Công ty không có đơn hàng, người lao động bị MẤT VIỆC LÀM được trợ cấp 2 khoản tiền?

Vừa qua, ở TP.HCM đã có công ty cho gần 1.200 lao động nghỉ việc vì lí do phải thu hẹp sản xuất do Công ty không có đơn hàng!

Tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến các công ty, xí nghiệp, nhà máy ở Việt Nam, nhất là các công ty sử dụng số lượng lớn lao động.

Vậy, nếu bạn hoặc người thân của bạn là công nhân, người lao động bị công ty cho nghỉ việc vì lí do thu hẹp sản xuất thì:

– Công ty cho người lao động nghỉ việc có đúng luật không?

– Người lao động mất việc có được nhận tiền trợ cấp gì không? Nếu có thì nhận bao nhiêu tiền?

– Người lao động cần làm gì để nhận tiền trợ cấp?

Mời các bạn xem bài viết dưới đây để biết câu trả lời.

1. Công ty có quyền cho người lao động nghỉ việc vì lí do thu hẹp sản xuất không?

Câu trả lời là có. Theo quy định hiện hành, trường hợp Công ty gặp khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, Công ty có thể cho người lao động thôi việc và chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ).

Khi doanh nghiệp thuộc các trường hợp này, doanh nghiệp chỉ được cho người lao động thôi việc sau khi đã trao đổi ý kiến với Công đoàn cấp cơ sở hoặc Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và Công ty phải thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh và người lao động.

Khi chấm dứt HĐLĐ, công ty có trách nhiệm xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu Công ty đã giữ của người lao động.

cong-ty-khong-co-don-hang-nld-duoc-ho-tro-2-khoan-tien

Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (Bộ Luật lao động 2019)

11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế (Bộ Luật lao động 2019)

2. Những trường hợp sau đây được coi là vì lý do kinh tế:

a) Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;

6. Việc cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.

2. Người lao động mất việc có được nhận tiền trợ cấp gì không?

Câu trả lời là tùy.

Theo quy định pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội hiện hành, nếu người lao động bị mất việc làm thì người lao động có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm xã hội, hoặc là trợ cấp mất việc làm trong trường hợp người lao động có thời gian làm việc trước khi đóng BHTN.

a) Đối với tiền trợ cấp thất nghiệp từ quỹ BHXH:

Để được nhận khoản tiền này, người lao động cần đáp ứng 4 điều kiện:

– Điều kiện thứ nhất, người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hoặc đang hưởng lương hưu, hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

– Điều kiện thứ hai, người lao động phải đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ có hoặc không xác định thời hạn; hoặc đóng từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

– Điều kiện thứ ba, người lao động phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương trong thời gian 3 tháng kể từ ngày thất nghiệp.

– Và điều kiện cuối cùng là người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ một số trường hợp đặc biệt như: phải tham gia nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên…

dich-vu-lam-the-apec

Điều 49. Điều kiện hưởng (Luật Việc làm 2013)

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Nếu đáp ứng 4 điều kiện này thì người lao động sẽ được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp từ quỹ BHTN, với mức hưởng hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Thời gian hưởng là 3 tháng (nếu đóng BHTN từ 12-36 tháng), cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Để quý cô chú, các anh chị dễ hình dung, Công ty Luật xin đưa ra ví dụ như sau:

Anh A làm việc tại công ty 5 năm, nay công ty cắt giảm lao động vì không có đơn hàng và cho anh A nghỉ việc. Tiền lương bình quân trong 6 tháng trước khi anh A nghỉ việc là 5.000.000 đồng/tháng. Vậy anh A sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 tháng, và mỗi tháng, anh A được nhận tiền trợ cấp là 3.000.000 đồng, nghĩa là 60% của 5.000.000 đồng.

Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp (Luật Việc làm 2013)

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.

b) Đối với tiền trợ cấp mất việc làm

Theo quy định, trường hợp công ty do thay đổi cơ cấu, hay khủng hoảng, suy thoái kinh tế mà cho người lao động nghỉ việc, thì người lao động sẽ được công ty chi trả tiền trợ cấp mất việc làm.

Thời gian để làm căn cứ tính tiền trợ cấp mất việc làm là thời gian làm việc trừ đi thời gian người lao động đã tham gia BHTN và thời gian làm việc đã được trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm trước đó nếu có.

Có trường hợp này xảy ra vì quỹ bảo hiểm thất nghiệp và tiền bảo hiểm thất nghiệp được bắt đầu từ ngày 01/01/2009, một số công ty có thể tham gia BHTN năm 2015 khi công ty có dưới 10 lao động.

Như vậy, nếu người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngay từ thời điểm làm việc ở công ty thì sẽ không được nhận thêm tiền trợ cấp mất việc làm.

Về mức trả trợ cấp mất việc làm thì cứ mỗi năm làm việc thì người lao động sẽ được Công ty trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.

Điều 47. Trợ cấp mất việc làm (Bộ Luật lao động 2019)

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi người lao động mất việc làm.

Để quý cô chú, các anh chị dễ hình dung, Công ty Luật xin đưa ra ví dụ như sau:

Chị A làm công nhân may cho 1 công ty từ năm 2007 đến nay. Hiện tại, công ty không còn đơn hàng nên công ty đã cho một số công nhân nghỉ việc, trong đó có chị A. Tiền lương 6 tháng liền kề trước khi chị A nghỉ việc là 5.000.000 đồng tháng. Chị A được công ty tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009. Vậy, khi mất việc, chị A được 2 khoản trợ cấp sau:

– Khoản thứ nhất: trợ cấp thất nghiệp do quỹ BHXH. Theo đó, chị A được được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng, vì chị A có 13 năm tham gia BHTN và mỗi tháng, chị A được nhận tiền trợ cấp là 3.000.000 đồng đồng, nghĩa là 60% của 5.000.000 đồng.

– Khoản thứ hai: chị A còn được công ty thanh toán tiền trợ cấp mất việc làm cho thời gian chị A không tham gia BHTN là từ năm 2005 đến năm 2009, tức 4 năm, nghĩa là chị A được trợ cấp 4 tháng tiền lương, tương đương 20.000.000 đồng.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

3. Người lao động cần làm gì để nhận tiền trợ cấp?

Đối với trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp từ quỹ BHXH, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, người lao động cần nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương nơi người lao động cư trú.

Đối với trường hợp nhận trợ cấp mất việc làm do Công ty chi trả thì công ty phải chi trả cho người lao động khoản tiền trợ cấp này trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.

Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động (Bộ Luật lao động 2019)

1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Đột ngột bị mất việc làm khiến cho không ít người lao động rơi vào tình cảnh khó khăn bởi không có thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sút, đặc biệt là những người lao động lớn tuổi rất khó để đi xin việc lại. Bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp mất việc làm được xem như “phao cứu sinh” kịp thời và đúng lúc, giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt. Đây là chính sách an sinh xã hội hết sức có ý nghĩa của nhà nước nhằm trợ giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Hy vọng qua bài viết này, các anh chị, cô chú, và các bạn sẽ có thêm một số thông tin hữu ích liên quan đến quyền lợi của mình nếu rơi vào trường hợp mất việc làm.

♦ Link Youtube:

CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 028 3911 8580               Hotline: 0916 568 101
Email: info@cis.vn