Thủ tục đăng ký sáng chế mới nhất năm 2023

“Anh/chị đã đăng ký sáng chế chưa?” là câu hỏi quen thuộc trong Shark Tank – Chương trình truyền hình thực tế kêu gọi vốn dành cho start-up. Có thể thấy việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quyết định rót tiền vào một dự án. Bởi lẽ, một sáng chế khi được khai thác thương mại sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho tác giả sáng tạo ra nó và đặc biệt là các nhà đầu tư, do đó, việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế ngay từ ban đầu luôn được xem là giải pháp tối ưu để bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu về lâu dài.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các quy định pháp luật có liên quan về điều kiện đăng ký và thủ tục đăng ký sáng chế. Nếu bạn đang ấp ủ ý định đăng ký độc quyền cho sáng chế của mình, bạn có thể tham khảo bài viết “Thủ tục đăng ký sáng chế mới nhất năm 2023” của Công ty Luật dưới đây.

1. Sáng chế là gì?

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình do con người tạo ra dựa trên những quy luật tự nhiên sẵn có.

Ví dụ:

– Sáng chế dưới dạng sản phẩm: thiết bị đóng gói tự động, địu trẻ em, dụng cụ dưỡng ẩm mắt…

– Sáng chế dưới dạng quy trình: phương pháp sản xuất đầu gậy gôn, hệ thống phân tích giọng nói, hệ thống làm mát thang máy, …

minh-hoa-ve-sang-che
Hình ảnh: Ví dụ minh họa về sáng chế (Nguồn: cơ sơ dữ liệu sáng chế quốc gia)

Về bản chất, sáng chế là giải pháp kỹ thuật được tạo ra để giải quyết một vấn đề nào đó tồn tại trong đời sống. Chính bởi bản chất kỹ thuật mà sáng chế được xem là một trong các đối tượng sở hữu công nghiệp phức tạp và có mức độ khó cao khi đăng ký xác lập quyền, việc này đòi hỏi người nộp đơn sáng chế cần có chuyên môn cả về kỹ thuật lẫn pháp lý để chuẩn bị tốt một bộ hồ sơ sáng chế.

Vậy, sáng chế khi đăng ký bảo hộ độc quyền cần đáp ứng những điều kiện gì? Xin mời bạn đọc theo dõi tiếp nội dung Mục 2 dưới đây.

2. Điều kiện đăng ký sáng chế năm 2023 là gì?

Để được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế, người đã đầu tư trí óc, tiền bạc và phương tiện để sáng tạo ra nó phải thực hiện một thủ tục pháp lý gọi là thủ tục đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế. Tại Việt Nam, thủ tục này được xử lý bởi Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ).

Không phải đơn đăng ký sáng chế nào nộp vào Cục SHTT cũng sẽ được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền mà sáng chế khi nộp đơn đăng ký phải đáp ứng các điều kiện bảo hộ mà pháp luật quy định.

Theo quy định tại Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 và năm 2022 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành):

Điều 58. Điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ

1. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tính mới;

b) Có trình độ sáng tạo;

c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

2. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tính mới;

b) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Như vậy, sáng chế có thể được bảo hộ dưới hai hình thức là cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Mặc dù có hình thức cấp bằng khác nhau nhưng về bản chất, chúng đều là sáng chế, trong đó, sáng chế được cấp Bằng độc quyền sáng chế sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện hơn.

Các điều kiện bảo hộ này sẽ được kiểm tra một cách kỹ lưỡng bởi Cục Sở hữu trí tuệ trước khi ra Quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Tiến trình xử lý đơn đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ được cô đọng trong sơ đồ tại Mục 3 dưới đây.

3. Thủ tục đăng ký sáng chế mới nhất năm 2023 như thế nào?

so-do-dang-ky-sang-che

Một đơn đăng ký sáng chế sau khi được nộp và tiếp nhận bởi Cục SHTT sẽ trải qua 02 giai đoạn thẩm định:

∗ Thẩm định hình thức: trong thời gian 01 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ, Cục SHTT sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ về hình thức. Nếu hợp lệ, Cục SHTT sẽ ra Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và Công bố đơn đăng ký:

– Trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn (nếu đơn không có ngày ưu tiên) hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn;

– Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.

∗ Thẩm định nội dung: Việc thẩm định nội dung sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.

Kết thúc giai đoạn này, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung đến Người nộp đơn đăng ký, theo đó, nếu sáng chế đáp ứng điều kiện thì được cấp Bằng độc quyền sáng chế. Trường hợp sáng chế không đáp ứng về trình độ sáng tạo nhưng đáp ứng điều kiện về tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo sửa đổi đơn để được xem xét cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích. Trường hợp sáng chế không đáp ứng điều kiện về tính mới hoặc không có khả năng áp dụng công nghiệp thì sáng chế sẽ bị từ chối hoàn toàn.

4. Hồ sơ đăng ký sáng chế năm 2023 gồm những gì?

Hồ sơ đăng ký sáng chế năm 2023 gồm các tài liệu sau:

1) Đơn đăng ký bảo hộ sáng chế (Tải về).

2) Bản mô tả sáng chế, theo đó, bản mô tả sáng chế gồm có: phần mô tả, yêu cầu bảo hộ và hình vẽ (nếu có).

3) Bản tóm tắt sáng chế.

4) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

5) Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện Sở hữu công nghiệp).

6) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác.

dich-vu-lam-the-apec

Để nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế, bạn có thể tiến hành nộp hồ sơ theo 01 trong 03 cách thức sau đây:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp đến Cục SHTT hoặc qua dịch vụ bưu chính

Với cách thức này, bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ giấy và nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến trụ sở chính của Cục SHTT hoặc các văn phòng đại diện của Cục theo thông tin dưới đây:

1) Trụ sở chính của Cục SHTT: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội;

2) Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP. HCM: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17-19 Tôn Thất Tùng, P. Phạm Ngũ Lão, Q. 1, TP. HCM;

3) Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP. Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.

Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến

Với cách thức này, bạn không cần chuẩn bị hồ sơ giấy mà bạn có thể nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu Trí tuệ theo đường link:

http://dvctt.noip.gov.vn:8888/HomePage.do

Để đăng ký theo cách này bạn cần có chữ ký số (còn gọi là USB Token) và phải đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Cách 3: Nộp hồ sơ thông qua Đại diện sở hữu công nghiệp

Bạn có thể nộp thông qua tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp như Công ty Luật CIS. Tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp là tổ chức dịch vụ Sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy phép và ghi nhận trong hệ thống quản lý của Cục. Theo đó, bạn chỉ cần ký Giấy ủy quyền, mọi giấy tờ và giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ sẽ do tổ chức này chủ động thực hiện.

5. Sáng chế được bảo hộ độc quyền bao nhiêu năm?

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:

Điều 93. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

2. Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

3. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

Như vậy, thời hạn bảo hộ của Bằng độc quyền sáng chế là 20 năm, trong khi đó, thời hạn bảo hộ của Bằng độc quyền giải pháp hữu ích ngắn hơn, cụ thể là 10 năm. Trong suốt thời gian này, chủ sở hữu phải nộp phí duy trì hiệu lực hằng năm, nếu không, bằng bảo hộ sẽ chấm dứt hiệu lực.

6. Tại sao cần phải đăng ký sáng chế?

Lợi ích từ việc khai thác sáng chế với quy mô công nghiệp là vô cùng to lớn, đặc biệt đối với Chủ sở hữu sáng chế khi đã có trong tay Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, cụ thể như:

Quyền độc quyền: Chủ sở hữu sáng chế có quyền độc quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng sáng chế, cũng như ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế và có quyền định đoạt sáng chế (bán, chuyển nhượng, chuyển giao sáng chế) cho người khác.

Xử lý xâm phạm sáng chế: Nếu có một bên thứ ba sử dụng trái phép sáng chế của bạn, bạn có quyền xử lý hành vi xâm phạm đó bằng việc khởi kiện ra Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý hành vi xâm phạm trên cơ sở bằng độc quyền sáng chế đã được cấp và còn hiệu lực bảo hộ.

Nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường: Khi đã trở thành chủ sở hữu độc quyền sáng chế, bạn sẽ hạn chế được khả năng người khác làm ra sáng chế giống bạn, điều này sẽ giúp làm giảm khả năng bị cạnh tranh trên thị trường.

Mang lại nguồn tài chính to lớn: Sáng chế là một tài sản giá trị lớn và không dễ dàng được tạo ra, vì vậy khi bạn có bằng độc quyền, người khác có thể tìm đến bạn để mua lại hoặc xin phép sử dụng sáng chế, khi đó bạn sẽ có được nguồn thu từ việc khai thác thương mại sáng chế.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

7. Những lưu ý khi đăng ký sáng chế năm 2023

Thủ tục đăng ký sáng chế là thủ tục đặc thù và không phải đơn đăng ký nào cũng sẽ được cấp Bằng bảo hộ độc quyền khi đăng ký. Một số lưu ý mà bạn cần quan tâm khi đăng ký sáng chế có thể kể đến như:

– Thứ nhất, hồ sơ cần được chuẩn bị đầy đủ và hợp lệ về mặt hình thức theo quy định của Luật. Nếu hồ sơ không có đầy đủ các tài liệu bắt buộc như đã nêu tại Mục 4 hoặc có những thiếu sót như khai thiếu thông tin tác giả, chủ đơn, phân loại sai theo phân loại sáng chế quốc tế, hồ sơ không có tính thống nhất, hình thức trình bày chưa đúng theo quy định…thì hồ sơ có thể bị từ chối hợp lệ về hình thức và chủ đơn cần phải tốn chi phí, thời gian để sửa chữa các thiếu sót này.

– Thứ hai, sáng chế khi nộp đơn đăng ký cần đáp ứng đầy đủ điều kiện bảo hộ để được cấp bằng độc quyền, trong đó bao gồm: tính mới, trình độ sáng tạo, và khả năng áp dụng công nghiệp. Chỉ cần không đáp ứng được một trong các điều kiện nêu trên thì đơn đăng ký sáng chế sẽ bị từ chối bảo hộ.

– Thứ ba, hồ sơ đăng ký sáng chế thông thường kéo dài khoảng hơn 02 – 05 năm, trong suốt thời gian này, bạn phải theo dõi các thông báo của Cục SHTT gửi về có liên quan đến sáng chế.

Để làm được hồ sơ sáng chế, đòi hỏi bạn vừa phải có kiến thức chuyên môn về kỹ thuật lẫn về Luật thì mới có thể thực hiện được. Do vậy, chúng tôi khuyên bạn nên tìm một Công ty Luật hoặc một Tổ chức chuyên nghiệpcó nhiều kinh nghiệm để họ giúp bạn đánh giá và hoàn thiện hồ sơ.

8. Dịch vụ đăng ký sáng chế của Công ty Luật CIS

Công ty Luật Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là một trong số ít các Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận và cấp phép hoạt động bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Luật sư và chuyên viên của Chúng tôi đã được đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:

– Tra cứu, tư vấn về khả năng đăng ký sáng chế;

– Tư vấn hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế;

– Tiến hành các thủ tục phản đối, khiếu nại và hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền bảo hộ sáng chế;

– Gia hạn hiệu lực bằng độc quyền độc quyền sáng chế;

– Ghi nhận những thay đổi liên quan đến bằng độc quyền bảo hộ sáng chế;

– Tư vấn đăng ký chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế;

– Quản lý hồ sơ đăng ký độc quyền sáng chế đến khi có kết quả cuối cùng, chủ động cập nhật tình trạng xử lý hồ sơ và kịp thời phúc đáp ý kiến của Cơ quan đăng ký.

Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ sáng chế năm 2023, Bạn vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580
Email: 
info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn