Thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư

Khi kế hoạch, chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư thay đổi, có thể là Nhà đầu tư muốn chuyển hướng đầu tư hay muốn rút khỏi thị trường, hoặc chỉ là phân chia rủi ro, thì nhà đầu tư sẽ tiến hành Chuyển nhượng Dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng Dự án đầu tư không đơn thuần chỉ là hoạt động kinh doanh hay vấn đề tài chính, mà việc chuyển nhượng dự án đầu tư này cần phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.

Vậy, điều kiện để Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án là gì? Nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục gì để có thể chuyển nhượng Dự án?

Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật CIS sẽ hướng dẫn chi tiết về Thủ tục chuyển nhượng Dự án đầu tư.

1. Dự án đầu tư là gì?

Có rất nhiều định nghĩa về dự án đầu tư. Tùy thuộc vào tiêu chí như: về mặt hình thức; về góc độ quản lý; về góc độ kế hoạch; về mặt nội dung,… mà người ta có các định nghĩa khác nhau. Nhưng tựu chung lại, dự án đầu tư là một tổng thể, một tập hợp các công việc, các hoạt động có liên quan với nhau, được thực hiện trong một thời gian xác định, với nguồn lực tài chính  đã dự trù để đạt được mục tiêu cụ thể đã đề ra.

Dự án đầu tư ở góc độ pháp lý được định nghĩa như sau: Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. (khoản 4, Điều 3 Luật đầu tư).

2. Chuyển nhượng Dự án đầu tư là gì?

Chuyển nhượng Dự án đầu tư là việc Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần Dự án đầu tư cho Nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

chuyen-nhuong-du-an-dau-tu
Hình ảnh: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

3. Điều kiện chuyển nhượng Dự án đầu tư tại Việt Nam?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần Dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thứ nhất: Dự án đầu tư hoặc phần Dự án đầu tư chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 của Luật Đầu tư 2020;

Thứ hai: Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng Dự án đầu tư, một phần Dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện về góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Đầu tư 2020;

Thứ ba: Điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp chuyển nhượng Dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

Thứ tư: Điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản;

Thứ năm: Điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có);

Thứ sáu: Khi chuyển nhượng Dự án đầu tư, ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều này, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh Dự án đầu tư.

4. Thủ tục chuyển nhượng Dự án đầu tư.

4.1. Đối với Dự án kinh doanh bất động sản:

  • Nếu Nhà đầu tư được chấp thuận theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư hoặc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư khi chuyển nhượng dự án và tuân thủ nguyên tắc, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
  • Đối với dự án kinh doanh bất động sản không thuộc trường hợp nêu trên, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện, hồ sơ cho phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án kinh doanh bất động sản thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

4.2. Đối với Dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận Nhà đầu tư mà Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ Dự án đầu tư trước khi dự án khai thác vận hành hoặc có sự thay đổi điều kiện đối với Nhà đầu tư:

  • Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nộp 08 bộ hồ sơ theo hướng dẫn tại Mục 5 cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc nộp 04 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án;
  • Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận sẽ xem xét điều kiện chuyển nhượng Dự án đầu tư để quyết định điều chỉnh Dự án đầu tư. Quyết định chấp thuận điều chỉnh Nhà đầu tư ghi nhận Nhà đầu tư chuyển nhượng và Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, phần dự án chuyển nhượng (nếu có) và được gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư, Nhà đầu tư chuyển nhượng và Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.

4.3. Đối với Dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đã đưa vào khai thác, vận hành:

Trong trường hợp này, Nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khi chuyển nhượng dự án.

4.4. Đối với Dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp:

  • Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
  • Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư;
  • Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô Dự án đầu tư;
  • Kéo dài tiến độ thực hiện Dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện Dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu;
  • Điều chỉnh thời hạn hoạt động của Dự án đầu tư;
  • Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư;

Trong trường hợp này, Nhà đầu tư chuyển nhượng thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án như hướng dẫn tại Mục 4.2 nêu trên.

4.5. Đối với Dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án không làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư:

Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư mà thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo trình tự sau:

  • Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nộp 04 bộ hồ sơ theo hướng dẫn tại Mục 5 dưới đây cho Cơ quan đăng ký đầu tư, trong đó văn bản đề nghị điều chỉnh Dự án đầu tư được thay thế bằng văn bản đề nghị chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư (Tải về);
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng cấp có liên quan;
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó, gửi Cơ quan đăng ký đầu tư;
  • Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư;
  • Quyết định chấp thuận điều chỉnh Nhà đầu tư ghi nhận Nhà đầu tư chuyển nhượng và Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, phần dự án chuyển nhượng (nếu có) và được gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư, Nhà đầu tư chuyển nhượng và Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.

4.6. Đối với Dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư:

Nhà đầu tư thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án như sau:

  • Nhà đầu tư chuyển nhượng Dự án đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ theo hướng dẫn tại Mục 5 cho Cơ quan đăng ký đầu tư;
  • Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện chuyển nhượng Dự án đầu tư để điều chỉnh Dự án đầu tư.

4.7. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư:

  • Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Dự án đầu tư theo hướng dẫn tương ứng tại các Mục 4.2, 4.4, 4.5, 4.6 nêu trên;
  • Sau khi hoàn thành thủ tục nêu trên, Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật doanh nghiệp tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

5. Hồ sơ chuyển nhượng Dự án đầu tư.

Theo quy định hiện hành, hồ sơ chuyển nhượng Dự án đầu tư bao gồm các giấy tờ sau:

  • Văn bản đề nghị điều chỉnh Dự án đầu tư (Tải về);
  • Báo cáo tình hình thực hiện Dự án đầu tư đến thời điểm chuyển nhượng Dự án đầu tư;
  • Hợp đồng hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ Dự án đầu tư;
  • Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của Nhà đầu tư chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng: Bản sao Hộ chiếu của Nhà đầu tư là cá nhân; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận thành lập của Nhà đầu tư là tổ chức;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận Nhà đầu tư (nếu có);
  • Bản sao Hợp đồng BCC (đối với Dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC);
  • Bản sao một trong các tài liệu sau của Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng Dự án đầu tư: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của Nhà đầu tư.

6. Dịch vụ thực hiện thủ tục chuyển nhượng Dự án đầu tư của Công ty Luật CIS.

Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực Tư vấn đầu tư, Công ty Luật CIS đã hỗ trợ cho rất nhiều Nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau đầu tư thành công vào Việt Nam.

Công ty Luật CIS sẽ hỗ trợ khách hàng trong những công việc sau:

  • Tư vấn điều kiện, hồ sơ, thủ tục xin giấy phép đầu tư, điều chỉnh, thay đổi giấy phép đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần; thành lập Văn phòng đại diện/ chi nhánh công ty nước ngoài;
  • Soạn thảo đầy đủ và nhanh chóng hồ sơ;
  • Đại diện nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giải trình với các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến hồ sơ;
  • Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý phát sinh sau khi thực hiện thủ tục;
  • Tư vấn, thực hiện thủ tục xin cấp mới, điều chỉnh các giấy phép con có liên quan;
  • Hỗ trợ các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh cho nhà đầu tư.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về thủ tục chuyển nhượng Dự án đầu tư. Nếu bạn có vướng mắc trong quá trình chuyển nhượng Dự án đầu tư hay bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: info@cis.vn