Hướng dẫn cách làm lý lịch tư pháp cho người nước ngoài

Phiếu Lý lịch tư pháp là một trong những giấy tờ bắt buộc để Người nước ngoài xin Giấy phép lao động hoặc thực hiện các thủ tục khác tại Việt Nam. Khi Người nước ngoài đang hoặc đã từng cư trú tại Việt Nam, thì Người nước ngoài có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết về cách làm Lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài mới nhất.

1. Lý lịch tư pháp là gì?

Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản (Khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12). Theo đó, Phiếu lý lịch tư pháp là loại giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp ghi nhận thông tin về lý lịch tư pháp của một người.

Theo Luật lý lịch tư pháp, hiện nay, lý lịch tư pháp gồm 02 loại: Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 và số 2, cụ thể:

– Phiếu lý lịch tư pháp số 1 là Phiếu ghi các án tích chưa được xóa. Trường hợp Người nước ngoài không bị kết án, đã bị kết án nhưng được xóa án tích, được đại xá thì ghi “Không có án tích trong thời gian cư trú tại Việt Nam”.

– Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là Phiếu ghi đầy đủ các án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Như vậy, đối với Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có nhu cầu xin Phiếu lý lịch tư pháp để bổ sung hồ sơ xin Giấy phép lao động hoặc thực hiện các thủ tục khác, Người nước ngoài thực hiện xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1.

lam-ly-lich-tu-phap-cho-nguoi-nuoc-ngoai

2. Quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp

  • Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009 do Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ ngày ngày 01/7/2010;
  • Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;
  • Thông tư số 16/2013/TT-BTP ngày 11 tháng 11 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp;
  • Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài Chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;
  • Quyết định số 1050/QĐ-BTP ngày 23 tháng 06 năm 2021 của Bộ Tư Pháp về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực lý lịch tư pháp thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ tư pháp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021.

3. Điều kiện để người nước ngoài được cấp lý lịch tư pháp ở Việt Nam

Theo quy định của Luật lý lịch tư pháp, điều kiện để cấp lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài tại Việt Nam là:

– Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam; hoặc

– Người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam.

Việc cư trú thể hiện ở thời hạn visa Việt Nam hoặc thẻ tạm trú của Người nước ngoài và có đăng ký tạm trú với Công an xã, phường nơi Người nước ngoài cư trú. Việc đăng ký tạm trú được ghi nhận trên sổ khai báo tạm trú hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú do Công an xã, phường nơi Người nước ngoài đang ở cấp.

4. Phí làm lý lịch tư pháp

Hiện nay, lệ phí Nhà nước cấp Phiếu lý lịch tư pháp là: 200.000 đồng/lần/người. Ngoài ra, trường hợp yêu cầu cấp nhiều Phiếu lý lịch tư pháp, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi thu thêm 5.000 đồng/phiếu.

Nếu bạn ủy quyền cho công ty dịch vụ để thay mặt tiến hành thủ tục, bạn sẽ trả thêm 1 khoản phí dịch vụ. Hiện nay có khá nhiều nơi làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp với nhiều mức giá khác nhau.

5. Thời hạn của phiếu lý lịch tư pháp

Theo quy định của pháp luật hiện hành, không có quy định cụ thể về thời hạn phiếu lý lịch tư pháp nhưng cũng không đồng nghĩa phiếu lý lịch tư pháp có giá trị hiệu lực vô thời hạn. Do đó, tùy vào từng thủ tục hành chính mà quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp khác nhau.

Ví dụ về thời hạn sử dụng phiếu lý lịch tư pháp:

– Đối với thủ tục xin giấy phép lao động, thời hạn của Phiếu lý lịch tư pháp là 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ xin Giấy phép lao động.

– Đối với thủ tục nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài, thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp là 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

6. Cách làm lý lịch tư pháp trực tiếp

a) Chuẩn bị hồ sơ:

Hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cho Người nước ngoài bao gồm:

  • Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (tải về)
  • Bản sao chứng thực (hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu) Hộ chiếu của Người nước ngoài.
  • Bản sao chứng thực (hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu) giấy chứng nhận đăng ký tạm trú và thẻ tạm trú/visa Việt Nam.

Trường hợp Người nước ngoài ủy quyền cho người khác, chuẩn bị thêm giấy tờ sau:

  • Bản chính Văn bản ủy quyền có công chứng, chứng thực.
  • Bản sao chứng thực (hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu) CMND/CCCD/Hộ chiếu của người được ủy quyền.

b) Cách thực hiện:

Để làm lý lịch tư pháp trực tiếp, bạn thực hiện 3 bước như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

– Nếu Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở tư pháp nơi Người nước ngoài lưu trú.

Ví dụ: Người nước ngoài đang cư trú tại TP HCM sẽ xin cấp phiếu Lý lịch tư pháp tại Sở tư pháp TP. HCM tại địa chỉ 143 Pasteur, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

– Nếu Người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia tại địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà Hành chính – Thư viện, Số 09 Phố Trần Vĩ, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội.

Bước 2: Cơ quan Nhà nước tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ. Sau đó bạn được cấp Biên nhận hồ sơ hoặc được hướng dẫn bổ sung và hoàn thiện hồ sơ (nếu hồ sơ còn thiếu sót).

Bước 3: Căn cứ vào ngày hẹn trên Biên nhận, bạn đến nhận kết quả giải quyết trực tiếp hoặc nhận kết quả qua bưu điện.

c) Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

7. Cách làm lý lịch online

Với cách làm lý lịch tư pháp online, bạn sẽ thực hiện kê khai thông tin xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp online, sau đó nộp hồ sơ và nhận kết quả qua bưu điện.

Để làm lý lịch tư pháp online, bạn thực hiện 3 bước như sau:

Bước 1: Đăng ký lý lịch tư pháp online

  • Đầu tiên, bạn truy cập vào Cổng Dịch vụ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến theo link https://lltptructuyen.moj.gov.vn/home
  • Tiếp theo, bạn chọn đối tượng xin cấp lý lịch tư pháp: Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam hoặc Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam và chọn nơi cư trú của Người nước ngoài.
  • Bạn click vào [NHẬP TỜ KHAI] và nhập thông tin theo yêu cầu.
  • Bạn click vào [In tờ khai / PRINT] ở góc phải màn hình để in tờ khai.
  • Sau khi hoàn tất, hệ thống sẽ trả lại cho bạn mã số đăng ký trực tuyến. Bạn phải lưu lại mã số này và cung cấp cho bộ phận tiếp nhận khi nộp hồ sơ để nhận phiếu hẹn trả kết quả.

Bước 2: Nộp hồ sơ yêu cầu qua bưu điện

Sau khi đăng ký online ở bước 1, bạn sẽ cần chuẩn bị các hồ sơ sau để nộp lên đơn vị cấp Lý lịch tư pháp mà bạn đã chọn:

  • Tờ khai đã in ở bước 1;
  • Mã số đăng ký lý lịch tư pháp online được cấp ở bước 1;
  • Bản sao chứng thực hộ chiếu;
  • Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký tạm trú và thẻ tạm trú/visa Việt Nam;
  • Phiếu đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính (tải về);
  • Phí cấp lý lịch tư pháp và phí chuyển phát.

Lưu ý: Trong vòng 5 ngày kể từ ngày đăng ký online, bạn phải gửi bộ hồ sơ trên đến Cơ quan cấp lý lịch tư pháp.

Bước 3: Nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua bưu điện.

8. Cách làm lý lịch tư pháp qua bưu điện

a) Chuẩn bị hồ sơ:

Để xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cho Người nước ngoài qua bưu điện, bạn chuẩn bị bộ hồ sơ như sau:

  • Tờ khai lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài (Tải về)
  • Bản sao chứng thực hộ chiếu;
  • Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký tạm trú và thẻ tạm trú/visa Việt Nam;
  • Phiếu đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính (Tải về);
  • Phí cấp lý lịch tư pháp và phí chuyển phát.

b) Cách thực hiện

Để làm lý lịch tư pháp qua bưu điện, bạn thực hiện 2 bước như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ và đóng phí qua bưu điện

Bạn mang hồ sơ nêu trên ra bưu điện để nộp hồ sơ.

Lưu ý:

  • Hiện nay các Sở tư pháp đang sử dụng dịch vụ chuyển phát của Viettel Post và Vietnam Post.
  • Khi nộp hồ sơ qua bưu điện, Phiếu hẹn trả kết quả sẽ được gửi vào địa chỉ email hoặc nhắn tin tới số điện thoại đăng ký.

Bước 2: Nhận kết quả qua bưu điện

Bạn sẽ nhận kết quả Phiếu lý lịch tư pháp theo phương thức đã đăng ký.

Lưu ý: Bạn có thể nhận kết quả trực tiếp tại Cơ quan Nhà nước mặc dù trước đó đã chọn nhận kết quả qua bưu cục. Nhưng phí dịch vụ bưu chính sẽ không được hoàn lại.

c) Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Tuy nhiên, trường hợp nhận kết quả qua đường bưu điện có thể lâu hơn do cộng thêm thời gian chuyển phát.

Trên đây là các hướng dẫn chi tiết về cách làm Lý lịch tư pháp cho Người nước ngoài mới nhất. Nếu bạn có vướng mắc, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582             Hotline: 0916568101
Email: info@cis.vn