4 điều cần biết về Bảo Hiểm Y Tế Hộ gia đình

Đóng BHYT theo diện HỘ GIA ĐÌNH là gì?

Khi đóng BHYT theo hộ gia đình thì có bắt buộc phải mua BHYT cho TẤT CẢ người có tên trong hộ khẩu không?

Đóng BHYT theo hộ gia đình có được ưu đãi gì không?

Có thể đóng BHYT trước một lần NHIỀU năm để không phải gia hạn hàng năm không?

Trong bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ giải đáp toàn bộ các câu hỏi vừa nêu.

1. Bảo hiểm y tế theo diện Hộ gia đình là gì?

Trong chúng ta, không ai biết trước được khi nào mình sẽ bị ốm đau, bị tai nạn, và cũng không chắc trong mọi hoàn cảnh, chúng ta có khả năng chi trả toàn bộ chi phí khám và điều trị bệnh. Cho nên có thể nói, Bảo hiểm y tế là một trong các chính sách an sinh xã hội rất nhân văn của Nhà nước, để chăm lo sức khỏe cho người dân.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014 và năm 2020): Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng như: người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên, học sinh, sinh viên, người đang hưởng lương hưu, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, v.v… để được chăm sóc sức khỏe.

Ngoài những đối tượng bắt buộc này, thì Nhà nước khuyến khích các cá nhân còn lại đóng phí Bảo hiểm y tế để được hưởng các chế độ khi khám chữa bệnh. Theo đó, người dân có thể tham gia BHYT theo diện hộ gia đình.

bhyt-ho-gia-dinh-4-dieu-can-biet

Vậy tham gia BHYT Hộ gia đình là gì? Tham gia BHYT theo hộ gia đình được hiểu là nhóm những người có tên trong Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú thuộc hộ gia đình, cùng tham gia BHYT, trừ các đối tượng đã tham gia BHYT bắt buộc khác.

2. Khi đóng BHYT theo hộ gia đình thì có bắt buộc phải mua BHYT cho TẤT CẢ người có tên trong hộ khẩu không?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, để tham gia BHYT theo Hộ gia đình, thì toàn bộ số người có tên trong Sổ hộ khẩu của gia đình tại thời điểm đăng ký phải cùng tham gia, bao gồm cả những người không có quan hệ hôn nhân hay cùng huyết thống với chủ hộ, miễn là có tên trong sổ hộ khẩu, trừ người đã có giấy tạm vắng do UBND xã phường cấp, người đã tách khẩu, và người đã được cấp thẻ BHYT thuộc các đối tượng khác nhau.

Như vậy, có thể hiểu BHYT Hộ gia đình là hình thức BHYT bắt buộc với tất cả các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú trừ những người đã tham gia BHYT theo đối tượng khác.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

3. Những quyền lợi và ưu đãi khi đóng BHYT theo hộ gia đình

Có 03 ưu đãi khi đóng BHYT theo hộ gia đình:

Thứ nhất, gia đình càng nhiều người thì mức đóng BHYT càng thấp, theo đó người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; và từ người thứ năm trở đi mức đóng chỉ bằng 40% người thứ nhất.

Thứ hai, BHYT Hộ gia đình có phương thức đóng linh hoạt và phù hợp, cụ thể, người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được lựa chọn đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần thông qua các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH.

Thứ ba, bạn sẽ được thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) không giới hạn trong phạm vi, mức hưởng, cụ thể:

– Đối với trường hợp KCB BHYT đúng tuyến: khi đi KCB tại tuyến xã, nếu chi phí KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở hoặc thuộc trường hợp đóng BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì bạn sẽ được miễn 100% tổng chi phí KCB; còn lại các trường hợp khác sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 80% tổng chi phí KCB.

– Đối với trường hợp KCB BHYT không đúng tuyến: bạn sẽ được miễn 100% chi phí KCB nếu KCB tại Bệnh viện tuyến huyện hoặc KCB nội trú tại tuyến tỉnh; được Quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí KCB nếu KCB tại bệnh viện tuyến trung ương.

dich-vu-lam-the-apec

4. Có thể đóng BHYT trước một lần NHIỀU năm để không phải gia hạn hàng năm không?

Theo quy định hiện hành, BHYT theo diện Hộ gia đình không có phương thức đóng trước nhiều năm, mà đóng tối đa là 01 năm 01 lần.

Như vậy, nếu gia đình bạn có người thân đã lớn tuổi hoặc hay quên thì chúng ta phải tự theo dõi thời hạn sử dụng thẻ BHYT để gia hạn, chẳng hạn như: ghi chú vào sổ tay; ghi trên lịch hoặc điện thoại thông minh để có thể đóng phí gia hạn kịp thời. Bởi vì nếu chúng ta quên gia hạn, chúng ta sẽ bị gián đoạn thời gian được tính tham gia 5 năm liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi được hưởng, đặc biệt là quyền lợi được miễn 100% chi phí KCB.

Để biết Thẻ BHYT của mình khi nào hết hạn, các bạn có thể nội dung “Hướng dẫn TRA CỨU thời hạn sử dụng thẻ BHYT” mà Công ty Luật đăng tải trước đó tại đây.

Với hình thức “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”, việc tham gia BHYT HGĐ là một hình thức chia sẻ và nhận lại giá trị chăm sóc sức khỏe đúng thời điểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Do đó, nếu bạn hoặc người thân chưa tham gia BHYT theo các diện bắt buộc khác, hãy cân nhắc về việc tham gia BHYT Hộ gia đình để được hưởng các quyền và lợi ích nhân văn, ý nghĩa từ chính sách này.

Trên đây là bài viết “4 điều cần biết về chính sách đóng BHYT theo hộ gia đình” của Công ty Luật CIS.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

Luật sư – Công ty Luật CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: 
info@cis.vn