp lý lịch tư pháp thì phải có visa Việt Nam hoặc thẻ tạm trú còn thời hạn và có đăng ký tạm trú với công an xã, phường nơi Người nước ngoài đang tạm trú.

4. Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ xin Lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài

Hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cho Người nước ngoài bao gồm:

  • Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (Tải về mẫu LLTP)
  • Bản sao có chứng thực (hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu) Hộ chiếu đang còn giá trị sử dụng của Người nước ngoài.
  • Bản sao có chứng thực (hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu) giấy chứng nhận đăng ký tạm trú và thẻ tạm trú/visa Việt Nam.

Trường hợp Người nước ngoài ủy quyền cho người khác, chuẩn bị hồ sơ như sau:

  • Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Tải về mẫu TT-LLTP)
  • Bản sao có chứng thực (hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu) Hộ chiếu đang còn giá trị sử dụng của Người nước ngoài.
  • Bản sao có chứng thực (hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu) giấy chứng nhận đăng ký tạm trú và thẻ tạm trú/visa Việt Nam.
  • Văn bản ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải được chứng thực tại tại Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn hoặc tại Phòng Tư pháp quận, huyện hoặc Văn phòng công chứng trong nước hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

5. Thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài

Khi muốn xin cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp, Người nước ngoài có thể thực hiện bằng 01 trong 03 cách thức sau đây:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thay mặt nộp hồ sơ;

Cách 2: Nộp hồ sơ qua bưu điện.

Theo đó:

a) Nơi nộp hồ sơ:

– Nếu Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp Việt Nam sẽ nộp tại Sở tư pháp nơi Người nước ngoài lưu trú.

Ví dụ: Người nước ngoài đang lưu trú tại TP HCM sẽ xin cấp phiếu Lý lịch tư pháp tại Sở tư pháp Tp HCM tại địa chỉ 143 Pasteur, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

– Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam, hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho thời gian lưu trú tại Việt Nam sẽ nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

b) Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

c) Phí cấp lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài: Phí cấp Lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài hiện nay là 200.000 đồng/phiếu.

Để được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thật dễ dàng và nhanh chóng, bạn nên liên hệ với một đơn vị dịch vụ chuyên nghiệp để thay mặt thực hiện thủ tục.

Cách 3: Nộp hồ sơ online;

Người nước ngoài có thể xin cấp phiếu lý lịch tư pháp bằng cách thực hiện theo hướng dẫn tại địa chỉ website của Cổng Dịch vụ công quốc gia:

https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-hanh-chinh.html?ma_thu_tuc=2.000488

6. Thời hạn sử dụng của phiếu lý lịch tư pháp

Luật Lý lịch tư pháp hiện hành và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp không quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp. Theo đó, tùy từng thủ tục hành chính mà thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp được quy định khác nhau. Cụ thể như:

  • Đối với thủ tục xin giấy phép lao động, thời hạn của Phiếu lý lịch tư pháp là 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ xin Giấy phép lao động.
  • Đối với thủ tục nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài, thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp là 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

7. Các câu hỏi thường gặp

Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia là gì?

Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước.

Như đã đề cập tại mục 5, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia là 1 trong 2 cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài. Đối với trường hợp Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam, Người nước ngoài xin cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

TRUNG TÂM LÝ LỊCH TƯ PHÁP QUỐC GIA

Điện thoại: (024)3203.1313

Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà Hành chính – Thư viện, Số 09 Phố Trần Vĩ, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội

Website: https://lltptructuyen.moj.gov.vn/trungtam1

Trên đây là các hướng dẫn chi tiết về cách làm Lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài tại Việt Nam mới nhất. Nếu bạn có vướng mắc, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582             Hotline: 0916568101
Email: info@cis.vn