Dịch Covid-19: công ty trả lương như thế nào?

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều công ty, văn phòng, nhà máy, cơ sở sản xuất,… gặp khó khăn, phải tạm ngừng kinh doanh hoặc thu hẹp sản xuất, một số người lao động phải ngừng việc, thậm chí là bị thôi việc. Tình trạng này khiến cho người lao động rất lo lắng và thắc mắc tiền lương sẽ được trả như thế nào?

1. Người lao động ngừng việc trong thời gian giãn cách xã hội hoặc trong thời gian người lao động đang phải cách ly, thì tiền lương được tính thế nào?

Căn cứ vào quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động 2019, việc trả lương ngừng việc được chia thành các trường hợp khác nhau:

♦ Trong trường hợp người lao động ngừng việc để đi cách ly tập trung do lỗi của người lao động như không chấp hành đúng các chỉ thị, tự ý vào khu cách ly,… thì người lao động sẽ không được trả lương.

♦ Đối với các trường hợp không xuất phát từ lỗi của người lao động như:

  • Lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
  • Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
  • Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Thì tiền lương do hai bên THỎA THUẬN như sau:

  1. Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
  2. Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Mức lương tối thiểu vùng theo NĐ 90/2019/NĐ-CP:

  • Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: 4.420.000 đồng/tháng.
  • Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II: 3.920.000 đồng/tháng.
  • Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III: 3.430.000 đồng/tháng.
  • Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.

2. Công ty chuyển người lao động sang làm công việc khác do vị trí cũ tạm thời bị cắt giảm, thì tiền lương được tính thế nào?

Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, công ty có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019. Người lao động sẽ được trả lương theo công việc mới.

Tuy nhiên, cần lưu ý 2 nội dung sau:

⊕ Trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.

⊕ Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Thêm vào đó, cả doanh nghiệp và người lao động cần lưu ý, nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả thì Doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, không hưởng lương hoặc hưởng lương nếu có sự thỏa thuận của 2 bên theo Điều 30 BLLĐ 2019.

Trong trường hợp công ty đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc thì Doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng theo Điều 36 BLLĐ 2019.

Thực tế thời gian vừa qua công ty Luật tiếp nhận 1 số yêu cầu tư vấn của cả công ty và người lao động về việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng do dịch Covid. Chúng tôi lưu ý, công ty chỉ được  đơn phương chấm dứt hợp đồng do dịch Covid NẾU ĐÃ TÌM MỌI BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC NHƯNG VẪN BUỘC PHẢI GIẢM CHỖ LÀM VIỆC, và công ty có trách nhiệm chứng minh với người lao động về việc này.

Trong thời kỳ khó khăn như hiện nay, việc duy trì việc làm là có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người lao động. Về phía Người lao động, người lao động cũng nên hợp tác, thiện chí khi công ty gặp khó khăn.  Do đó, giải pháp được ưu tiên trước hết vẫn là sự thỏa thuận giữa công ty và người lao động, sao cho đảm bảo quyền lợi của đôi bên.

Xem thêm video tại đây:

Nếu bạn có vướng mắc về quy định trả lương, quy định về pháp luật lao động thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 028 3911 8581
Email: info@cis.vn